<p>Chỉ có điều là khi trước sản vật trồng cấy, chăn nuôi, hay hàng hoá do thủ công làng nghề, máy móc công nghiệp sản xuất còn ít, nên chủ yếu là làm ra tại đâu bày bán tại đấy. Mặt khác, đời sống của số đông người dân nhiều năm trước còn thấp, nên sức mua chưa cao, cốt sao mua đủ hàng tiêu dùng thiết thực, chủ yếu là những thứ hàng quê mình đã sẵn, nên người bán hàng chưa thể đem hàng bán xa, giới thiệu rộng vì khó bán, lại tốn chi phí vận chuyển. Chỉ kể từ khi kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, hàng làm ra nhiều, bán ở địa phương không hết, cần chở đi các nơi bán. Nhưng bán ở đâu cho có nhiều người mua là cả một vấn đề. Phải thăm dò khả năng người mua, giới thiệu hàng và bán hàng thế nào cho khéo, thu hút đông khách bằng chất lượng hàng, mẫu mã đẹp, giá hạ, song vẫn lãi nhờ bán được nhiều hàng. </p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_3/xttm.JPG" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Bán hàng trong nước đã khó, huống hồ lại còn phải tham gia vào sự hội nhập kinh tế với các nước láng giềng, khu vực và thế giới. Họ đem nhiều hàng đẹp vào nước ta bán, sẽ càng khó cho hàng nội cạnh tranh khi nước ta giảm thuế, hoặc đưa tỉ lệ thu thuế về con số không khi thực hiện các hiệp định thương mại. Để phát triển sản xuất hàng hoá và thương mại, một mặt ta phải cạnh tranh với họ ngay trên sân nhà, mặt khác còn phải “đem chuông đi đấm nước người”, bán sao được nhiều hàng trên thị trường toàn cầu. Muốn thế phải cất công đi tìm thị trường, xem nước nào cần hàng nào của mình, rồi lại phải biết nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu thụ nước ấy mà đáp ứng. Tất nhiên đó là việc cần làm của các nhà sản xuất hàng hoá và giới thương mại đem hàng đi bán. Song hiện tại phần đông các doanh nghiệp của ta đều chưa hiểu biết đầy đủ về XTTM, còn ít kinh nghiệm, chưa nhiều thông tin về xuất khẩu hàng hoá, nên rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Công Thương. Những phong trào, chương trình người Việt tiêu thụ hàng Việt, bình ổn giá cả thị trường, đưa hàng về nông thôn đã tạo thêm thuận lợi, rộng cửa, tiếp sức cho các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá ngay trong thị trường nội địa. Về mặt này mấy năm qua, gần nhất là năm 2014, việc XTTM đã tiến hành tương đối tốt đem lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên vẫn còn một số điều cần rút kinh nghiệm, như số doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn chưa đa dạng, nên hàng hoá quá giống nhau ở mỗi phiên chợ, năm này giống năm khác. Có nguyên do tại các doanh nghiệp, song cũng còn tại công tác tuyên truyền quảng bá cho hoạt động đưa hàng về nông thôn làm chưa tốt, đơn vị chủ trì còn thụ động phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ. Đã thế doanh nghiệp tham gia các phiên chợ phần lớn là doanh nghiệp thương mại nên mới chỉ tập trung vào việc bán hàng, chưa chú trọng thăm dò nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng để đáp ứng ngay từ khâu làm ra sản phẩm. Các địa phương lại thiếu liên kết trong hội chợ triển lãm để tổ chức trao đổi hàng, giới thiệu hàng. <br></div><div><br></div><p>Về xuất khẩu hàng hoá, theo Bộ Công Thương, chương trình XTTM quốc gia năm 2014 đã hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận, mở rộng nơi bán hàng tại các thị trường trọng điểm, thị trường mới nhiều tiềm năng. Đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động, cùng tham gia XTTM, được cung cấp thông tin, giúp đỡ tìm hiểu những thông lệ quốc tế, quy định của mỗi nước về nhập khẩu, tham gia thị trường nước họ. Các cục, vụ của Bộ Công Thương đã và sẽ cung cấp thông tin kịp thời, gợi ý cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá thích hợp. Thực tế cho thấy việc kết hợp giữa Bộ Công thương và Bộ Ngoại giao về xuất khẩu hàng hoá, giữa các doanh nghiệp, hiệp hội với các Tham tán thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp thêm thông tin, điều kiện để cung cấp hàng hoá đáp ứng đúng nhu cầu người mua ở thị trường các nước.</p><div>Nói chung kể cả với thị trường nội địa và xuất khẩu, cần nâng cao hơn nữa năng lực tiến hành cũng như hiệu quả XTTM, bởi vẫn còn một số đơn vị do yếu năng lực triển khai nên không thực hiện được, hoặc thực hiện không đúng tiến độ được phê duyệt, chưa đúng mục tiêu nội dung, dẫn đến việc phải trình Bộ Công Thương thay đổi thời gian, địa điểm nhiều lần. Với tiêu thụ nội địa, việc tổ chức, dàn dựng gian hàng, trang trí tổng thể tại các phiên chợ bán hàng Việt ở một số địa phương còn sơ sài, luộm thuộm, kém hấp dẫn. Kinh phí hỗ trợ từ chương trình XTTM còn thấp, mô hình các trung tâm xúc tiến chưa ổn định, cán bộ làm công tác này hoặc không đủ năng lực, hoặc lại thay đổi luôn. Cần đào tạo tập huấn về kỹ năng làm công tác XTTM cho chuyên nghiệp. Được biết Thông tư 88 của Bộ Tài chính về cơ chế chính sách hoạt động XTTM sẽ có nhiều thay đổi theo hướng thông thoáng và sát thực tế hơn, như tăng kinh phí hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn. Bộ Công Thương đã sớm phê duyệt Chương trình XTTM năm 2015 ngay từ cuối năm 2014, theo tinh thần Bộ đẩy mạnh các hoạt động XTTM tại nội địa cũng như quốc tế, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một số ít thị trường, xem đây là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chương trình XTTM thời gian tới.</div><div> </div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>