Trong thời kỳ cách mạng, báo chí là phục vụ “kháng chiến và kiến quốc”. Nói kiến quốc, đương nhiên bao hàm kiến tạo văn hóa dân tộc và càng đương nhiên không chỉ nói riêng cho thời kháng chiến. Bác Hồ từng khẳng định “văn hóa là mặt trận, nhà báo là chiến sĩ lấy cây bút và trang giấy làm vũ khí”.
Thời đổi mới, báo chí là “cơ quan thông tin, ngôn luận của cơ quan, tổ chức, là diễn đàn của nhân dân”. Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, báo chí hiện diện trên mọi lĩnh vực, có nhiều cống hiến vào sự nghiệp chung của dân tộc, bao gồm trong đó có sự nghiệp xây dựng, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Những nỗ lực của Nhà báo được trao giải báo chí Quốc gia năm 2017. Ảnh: TTXVN
Theo Nhà báo Phan Quang, điều đáng nhấn mạnh là trong khi các loại hình văn hóa đều thông qua tác nghiệp của mình để “làm văn hóa” thì duy nhất có báo chí vừa làm nhiệm vụ của bản thân với tư cách bộ phận cấu thành văn hóa theo sứ mệnh được giao, vừa chung tay cùng các loại hình văn hóa khác thực hiện sứ mệnh của họ, góp phần quảng bá, lan tỏa công chúng vào đông đảo nhân dân. Thời đại hậu công nghiệp, tác động của báo chí với tư cách phương tiện thực thi văn hóa càng lớn, càng hữu hiệu nhờ ở thế mạnh ít lĩnh vực nào sánh được, thể hiện ở sự tăng tiến đột biến về tốc độ, số lượng, chất lượng và khả năng tương tác đa chiều.
Rõ ràng, văn hóa nhận rõ vai trò, tác động của báo chí, truyền thông và chủ động phối hợp, trong khi báo chí thường xuyên nâng cao hàm lượng văn hóa các sản phẩm của mình.
Cũng theo nghiên cứu của Nhà báo Phan Quang, Bác Hồ dạy: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Báo chí là văn hóa thì tất nhiên đòi hỏi người làm báo phải có văn hóa, nhà báo coi tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa. Thực chất có văn hóa là yêu cầu xuyên suốt cuộc đời nghề nghiệp của bất kỳ ai dấn thân vào nghề làm báo, viết văn hay nghệ thuật.
Nói “nhà báo – nhà văn hóa” là nói đến tố chất văn hóa nơi người làm báo. Tố chất văn hóa được hiểu theo cách nhân văn, không đơn thuần biểu hiện bằng trình độ tri thức, học vị, cống hiến, tài hoa...cho dù đó là những phẩm cách không thể thiếu.
Theo chuyên gia nghiên cứu thì văn hóa của người làm báo thể hiện ở thái độ với tổ quốc, xã hội, gia đình, tâm linh..., ở cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường, đồng nghiệp, đồng bào..., và cả với đối phương khi cần. Do nhu cầu nghề nghiệp, nhà báo hòa nhập giới thượng lưu mà không lấy thế làm sang, sống chung với người nghèo khó thậm chí bị coi là hạ đẳng trong xã hội mà không tiêm nhiễm những thói hư, tật xấu của một số trong đó.
Ước nguyện tủ sách cho học sinh nghèo Yên Bái của Nhà báo Đinh Hữu Dư - (người ra đi mãi khi tác nghiệp ở bão lũ) đã được đoàn viên thanh niên của Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục hiện thực hóa. Ảnh: TTXVN
Thực tế, trong đội ngũ báo chí ta từ khi ra đời, có rất nhiều gương sáng người cầm bút hiên ngang khí phách trước kẻ thù, hoặc cùng người chiến sĩ xung kích lên tuyến lửa không chút ngại ngần cho biết lát nữa mình có thể nằm lại vĩnh viễn nơi đây, những người ấy lại rất dễ tuôn nước mắt trước những mảnh đời bất hạnh. Không thể gọi là có văn hóa người vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, ra ngoài thì phong nhã, hào hoa, về nhà lại dở thói côn đồ với vợ con, hàng xóm, dửng dưng trước biến đổi khí hậu, xâm phạm đời tư người khác, mải mê chạy theo đồng tiền và danh vọng mà dối trá, bon chen, chụp giật, không ngại ngùng tung ra công chúng những sản phẩm chất lượng kém, thậm chí độc hại, miễn là có tiền, nổi tiếng. “Nghề báo có thể đưa người ta đến bất kỳ đâu, cái quan trọng là biến dừng lại khi cần”. Người xưa từng nói.
“Cây đại thụ” trong làng báo cũng từng chỉ ra, trong công việc, tố chất văn hóa người làm báo trong sản phẩm truyền thông thể hiện lên mặt báo, màn hình qua âm thanh, màu sắc, công nghệ, kỹ xảo...Tuy nhiên sẽ sai lầm nếu đồng nhất tác phẩm báo chí ăn khách nhất thời nhờ thủ thuật, nhờ hợp thị hiếu, với hàm lượng văn hóa chứa đựng trong tác phẩm ấy, cũng như không nhất thiết nhà báo nổi danh nào cũng đều là người văn hóa cao.
“Văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của từng người làm báo trong suốt cuộc đời tác nghiệp, ở tác động dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển. Mối quan hệ văn hóa – báo chí thường là tiềm ẩn, song đấy lại là cái âm thầm, bền bỉ khắc họa nhân cách nhà báo chân chính, phân biệt họ với những kẻ lợi dụng báo chí vì mục đích tầm thường; là cái hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia”, nhà báo Phan Quang nhấn mạnh.
Oanh Hữu