Ngành cơ khí cần bắt nhịp nhanh với CMCN 4.0

Thứ sáu, 21/09/2018 13:15
(ThanhtraVietNam) - Nền sản xuất của nước ta được quy tụ chủ yếu vào nông nghiệp và công nghiệp, các nhà quản lý kinh tế, dư luận xã hội luôn dõi theo và vui buồn mừng lo với các chỉ số hàng tháng của mỗi ngành ấy theo Tổng cục Thống kê báo cáo.

Về công nghiệp, tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018 thành tựu vẫn đáng mừng vì vẫn giữ được đà tăng trưởng, tháng 8 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, 8 tháng đầu năm nay tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 3%. Nhưng đáng tiếc là vẫn còn một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp chưa theo được đà tăng trưởng chung, như ngành cơ khí. Trong khi đó, đây lại là ngành gắn liền với ngành chế tạo công cụ, cung cấp nguyên vật liệu cho ngành xây dựng. Ngành cơ khí đang tụt hậu là sự nhận định của nhiều chuyên gia, 20 năm qua trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới. Có nguyên nhân, trách nhiệm từ sự quản lý nhà nước và của bản thân các doanh nghiệp cơ khí nội địa.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành cơ khí bao gồm cả sản xuất trong nước và nhập khẩu năm 2015 đạt khoảng 50 tỷ USD, trong đó sản xuất trong nước mới chỉ là 16 tỷ USD, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,5% nhu cầu cơ khí của cả nước. Đặc biệt là sản xuất và kinh doanh thép liên tục đứng trước những thách thức trong bán mua và trên thị trường chứng khoán vì các vụ kiện phòng vệ thương mại tiếp tục gia tăng. Trong 8 tháng đầu năm 2018 hầu hết giá cổ phiếu của thép đều suy giảm do lợi nhuận không khả quan. Thép hiện đang đứng ở tốp đầu các vụ kiện thương mại và dự báo tiếp tục gia tăng  khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang càng căng thẳng. Chủ động nguồn nguyên liệu và chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ là những giải pháp giúp việc sản xuất, kinh doanh thép hạn chế các vụ kiện quốc tế không đáng có. Hàng loạt biện pháp thuế tự vệ tiếp tục được nhiều nước áp dụng sẽ tác động mạnh làm giảm xuất khẩu thép, vậy cần hướng nhiều hơn vào việc cung cấp thép làm nguyên vật liệu cho chế tạo máy móc và xây dựng trong nước.

Hiện nay, cơ khí là ngành đóng vai trò xương sống của nền kinh tế, là nền tảng hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách phát triển ngành công nghiệp cơ khí, nên ngành cơ khí mấy năm trước đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận như: Số lượng doanh nghiệp cơ khí từ 10.000 năm 2010, lên 21.000 năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí đạt trên 16 tỷ USD, nhiều sản phẩm trước đây phải nhập khẩu, đến nay từng bước đã được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong nhiều nhà máy đã đồng bộ, các doanh nghiệp đã làm chủ được một số công nghệ, tỷ lệ nội địa hóa dần được nâng cao, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đại hóa đất nước. Một số doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, đóng tàu, máy công cụ, máy nông nghiệp… đã đáp ứng một phần nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp cơ khí nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên trên tổng thể ngành cơ khí vẫn còn nhiều hạn chế, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp còn quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước. Việc nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phải phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém và khả năng nhập, hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn ít ỏi, kém cỏi.

Để thực tế đáng buồn xảy ra như trên, theo VAMI, là do hệ thống chính sách và bộ máy quản lý nhà nước đối với sản xuất cơ khí chưa thực hữu hiệu, chưa đi được sâu rộng vào cuộc sống, không bảo vệ được thị trường nội địa, mất nhiều đơn hàng cho nước ngoài. Và còn do các doanh nghiệp sản xuất cơ khí yếu kém trong đầu tư, phần đông mới sản xuất, kinh doanh tự phát, chưa đi sâu nghiên cứu thị trường và thiết bị công nghệ lạc hậu, dẫn đến sức cạnh tranh kém, sản phẩm cơ khí của Việt Nam hiện nay mới chủ yếu là hàng làm gia công, kết cấu thép ít sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhiều cấp ngành quản lý chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp cơ khí. Trong khi thực tế luôn đòi hỏi một nước công nghiệp muốn phát triển thì không thể không phát triển ngành cơ khí và chế tạo máy công nghiệp nặng.

Như mọi ngành sản xuất khác, ngành cơ khí muốn không tụt hậu và vươn lên, cũng phải bắt nhịp nhanh với cách mạng công nghiệp 4.0, chứ không thể để mãi tình trạng trình độ 2.0 như hiện nay. Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN vừa diễn ra tại Hà Nội là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn của thế giới bàn việc phát triển nhanh mạnh, bền vững của kinh tế các nước ASEAN, tập trung cho việc ứng dụng công nghiệp 4.0. Nền kinh tế Việt Nam nói chung, ngành cơ khí nói riêng, cần từ những nội dung được luận bàn trong diễn đàn này mà đẩy mạnh sự hội nhập công nghệ số, trên cơ sở đó xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí hiện đại, đầu tư mới, lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài như sản xuất lắp ráp ô tô tải, xe bus, chế tạo thiết bị kết cấu thép.

Theo đó, Nhà nước cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có nhiều đơn hàng, rộng mở thị trường, giúp vực dậy ngành cơ khí. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư, như tập trung cho các doanh nghiệp có sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thương hiệu mạnh, thị trường rộng, trong giai đoạn đầu có thể tập trung ưu tiên các lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp khác, như sản phẩm đúc, rèn thép để các ngành đó chủ động nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2018, đang được xem như liều thuốc tăng trưởng cho ngành cơ khí Việt Nam, giúp ngành cơ khí nắm bắt được cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 để vươn lên mạnh mẽ. Được biết, Bộ Công Thương sẽ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí phối hợp với cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề để điều chỉnh danh mục cơ khí trọng điểm, đơn giản hóa thủ tục xác nhận cho phù hợp thực tế. Sẽ hình thành và phát huy vai trò của Trung tâm hỗ trợ công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ phù hợp, khuyến khích và ưu đãi các doanh ngiệp cơ khí áp dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất./.

                                                                                                                       Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra