Nhân lên niềm vui sắm Tết

Thứ tư, 09/01/2019 05:56
(ThanhtraVietNam) - Đã sang tuần đầu của tháng Chạp năm Mậu Tuất, chẳng bao lâu là đến thời khắc đón Tết vui Xuân năm Kỷ Hợi 2019. Đây là thời điểm người dân vừa gấp gáp hoàn thành những công việc còn lại của năm cũ, vừa chuẩn bị hành trang bước sang năm mới. Cũng là lúc theo phong tục, thói quen, nhà nhà, người người chuẩn bị sắm Tết.

Niềm vui trong việc sắm tết cũng muôn màu muôn vẻ, phần lớn phụ thuộc khả năng của mỗi nhà, nhất là của sự phồn thịnh hay không của nền kinh tế đất nước. Đành rằng, dù giàu nghèo gì thì 30 Tết vẫn có thịt treo trong nhà. Song đó chỉ là chuyện an ủi lẫn nhau của một thời xưa cũ khi đất nước còn nghèo, số đông các gia đình còn thiếu thốn, còn ba mươi năm trở lại đây đất nước đi vào công cuộc đổi mới đã giàu lên, đem đến nhiều hàng hóa Tết cho người ta thoải mái mua sắm. Đồng thời, mức độ thu nhập của người dân đã tăng lên, phần lớn các hộ gia đình đã có thể sắm tết theo ý muốn và thị hiếu mới, không chỉ nhiều về số lượng mà còn phong phú chất lượng, thành ra việc đánh giá niềm vui sắm tết cũng ở nhiều tiêu chí, mức độ cao hơn. 

Điều này có được là do sự phát triển đạt thành tựu cao trong mọi mặt của kinh tế xã hội năm 2018, cũng như tương lai hứa hẹn nhiều rực rỡ của năm 2019. Như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối cùng của năm 2018: Chính phủ đã kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của sức cạnh tranh. Trước biến động của kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, rủi ro tài chính tiền tệ, Chính phủ đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế xã hội. Kết quả là tăng trưởng GDP cả năm 2018 vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân 03 năm 2016 – 2018 tăng 6,57%, riêng năm 2018 đạt hơn 7%. Đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên 245 tỷ USD, bình quân đầu người lên khoảng 2.580 USD/ người, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI duy trì ở mức 3,54%.

 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các tỉnh, thành trong cả nước, có được kết quả tốt đẹp trên, nguyên nhân bao trùm là nhờ chúng ta được thừa hưởng những thành tựu to lớn quan trọng có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới, nhờ có sự đoàn kết thống nhất nỗ lực phấn đấu chung sức chung lòng của toàn Đảng toàn dân. Thành quả kinh tế như vậy đã khiến người ta rủng rỉnh tiền sắm tết cũng như yên tâm với khả năng của năm sau, vì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn là sự phát triển kinh tế xã hội năm 2019 phải đạt kết quả tổng thể cao hơn 2018. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ hứa thực hiện đúng những cam kết với những chủ trương, biện pháp thiết thực đi kèm.

Sau khi có được sự yên tâm với năm mới, đủ đầy của năm cũ, nghĩa là đã đủ các điều kiện để có kha khá số tiền dành cho sắm Tết, thì người ta chỉ còn cần xem hàng hóa tết trên thị trường năm nay thế nào? Thực tế đáng mừng là các tỉnh, thành phố đều nêu quyết tâm và có những biện pháp chuẩn bị đầy đủ hàng hóa Tết, giữ bình ổn giá, tạo các cách thức dễ dàng cho người dân sắm Tết, nhiều nơi nhóm sản phẩm hàng hóa bán Tết bắt đầu tăng tốc tiêu thụ thông qua chương trình kích cầu khuyến mãi. Trên quầy kệ và kho lưu trữ của các nhà bán lẻ từ chợ truyền thống cho đến kênh phân phối hiện đại theo thương mại điện tử, rồi siêu thị lớn, bé, cửa hàng bán lẻ tiện lợi đều đã đầy ắp hàng hóa tết, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất cung cấp, phân phối hàng bán tết đã tăng 10 - 30% hàng tết so với năm ngoái. Ngoài các hàng truyền thống như mứt kẹo, nước ngọt, còn thêm nhiều hàng hóa mới mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý và linh hoạt, có sự kết hợp giữa các doanh nghiệp bán hàng tết với các cơ sở sản xuất nhất là chăn nuôi gà lợn, chế biến thực phẩm và cung cấp rau hoa quả sạch. Dự đoán nhu cầu hàng tết năm nay sẽ tăng, ở nhiều thành phố lớn, Sở Công Thương đã phối hợp với Cục quản lý thị trường triển khai công tác phụ vụ tết, quy định giá cả và an toàn thực phẩm. Thị trường năm nay sức mua hàng tết sẽ tăng còn vì các doanh nghiệp biết đưa ra bán những hàng chất lượng tốt, hợp thị hiếu và có nhiều cách thức khuyến mãi nhất là giảm giá.

So với mọi năm, năm nay hàng Tết cũng được bán rất linh hoạt về cách thức bán, tăng các cơ sở bán lẻ, để thị trường bán lẻ tiện ích cho người mua hàng Tết. Số lượng các cửa hàng tiện lợi đã cao hơn rất nhiều so với những năm 2015 - 2016. Trước đây, người mua hàng Tết còn chưa quen, chưa thích đến của hàng tiện lợi vì cách thức bán hàng ở đây cũng như giá bán hàng còn chưa thực hấp dẫn, nhưng nay thu hút hơn vì hệ thống các cửa hàng tiện lợi hiện diện khắp nơi với diện mạo và chiến lược bài bản hơn, từ kinh nghiệm cũng như triển khai những thương hiệu quốc tế sau khi họ gia nhập mạnh mẽ vào nội địa nước ta. Tai các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi đang xuất hiện ồ ạt, thay thế nhanh các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Việc tham gia của nhiều thương hiệu cũng tạo môi trường cạnh tranh mạnh mẽ cho mô hình cửa hàng tiện lợi do sự tập trung ngày càng dày của các cửa hàng trong một khu vực loại hình sản phẩm giới hạn chi phí đầu tư thuê mặt bằng bán hàng cao. Các cửa hàng bán lẻ đang mở rộng sự phát trển ra ngoài trung tâm thành phố do dễ kiếm mặt bằng, mật độ dân số cao và nhiều khu dân cư mới phát triển, hạ tầng giao thông kết nối ngày càng phát triển. Các cửa hàng tiện lợi vừa tạo điều kiện thuận tiện cho người mua hàng đặc biệt là sắm tết, rồi chính việc quen và thích đến cửa hàng tiện lợi lại tạo điều kiện cho các cửa hàng tiện lợi phát triển.

Một khảo sát của tổ chức nghiên cứu kinh tế - thị trường Niesel cho thấy, tần suất mua sắm trung bình ở cửa hàng trong một tháng năm 2018 của người Việt tăng 4,5 lần so với năm 2010. Các cửa hàng tiện lợi sẽ là luồng gió bán lẻ mới bên cạnh những cách thức mua bán truyền thống, chợ quê, siêu thị lớn, thương mại điện tử vì mang đến những tiện ích, dễ vươn tới các ngõ ngách đô thị, phục vụ mua sắm hàng ngày, đặc biệt là sắm tết của người tiêu dùng và du khách nhất là khi sản phẩm được đảm bảo và kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng. Càng nhân lên niềm vui là tại các kênh phân phối, các cửa hàng bán lẻ theo cách thức mới tiện lợi, hàng Việt Nam đang được bày bán tăng lên, trước đây tại các siêu thị thường chỉ 50%, nay đã tăng lên trên 80%. Đây chính là một thực tế giúp nâng cao chỉ số niềm tin tiêu dùng đối với hàng Việt, nhất là hàng Tết./.

                                                                                                           Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra