6 trọng tâm điều hành
Xác định năm 2019 tăng tốc, bứt phá, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất phương châm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá"; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 6 trọng tâm điều hành là: Phát triển kinh tế, củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng chính phủ điện tử, phòng chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.
6 tháng đầu năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, điều hành nổi bật liên quan tới thi hành Hiến pháp, pháp luật và Quy chế làm việc; về xây dựng thể chế, hoạch định chính sách; về công tác phối hợp của Chính phủ với Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp…
Tuy nhiên, về điều hành phát triển kinh tế, xã hội và giải quyết các vấn đề phát sinh thì thực sự nổi bật. Chính phủ phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và nâng triển vọng xếp hạng từ “ổn định” lên “tích cực”. Quy mô ngân sách tăng, mức độ minh bạch được xếp thứ 42/100 quốc gia. Quản lý và giám sát nợ công được nâng hạng tín nhiệm. Triển khai Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển đa dạng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Bên cạnh đó, chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (nhất là các thủ tục tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, chi phí không chính thức,...), nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia. Các chính sách khuyến khích, chiến lược phát triển, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã tạo động lực, phát huy tiềm năng, khơi dậy những giá trị mới. Điển hình trong lĩnh vực công nghiệp ô tô đã ghi dấu mốc lịch sử trong nước và quốc tế, đạt kỷ lục thế giới về tiến độ đầu tư, khẳng định sự tự chủ trong sản xuất, làm chủ công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Chỉ đạo kiểm kê đất đai trên phạm vi toàn quốc. Chấn chỉnh nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, cát sỏi. Triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, người dân quan tâm như: bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… Nhiều vấn đề xã hội đã và đang thu hút hút được sự quan tâm, hưởng ứng, chung tay của cả cộng đồng như: hạn chế, ngăn chặn rác thải nhựa, không lái xe khi sử dụng rượu bia... cũng là những chỉ đạo nổi bật trong 6 tháng đầu năm.
Tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đối tác lớn
Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ưu tiên phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại và hội nhập. Phát huy giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam, tôn vinh những giá trị truyền thống. Chú trọng chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018; chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, trung thực, công bằng, minh bạch; rà soát, sắp xếp lại các điểm trường, điều chỉnh phù hợp biên chế giáo viên, bảo đảm nơi nào có học sinh phải có giáo viên đứng lớp. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu thị trường lao động .
Đặc biệt, chú trọng công tác thanh tra, chấn chỉnh và kiến nghị xử lý các sai phạm. Đặc biệt quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo giải quyết căn bản các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; theo dõi, nắm vững tình hình, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, ngăn chặn hậu quả xấu cho xã hội.
6 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục củng cố mối quan hệ với các đối tác lớn, các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế. Tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thực hiện tốt vai trò chủ nhà, giúp Triều Tiên và Mỹ tổ chức thành công cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2, thể hiện vai trò và trách nhiệm đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hòa bình, hòa giải, khẳng định vị thế mới trong việc tổ chức các sự kiện đẳng cấp thế giới. Bên cạnh đó, đóng góp tích cực cho kết quả chung của các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN. Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế. Việc chính thức ký kết 02 Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Với ý nghĩa đặc biệt của năm 2019, 6 tháng cuối năm, các cấp, các ngành cần đổi mới tư duy, cách làm quyết liệt, tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, Chỉ thị số 09/CT-TTg của Thủ tướng; các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7, 8 khóa XII. Chủ động, tích cực tham gia chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, xử lý vướng mắc do chính sách của ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể, đột phá, mang lại hiệu quả thực chất. Đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm, chuyển động toàn hệ thống để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Người đứng đầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, sẽ cải cách thực chất thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra; kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ, công chức trì trệ, thiếu trách nhiệm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước./.
Lan Anh