<p>Các báo cáo thống kê của những cơ quan quản lý kinh tế đều đưa ra những con số đẹp đáng để phấn khởi, lạc quan minh chứng cho sự đánh giá nền kinh tế nước ta tuy còn một số khó khăn song trên tổng thể là đang tăng trưởng, phát triển tốt. Nhưng rồi đến tháng 4 sang tháng 5, nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế thấy tình hình phát triển kinh tế đang chững lại, nhiều khó khăn lớn, sụt giảm nhiều đã đến với nhiều lĩnh vực, ngành hàng kinh tế, tỷ giá leo thang, ngân hàng dự định cả năm nếu có tăng chỉ là 2%, nhưng rồi đã phải sớm tăng 1%, sau đó sang đầu tháng 5 tăng tiếp 1% nữa, hết veo đi mức định tăng cả năm chỉ là 2% , khiến dư luận xã hội, nhất là trong giới kinh doanh không khỏi lo ngại: thế còn lại những hơn bảy tháng nữa thì sao đây, tỷ giá USD với VND có tăng tiếp, đồng nghĩa với đồng tiền Việt Nam mất giá, hay không?. Tỷ giá tăng, xuất khẩu được lợi, song nhập khẩu thua thiệt, nhiều sự tiêu dùng, mặt hàng cần mua, cán cân thặng dư thương mại không thể không ít nhiều bị tác động. Giá xăng dầu giảm nhỏ giọt, đột nhiên tăng cao, xuất nhập khẩu đảo chiều từ xuất siêu thành nhập nhiều hơn xuất. Khó khăn lớn nhất là tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Chương trình phát triển công nghiệp ô tô trong nước trở về bằng không.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_5/chi_so_kinh_te.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Có thể nói và thấy nhiều mặt của tình hình kinh tế đất nước đang đặt ra vấn đề phải nhìn nhận lại thực chất, đánh giá cho đúng để rồi tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển bền vững. Thời gian đầu tháng 5 cũng là lúc Uỷ ban kinh tế và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải chuẩn bị các nội dung, trong đó có báo cáo về kinh tế xã hội cho Quốc hội họp kỳ thứ 9. Theo đó bên cạnh sự khẳng định nền kinh tế nước ta đã thực hiện được về cơ bản các chỉ tiêu mà nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, thì cũng có sự nhận định: tình hình kinh tế xã hội bộc lộ nhiều khó khăn thách thức, kết quả tăng trưởng chưa thực sự bền vững do tác động về giá dầu thô ở mức thấp. Tăng trưởng quý I chủ yếu là do đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng như dầu thô, than đá, còn của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước. Sau ba năm xuất siêu liên tục, nhập siêu đã quay trở lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,7 tỷ USD cao hơn mức 3,8 tỷ USD cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu đã có xu hướng tăng chậm, chỉ đạt khoảng 6,4%, trong khi mục tiêu là 10%, chịu sự tác động sụt giảm giá cả hàng hoá trên thế giới, nhiều hàng hoá Việt Nam vốn có lợi thế sẽ khó xuất khẩu hơn. Những chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cho ngư dân đóng tàu, nhà ở cho người thu nhập thấp triển khai chậm chạp, gặp nhiều vướng mắc gây phiền hà và thất vọng cho nhân dân. Sau 3 năm mà mới triển khai cho vay được 20% gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ mua nhà, thời gian theo kế hoạch chỉ còn lại 1 năm, làm sao cho vay tiếp và hết đúng đối tượng?. <br></div><div> </div><div>Tình hình kinh tế xã hội thực tế đang còn nhiều mặt yếu kém sụt giảm như thế, trong khi đó, theo nhiều đại biểu chức trách của Quốc hội, con số thống kê của một số bộ ngành, cơ quan quản lý kinh tế lại ít phản ánh đúng thực tế và có xu hướng kéo nhích lên cho đẹp báo cáo năm cuối kế hoạch năm năm. Đánh giá là kinh tế xã hội phát triển tốt, tỷ lệ hộ nghèo không tăng mà ổn định, nhưng Chính phủ lại phải xuất gạo cứu đói, đánh giá về nông dân chưa thấy hết khó khăn, kêu gọi xã hội sẻ chia mua dưa hấu, hành tỏi, song đó chỉ là giải pháp tấm lòng chứ chưa hỗ trợ thực tế hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh được trên thế giới. Nông nghiệp chưa thay đổi được năng suất lao động, không đưa được khoa học công nghệ vào thì khó cải thiện được tình hình. Thế mạnh về lúa gạo tiêu, điều, cà phê và nhiều nông sản khác đang bị mất đi, làm ra nhiều, nhưng không tiêu thụ hết. Xuất khẩu nông sản đang bị chịu nhiều sức ép.</div><div> </div><div>Nhìn lại tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm, thấy rõ mặt mạnh để phát huy, nhìn nhận đúng bất cập, yếu kém để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực hiệu quả nông dân, ngư dân, các doanh nghiệp, là để tiếp tục đưa nền kinh tế đi tới. Uỷ ban kinh tế của Quốc hội đã nêu ra một số kiến nghị với Chính phủ như: cải cách toàn diện nền hành chính công, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức nhà nước cho phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế thời hội nhập sâu rộng. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu nhằm tạo chuyển biến một cách căn bản rõ nét hơn trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, công khai minh bạch quy trình thủ tục hành chính và có chế tài xử lý để giảm chi phí không chính thức. Cần rà soát lại chính sách, văn bản pháp luật, năng động trong chỉ đạo điều hành quản lý kinh tế, tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải, xác lập nguyên tắc định giá khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Phải xây dựng được phương án ứng phó khi giá các mặt hàng tăng cao trở lại. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích các mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng dẫn doanh nghiệp trong quá trình hội nhập nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN- AEC hình thành vào cuối năm nay, thực thi các hiệp định thương mại. Tăng cường vai trò của các bộ ngành trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đối với doanh nghiệp. Việc nhượng quyền khai thác công trình giao thông, cảng hàng không cần tính toán thận trọng kỹ lưỡng, có chiến lược rõ ràng, có cơ sở pháp lý để không làm tăng gánh nặng chi phí dịch vụ quá sức chịu đựng của người dân. Xây dựng một nền kinh tế đẹp thực, số liệu đúng.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>