Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu thuộc lĩnh vực nông nghiệp tính đến cuối năm 2019 giảm 0,7%, kim ngạch chỉ có 28,5 tỷ USD, đã giúp cho thặng dư thương mại toàn ngành lên tới 8,8 tỷ USD, cao hơn 1,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Tin vui này đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp cũng như kinh tế chung đất nước ta, kết quả của những chính sách phù hợp từ Đảng, Nhà nước, nhất là từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cuối năm 2019, Bộ đã tập chung chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ thời tiết để điều hành sản xuất phù hợp, triển khai đồng loạt các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại, khắc phục hậu quả do thiên tai. Đồng thời, toàn ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến nông nghiệp trong nước, nước ngoài mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Nhờ thế nên nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu sau những tháng suy giảm kim ngạch thì nay đã dần dần lấy lại được đà tăng trưởng về số lượng cũng như chất lượng.
Nhà nước ta mở rộng hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, cho đến nay đã có hơn một chục hiệp định thương mại song phương được ký giữa nước ta với các nước, Việt Nam cũng đã tham gia nhiều tổ chức thương mại thế giới như WTO, TPP, chính nhờ thế chúng ta đã rất thuận lợi xuất khẩu hàng hóa, trong đó có hàng nông sản . Chúng ta ngày càng có nhiều thị trường xuất khẩu nông sản đạt cao cả về số lượng lẫn kim ngạch thu về. Đạt được kết quả này còn là nhờ chúng ta đã nhanh chóng tiếp cận với công nghệ tiên tiến, khoa học hiện đại, nhất là mạng truyền thông thời đại mới. Nhờ kỹ thuật số chúng ta thu thập được nhiều thông tin về thị trường nông sản các nước, qua đó định đoạt chính sách phát triển nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, tới quyết định chọn lựa thị trường, xúc tiến thương mại, xâm nhập những thị trường nào ta có lợi thế nhất, đẩy mạnh thương mại trực tuyến, giao lưu bán hàng hóa qua mạng thông tin.
Mặt hàng nông sản Việt Nam ở các siêu thị (Ảnh minh họa)
Mặt khác, việc ký kết bán được hàng đã khó, giao hàng đúng hẹn, mà chi phí vận chuyển không quá cao cũng không dễ, nên chúng ta đã đẩy mạnh việc xây dựng các hệ thống vận chuyển hàng hóa, phát triển logistics phục vụ cho việc đưa nông sản ra thế giới. Logistics được Nhà nước ta, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem là khâu rất quan trọng để hàng nông sản Việt Nam tham gia sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Đến nay nông sản Việt Nam đã đi đến 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, với giá trị 42,5 tỷ USD năm 2018. Thực tế thâm nhập thị trường các nước của nông sản Việt Nam còn gặp những khó khăn hạn chế, như nông sản của ta ở dạng thô còn nhiều nên trọng lượng lớn, tốn phí vận chuyển cao, nhưng giá trị kim ngạch đem về không tương ứng, xuất khẩu đạt số lượng cao chỉ là với những nước gần ta, ví như Trung Quốc, còn thì đạt số lượng thấp ở nhiều thị trường xa. Nếu như ta giảm xuất khẩu thô, phát triển mạnh hơn logistics thì nông sản Việt Nam hiện nay có thể viễn du được xa hơn, nhiều hơn, đem lại được kim ngạch cao hơn nữa.
Tuy nhiên, điều đáng phải suy nghĩ, tìm cách tháo gỡ vướng mắc là việc chi phí logistics chở hàng nông sản xuất khẩu chúng ta còn cao, lại thiếu các trung tâm tại các vùng trong điểm để làm đầu mối chuyển hàng hóa nông sản, năng lực lưu kho và chuỗi cung ứng lạnh còn hạn chế. Dịch vụ logistics mới chỉ phát triển ở những thành phố lớn, trong khi tại nhiều vựa nông sản như Đồng bằng sông Cửu Long lại chậm phát triển. Nhìn chung logistics cho nông sản Việt Nam còn yếu kém về kho bãi, dịch vụ logistics đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong khi vẫn thiếu công nhân đủ trình độ kỹ thuật, chuỗi cung ứng nông sản bị gián đoạn phân mảnh. Bộ Giao thông - Vận tải thừa nhận hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được được yêu cầu của ngành logistics phục vụ xuất khẩu hàng nông sản, ví như 64% nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long chưa có các cảng lớn xuất khẩu thẳng hàng đi quốc tế, nên 64% hàng nông sản tại đây phải chở lên thành phố Hồ Chí Minh để có thể xuất khẩu. Sự yếu kém của vận chuyển hàng hóa còn khiến cho trên đường vận chuyển hàng nông sản rơi vãi nhiều, nhiễm vi sinh, hỏng sản phẩm, nhất là gây mất an toàn thực phẩm.
Để nông sản Việt Nam xuất khẩu tốt hơn thì trong nhiều yếu tố cần hoàn thiện, phát triển, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đầu tiên là phải nâng cấp các tuyến vận tải, thiết lập các trung tâm logistics nông sản. Còn các chuyên gia kinh tế thì đưa ra kiến nghị: Phải gắn chính sách đầu tư vào hạ tầng giao thông với thương mại, xuất khẩu theo chuỗi giá trị nông sản. Cũng cần tăng vốn đầu tư cho hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu nông sản, như đầu tư vào chuỗi lạnh gồm kho lạnh, xe lạnh, container lạnh, cải thiện việc kết nối đường thủy, đường bộ, tận dụng tốt đường sắt, phát triển đường hàng không. Điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản mong nhất là đưa chi phí logistics về mức hợp lý. Đáp ứng yêu cầu này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có các chính sách hoàn thiện từng bước về logistics, như đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-Ttg năm 2017, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP, Chỉ thị số 21/CT-TTg năm 2018. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại có nhiệm vụ giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động của các bộ, các cơ quan tổ chức khác có liên quan, trong việc hoàn thiện chính sách, triển khai các giải pháp phát triển, cải thiện chất lượng, nâng cao tính hiệu quả và khả năng đáp ứng yêu cầu của các dịch vụ logistics.
Đặc biệt, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giảm chi phí logistics xuống khoảng 16% tỷ trong GDP, đóng góp 8% đến 10% GDP (hiện nay mới khoảng 4 đên 5%). Còn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong phát biểu mới đây tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2019 (VLF) đã nhấn mạnh: phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vì đây là yếu tố giúp cho doanh nghiệp logistics trong nước có thể mạnh lên, thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống, trong đó có kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản, sang mô hình kinh doanh mới phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0./.
Trung Vũ