Phản biện xã hội và chính sách phòng chống xâm hại phụ nữ, trẻ em gái

Thứ tư, 17/04/2019 09:10
(ThanhtraVietNam) - Trước tình trạng xâm hại phụ nữ và trẻ em gái (TEG) có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đã thể hiện nhiều góc độ phản biện. Đồng thời, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng triển khai nhiều chỉ đạo và giải pháp quyết liệt để kịp thời chấn chỉnh.

Phản biện xã hội với tình trạng xâm hại trẻ em gái

Nếu gõ ngẫu nhiên từ khóa “xâm hại trẻ em gái” trên công cụ tìm kiếm Goolge, chỉ trong vòng 0,35 giây đã cho ra khoảng 13.900.000 kết quả. Như vậy, đủ để thấy, những thông tin về xâm hại TEG lại nhiều thế nào. Theo một thống kê của Bộ Công an, tội phạm xâm hại TE chiếm hơn 80% trong một số loại tội phạm, đặc biệt là xâm hại tình dục TE.

leftcenterrightdel
Tình huống giả định đối tượng xấu tiếp cận để chuẩn bị hành vi xâm hại. Ảnh: O.H 

Đáng chú ý, nhiều vụ việc xảy ra tình trạng xâm hại TEG còn nhỏ và rất nhỏ khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Có thể nhắc tới vụ việc xảy ra tại huyện Chương Mỹ mới đây, Nguyễn Trọng Trình đã gây ra hành vi xâm hại TE dưới 16 tuổi, tuy nhiên sau khi được triệu tập, làm việc ban đầu thì đối tượng lại được tại ngoại. Cơ quan báo chí và dư luận xã hội lên tiếng thì Cơ quan CSĐT mới triệu tập và tạm giam đối tượng và tiếp tục điều tra làm rõ, xem xét xử lý đối tượng theo tội danh Hiếp dâm người dưới 16 tuổi (quy định tại Điều 142 BLHS năm 2015).

Đáng chú ý, vụ việc “cưỡng hôn” một nữ thanh niên trong thang máy tại 1 khu chung cư quận Thanh Xuân, Hà Nội, đối tượng được mời lên làm việc, thừa nhận hành vi nhưng lại chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng.

Sau đó ít ngày, vụ việc nguyên lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng có biểu hiện dâm ô bé gái trong thang máy được ví như “giọt nước làm tràn ly” đối với dư luận xã hội. Nhiều ý kiến kịch liệt phê phán, lên án hành vi vị “quan chức” trên là không thể chấp nhận bởi ông vừa là người hiểu biết sâu về pháp luật, thực thi chức năng nhiệm vụ để phòng chống, không để bỏ lọt tội phạm lại có hành vi xâm hại đến TEG.

Thực tế, Hội Bảo vệ Trẻ em TP. Hồ Chí Minh đã gửi văn bản tới Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Cơ quan cảnh sát điều tra quận 4 và Viện kiểm sát nhân dân quận 4 (TP Hồ Chí Minh) đề nghị làm rõ hành vi của “vị nguyên Viện phó Viện KSND TP Đà Nẵng” và cần được khởi tố điều tra tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo quy định Điều 146, Bộ Luật Hình sự 2015. Còn với vụ việc cưỡng hôn chỉ xử phạt hành chính 200.000 đồng được dư luận, các nhà quản lý và các nhà thực thi pháp luật đề nghị cần sửa đổi quy định của pháp luật để luật pháp có tính răn đe và bảo vệ được đối tượng phụ nữ và TEG. Do vậy, phản biện của dư luận xã hội là một giải pháp rất quan trọng để phê phán, chấn chỉnh những hành vi xâm hại đến phụ nữ và TEG.

leftcenterrightdel
 Tình huống dạy kỹ năng cho trẻ em gái thoát thân khi gặp đối tượng có biểu hiện xâm hại. Ảnh: O.H

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ, ngành và địa phương khẩn trương vào cuộc

Thực tế, đối với một loạt vụ việc xâm hại phụ nữ và TEG xảy ra khiến dư luận xã hội “dậy sóng” và thể hiện quan điểm lên án, phê phán kịch liệt. Đồng thời, các địa phương cũng khẩn trương vào cuộc, nhiều văn bản chỉ đạo, các chỉ thị về việc tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng trên cũng được ban hành.

Trước đó, người đứng đầu Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc 8 nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý, giảm tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục TE. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể với các cục vụ đơn vị chức năng chuyên ngành của Bộ Công an.

Giải pháp đáng chú ý trong đó, Bộ Công an yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, thực hiện “Hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi” phối hợp lực lượng chức năng, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục, văn hóa, lao động tổ chức tốt công tác phòng ngừa xã hội, giáo dục, quản lý trẻ em, học sinh và thanh thiếu niên, huy động gia đình, nhà trường, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan bạo lực, xâm hại tình dục TE.

Mới đây, ngày 8/4, Chánh án TAND tối cao cũng có chỉ đạo xét xử các vụ án xâm hại TE cần phải đúng người, đúng tội, đúng luật, đồng thời áp dụng hình phạt và biện pháp tư pháp nghiêm khắc. Trong văn bản chỉ đạo, ngành Tòa án cũng nhấn mạnh giải pháp đề nghị đảm bảo các quyền của TE chưa đủ 18 tuổi khi thụ lý vụ án.

Trước đó, tại Thông báo số 117/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách bảo đảm quyền TE phù hợp với quy định của Luật TE; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm quyền TE, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, hỗ trợ tốt nhất cho TE; phân công cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết, thông tin khi xảy ra vụ việc vi phạm quyền TE...

Có thể thấy, sau tình trạng xâm hại phụ nữ và TEG có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều trong thời gian gần đây, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo với hàng loạt giải pháp, phần việc cụ thể mà các Bộ ngành phải thực hiện. Tiếp đó, các địa phương cũng đã khẩn trương vào cuộc để chấn chỉnh, thực hiện nhiều hơn các giải pháp phòng ngừa giúp ổn định tình hình, bảo vệ đối tượng phụ nữ và TEG.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra