Trong khi đôn đốc giải quyết các bế tắc để nhanh xong dự án đường sắt nội đô Cát Linh – Hà Đông, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã có văn bản số 583/ĐS-ĐTXD trình Bộ Giao thông vận tải đề nghị bộ ưu tiên bố trí 7000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương trung hạn 2016 – 2020 để nâng cấp hạ tầng đường sắt. Các hoạt động này cho thấy ngành đường sắt nói riêng, ngành giao thông nói chung đang xem việc phát triển đường sắt như là một trong những cứu cánh của ngành giao thông. Bởi vì đang có một thực tế là cùng với những thành tựu đóng góp vào kinh tế xã hội thì mấy năm nay ngành giao thông nước ta cũng đang bộc lộ nhiều sự bất cập, yếu kém, gặp phải nhiều khó khăn, ách tắc. Như chưa đáp ứng tốt, chưa bắt kịp được với các yêu cầu cao của kinh tế, xã hội đang trên đà phát triển mạnh mẽ, cung cách quá xa với cầu. Nhiều dự án xây dựng đường giao thông mới, cải tạo, mở rộng đường cũ đã tiến hành, song vẫn chưa theo kịp được với mức độ gia tăng số người và xe máy, ô tô tham gia giao thông đường bộ, vẫn cứ thường xảy ra ùn ứ, ách tắc giao thông, không ít trường hợp là nguyên cớ gây ra tai nạn giao thông. Một số dự án xây dựng đường giao thông theo hình thức BT, hay BOT đã phát sinh tiêu cức lớn, lợi bất cập hại, có những trạm thu phí BOT làm cãi vã, ách tắc giao thông nhiều giờ liền quanh mức thu phí. Rồi đầy rẫy chuyện mất an ninh, trật tự giao thông do xe dù, bến cóc, xe quá tải, xe cũ quá niên hạn sử dụng hàng mấy năm vẫn chở người, chở hàng chạy nhơn nhơn trên đường. Bài toán logistics trong vận tải hàng hóa vẫn khó giải nếu chỉ trông vào số lượng và chất lượng ô tô vận tải như hiện nay. Nói chung, ngành giao thông nước ta mấy năm nay cứ mỗi năm một thêm khó khăn, ách tắc trước việc phải đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người đi lại và vận tải hàng hóa.
Chính trong lúc loay hoay tìm sự giải cứu cho giao thông thì nhiều cán bộ quản lý ngành và chuyên gia kinh tế đã nghĩ tới việc khôi phục lại sự tiện ích của giao thông đường sắt. Những dịp lễ tết vài ba năm nay ngành đường sắt mới cải tiến sơ sơ về dịch vụ mà đã thu hút thêm được số lượng khách đi tàu, họ thấy chán nản, bực dọc với đi ô tô, đã tìm ra nhà ga và thấy đi tàu đã có nhiều điểm cũng tiện lợi, phù hợp. Mới chỉ là sự gặp lại nhau bước đầu giữa khách và nhà tàu mà thấy đã nhẹ đi phần nào cho gánh nặng của ngành giao thông vận tải, thế thì hà cớ gì không quay về phát triển giao thông đường sắt cùng với phát triển các hình thức giao thông khác.
Lật lại lịch sử thì trên thế giới, sự mở đầu xây dựng đường sắt là mở đầu cho giao thông, tức cũng mở đầu, khai thông, sau đó chở theo một nền kinh tế mới theo hướng tư bản giàu có và hiện đại, máy hơi nước của tàu hỏa đã được xem là là một cuộc cách mạng công nghệ. Ngay giữa thời hiện đại, giao thông đường thủy đường bộ phát triển mạnh mẽ, người ta vẫn đánh giá sự tiến bộ giao thông và mức độ phát triển kinh tế của các nước bằng sự mở rộng ngành đường sắt và tốc độ cao của tàu hỏa. Nên cùng với phát triển đường bộ, đường hàng không, đường sông biển kèm theo ô tô, tàu thủy, tàu bay tiên tiến, hiện đại, các nước giàu mạnh trên thế gới vẫn đầu tư nhiều vào phát triển đường sắt. Nước ta giao thông đường sắt từng có thời kỳ là một trông mấy thứ giao thông chính, chỉ có ít năm gần đây phát triển ô tô rồi đường cao tốc khiên cho đường sắt bị lép vế. Tàu hỏa ít được khách đi, hay thuê chở hàng còn vì mọi thứ cùa ngành đường sắt cứ mãi cũ kỹ, lạc hậu, kém tiện lợi so với các phương tiện giao thông khác. Đến lúc các phương tiện khác bộc lộ nhiều sự bất cập, yếu kém thì đề xuất cải tiến đường sắt lại được nhiều chuyên gia góp ý, ngành đường săt tiếp thu, quyết định tái cơ cấu đường sắt, mời gọi đầu tư và ưu tiên hàng đầu là cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam, việc nâng cấp hệ thống hạ tầng đường sắt là rất cấp thiết, bởi lẽ hơn 100 năm qua, kể từ khi nước ta có đường sắt và tàu hỏa, giao thông đường sắt vẫn khai thác trên nền tảng hạ tầng cũ, với đường sắt khổ 1m cùng hàng trăm cầu yếu, hầm yếu, nhiều đoạn tuyến có đường cong lớn, tải trọng toàn tuyến không đồng đều. Đặc biệt là tuyến đường sắt Hà Nội- thành phố Hồ Chí Minh phải đáp ứng yêu cầu khách đi tàu có khả năng đông thêm, hàng vận chuyển cũng sẽ nhiều lên, cần tăng chuyến, tăng toa, tăng chất lượng, song lại xuống cấp nghiêm trọng. Hiện toàn tuyến đường sắt có tới 99% nền đường chưa được cải tạo nâng cấp nên không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và vận tải đường sắt hiện đại. Nhiều đoạn đường chạy qua địa hình hiểm trở, lại hay bị bão lũ tàn phá nên hạ tầng bị phá hỏng và xuống cấp nhanh. Tàu phải chạy qua một số hầm đã bị phong hóa, nước rỉ, rất yếu, nhiều đoạn hàng rào kém, đường gom ít, lối đi dân sinh tự mở lại nhiều, rất nguy hiểm cho chạy tàu và người, xe đi qua đường sắt. Vậy nên muốn nâng cấp hạ tầng đường sắt, có không ít việc phải làm. Với đề nghị cấp 7 000 tỷ đồng, nếu được phê duyệt ngành đường sắt sẽ cải tạo các công trình thiết yếu để đảm bảo đồng nhất trọng tải toàn tuyến, nâng cao hiệu quả, hiệu suất khai thác, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Cùng với xin tiền nhà nước, ngành đường sắt cũng đang tiến hành cổ phần hóa và thu hút vốn xã hội hóa, Tổng công ty đường sắt Việt Nam sẽ giảm tỷ lệ cổ phần chi phối và duy trì ở mức 51%, giảm tỷ lệ vốn góp của nhà nước tại các doanh nghiệp đường sắt. Dùng hai hình thức vốn nhà nước và xã hội hóa để tiến hành tái cơ cấu công ty mẹ và 18 đơn vị hạch toán phụ thuộc 5 đơn vị sự nghiệp và 25 công ty cổ phần có vốn góp chi phối. Tổng công ty đã hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 1, thu gọn ngành nghề sản xuất kinh doanh, tập trung vào vận tải hàng hóa. Trong giai đoạn 2017- 2020 tiếp tục tái cơ cấu giai đọa 2, tập trung vào cơ cấu năng lực và hiệu suất lao động, tái cơ cấu mô hình tổ chức công ty con, hợp nhất hai đơn vị vận tải Hà Nội và Sài Gòn, trong đó thành lập công ty chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt là công ty cổ phần có vốn góp không chi phối của doanh nghiệp. Đang mời các nhà đầu tư, ưu tiên những đơn vị có khả năng tốt về vốn đầu tư cũng như khả năng quản trị tốt, có thể nâng cao chất lượng phục vụ hành khách vào việc nâng cấp nhà ga và phục vụ tốt nhu cầu của khách đi tàu, như tạo lập không gian nghỉ ngơi dạo chơi, cửa hàng mua sắm, các cơ sở, hoạt động giúp hành khách có thể tận hưởng các dịch vụ vui vẻ, tiện ích trong lúc chờ tàu, cho tới khi lên tàu. Các dịch vụ này vừa thu hút khách đi tàu, vừa đem lại lợi nhuận cho người đầu tư, khiến họ mở rộng đầu tư vào nhiều nhà ga bến tàu, cũng chính là cách khắc phục tình trạng chỉ có một số nhà ga lớn có tiềm năng mới hấp dẫn, thu hút được doanh nghiệp. Hai năm qua ngành đường sắt đã thí điểm xã hội hóa bãi hàng tại ga Yên Viên, Hà Nội, tới đây sẽ mở thêm cách làm này tại một số nhà ga khác. Cũng tính toán phối hợp tạo chuỗi dịch vụ logistics từ kho đến kho có sự phối hợp của các nhà đầu tư, xã hội hóa hoạt động này. Đầu tư kiểu này không khó, nhưng cái cần là phải làm sao có hàng lên tàu để thu được cước vận tải.
Trung Vũ