Hiện nay, ngành than cũng có những ý kiến đề xuất mới, điều chỉnh các quan điểm cũ, để đảm bảo việc cung cấp than đủ số lượng yêu cầu, hợp lý về giá cho ngành điện. Bộ Công Thương, chủ quản cả hai ngành điện, than đang có những sự chỉ đạo mới, trọng tài cho cả hai ngành này cùng kết hợp làm tốt việc không để phải cắt điện. Suy nghĩ mới, không khí mới ở những cơ quan, doanh nghiệp trên thật khác với tình hình cũng ở hai ngành điện, than. Tháng trước, ngành điện cảnh báo nguy cơ mất điện năm 2019, trong các nguyên nhân đưa ra có sự đổ lỗi cho việc ngành than không cung cấp đủ than để vận hành. Tuy nhiên, ngành than lại bảo là đã cấp đủ than, nhưng đồng thời cũng lại đưa ra những than phiền về giá than bán cho ngành điện quá thấp. Cả hai ngành điện, than đã gây tâm lý lo ngại trong xã hội, bởi vì điện không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân dùng điện sinh hoạt, mà còn là với số lượng lớn hơn do nhu cầu của các ngành sản xuất đang phát triển rất cần điện. Trước tình hình đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 ( họp vào ngày 03/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tỏ thái độ khá gay gắt không tán đồng với ý kiến của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) khi thông báo nguy cơ năm 2019 sẽ phải cắt điện. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương không được để thiếu điện và cương quyết xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ nếu xảy ra tình trạng mất điện. Thủ tướng nhấn mạnh: “Bây giờ cứ nói trên báo chí chuẩn bị cắt điện dịp này dịp khác. Tôi đã khẳng định rất nhiều lần rồi, nếu như để mất điện một số người sẽ mất chức”. Khẳng định như vậy cho thấy thái độ cương quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Chính thái độ cương quyết không để EVN cắt điện trong chỉ đạo của Thủ tướng đã khiến cho Bộ Công Thương và ngành điện phải vượt lên khỏi sự nóng vội lo ngại nguy cơ thiếu điện vô phương ứng cứu. Cũng như việc EVN vội vàng gửi báo cáo lên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng rằng do ngành than không đảm bảo cung cấp than, dẫn tới EVN phải dừng một số nhà máy nhiệt điện than, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cung cấp điện, dẫn tới khả năng phải cắt điện ngay từ các tháng đầu năm 2019. EVN lại biện thêm lý do là các nhà máy thủy điện không tích đủ nước năm 2019, cùng với sản lượng điện khí giảm khiến khả năng thiếu điện trong mùa khô 2019 rất cao, kéo dài thiếu điện cho hết năm 2019. Cùng với việc cắt điện, ngành điện cũng nói tới khả năng có thể phải tăng giá điện trong năm 2019 với đề xuất: Nếu chi phí đầu vào, nhất là giá than tăng làm tăng giá thành sản xuất điện thêm 3% trở lên thì sẽ điều chỉnh giá điện. EVN nêu ra một số chỉ tiêu tăng giá làm tăng chi phí sản xuất điện, như so với năm 2016 thì năm 2017 giá than tăng bình quân khoảng 5,7%, giá dầu DO và FO tăng lần lượt 21,95% và 32,84%, tỷ giá USD tăng 250 đồng/USD, tương ứng tăng 1,6%. Tuy nhiên, ngành điện năm 2017 vẫn có lãi 2.792 tỷ đồng, không tính tới thu nhập từ sản xuất.
Về việc ngành điện cho rằng ngành than không cung cấp đủ than, ngành than đã đáp trả rằng họ đã bán đủ than theo hợp đồng cho ngành điện, còn ngành điện mua thêm than trôi nổi nên lúc có, lúc không, thất thường về số lượng và giá cả thì ngành điện không chịu trách nhiệm.
Về cung cấp thêm và đủ than chính ngạch, tại cuộc họp bàn mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty than Đông Bắc là hai đơn vị cung cấp than chính cho ngành điện phải tìm mọi biện pháp kể cả phát động thị đua để gia tăng năng lực đảm bảo cung cấp than cho sản xuất điện. Còn về giá điện, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo thực hiện đúng Nghị quyết của Chính phủ không tăng giá điện năm 2018, với năm 2019 phải thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không được cắt điện. Về giá tăng hay không thì Bộ Công Thương phải phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan, chỉ đạo EVN sớm rà soát, công bố công khai giá thành điện năm 2017 để làm cơ sở cho xây dựng kịch bản điều hành giá điện. Để đáp ứng đủ điện, phải khai thác nhiều nguồn cung cấp điện khác nhau như thủy điện, điện mặt trời, đặc biệt là chiều hướng đang phát triển của điện gió. Thực tế cho thấy với những nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, cùng với sự hỗ trợ của các nước, đặc biệt là của chính phủ Đức với dự án hỗ trợ mở rộng quy mô điện gió tại Việt Nam đang góp phần không nhỏ tăng tiềm năng cung cấp điện. Sau 5 năm triển khai, dự án này vừa cung cấp điện vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường, giảm gần 400 nghìn tấn khí thải CO2 tương đương, đồng thời đóng góp gián tiếp vào việc lắp đặt 200MW của 06 nhà máy điện gió, cung cấp năng lượng sạch cho 140.000 hộ gia đình.
Trong hiện tại và tương lai, theo các chuyên gia kinh tế nước ta và nước ngoài, nhu cầu năng lượng nói chung và nhu cầu điện nói riêng cho phát triển kinh tế ở Việt Nam đang và sẽ tăng trưởng với tốc độ cao. Để đáp ứng yêu cầu, việc khai thác và sử dụng hiệu quả, hợp lý điện và các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng và mang tính chiến lược xét trên mọi khía cạnh kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Khi mà, như ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam lần thứ nhất, tiền thân là Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam, tiến hành hồi đầu tháng 12 năm 2018: “Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng về một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, là mốc lịch sử 100 năm độc lập. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30 năm tới tương đương với 30 năm qua sẽ không dễ dàng, bởi khi đạt được mức tăng trưởng cao, để tăng trưởng cao hơn nữa sẽ rất thách thức. Nhưng, với khát vọng thịnh vượng luôn cháy bỏng, Việt Nam sẽ quyết tâm đạt được mục tiêu gia nhập nhóm các quốc gia có thu nhập cao trên thế giới và tiếp tục là thành viên có trách nhiệm chia sẻ trở lại với cộng đồng quốc tế trong những thập niên tới”./.
Trung Vũ