Sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia tiếp tục được siết chặt quản lý

Thứ hai, 02/03/2020 14:17
(ThanhtraVietNam) - Sau khi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được ban hành và có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2020), từ ngày 24/2/2020, Nghị định 24/2020/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia tiếp tục có hiệu lực đã siết chặt quản lý hơn nữa việc kinh doanh, sử dụng và quảng cáo rượu bia...

Bổ sung những điểm công cộng không được uống rượu, bia

Địa điểm không được uống rượu, bia đã được quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia gồm các cơ sở: Y tế; giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc; khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và cơ sở giam giữ khác; bảo trợ xã hội và nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.

Đến Nghị định 24/2020/NĐ-CP, đã bổ sung thêm các địa điểm công cộng không được uống rượu, bia bao gồm: Công viên, trừ trường hợp nhà hàng trong phạm vi khuôn viên của công viên đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày Nghị định này có hiệu lực; Nhà chờ xe buýt và rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này (trừ trường hợp tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia).

leftcenterrightdel
 Một trường hợp lái xe sử dụng rượu bia, được CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn tại Quốc lộ 1A. Ảnh: O.H

Các diễn viên cũng bị hạn chế đóng cảnh uống rượu, bia

Nghị định mới cũng quy định việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia trong tác phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình phải bảo đảm các yêu cầu: Không thể hiện các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5, hành vi uống rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 10, hành vi bán rượu, bia ở các địa điểm được quy định tại Điều 19 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia hoặc hành vi uống rượu, bia trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh, truyền hình dành cho người dưới 18 tuổi; trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này. Đồng thời, không ca ngợi tổ chức, cá nhân thành công từ sản xuất, kinh doanh rượu, bia.

Việc sử dụng hình ảnh diễn viên uống rượu, bia nhằm mục đích nghệ thuật chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết để khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử hoặc tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định hoặc phê phán, lên án hành vi uống rượu, bia...

Quảng cáo rượu, bia phải tuân thủ chặt chẽ các quy định

Nội dung đáng chú ý tại Nghị định 24/2020/NĐ-CP là việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ trên phương tiện quảng cáo ngoài trời phải tuân thủ: khoảng cách tối thiểu 200m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi; tối thiểu 100m tính từ điểm đặt phương tiện quảng cáo đến ranh giới gần nhất của khuôn viên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học; trừ trường hợp biển hiệu của cơ sở kinh doanh rượu, bia.

leftcenterrightdel
 Hậu quả của một vụ tai nạn giao thông khi tài xế sử dụng rượu, bia. Ảnh: O.H

Trường hợp đã có quảng cáo rượu, bia trên phương tiện quảng cáo ngoài trời đặt trong phạm vi khoảng cách trên trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được thực hiện đến khi hợp đồng về việc đặt quảng cáo đó hết hiệu lực và không được gia hạn hợp đồng.

Một quy định khác được nhấn mạnh tại Nghị định đó là việc quảng cáo rượu có độ cồn dưới 15 độ và bia phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia bảo đảm các quy định: Có một trong các nội dung cảnh báo: "uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông", "uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi", "người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia";

Đối với hoạt động quảng cáo rượu, bia trên báo nói, báo hình, đài phát thanh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi âm, ghi hình phải đọc rõ nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này với tốc độ đọc tương đương tốc độ đọc các nội dung khác trong cùng một quảng cáo.

Trong khi đó, quảng cáo rượu, bia trên báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, đài phát thanh có hình, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh, sản phẩm quảng cáo rượu, bia ghi hình phải thể hiện nội dung cảnh báo theo quy định tại điểm a khoản này bằng chữ viết có màu tương phản với màu nền bảo đảm dễ nhìn, chiếm tối thiểu 10% diện tích quảng cáo. Trường hợp quảng cáo rượu, bia trên truyền hình thì cảnh báo bằng chữ viết phải thể hiện theo hết chiều ngang của màn hình;...

Người chưa đủ 18 tuổi bị ngăn tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia

Tại Điều 6 của Nghị định mới nêu rõ: Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác bán rượu, bia phải thực hiện biện pháp ngăn ngừa người chưa đủ 18 tuổi tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia.

Biện pháp ngăn ngừa phải bảo đảm: Có ứng dụng khai báo tên, tuổi của người truy cập trước khi người đó truy cập, tìm kiếm thông tin; khai báo các thông tin về tên, địa chỉ cư trú của người mua, thông tin thanh toán qua tài khoản, thẻ ngân hàng hoặc các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác khi người đó thực hiện giao dịch mua rượu, bia. Cùng với đó là thông tin về sản phẩm rượu, bia trên website thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân bán rượu, bia không được liên kết, quảng bá đến các tài khoản người dùng chưa đủ 18 tuổi; các trang, kênh, phương tiện thông tin khác trên môi trường mạng dành riêng cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc có đa số người sử dụng, truy cập chưa đủ 18 tuổi. Tổ chức, cá nhân bán rượu, bia có trách nhiệm kiểm tra tuổi của người nhận hàng trong trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người đó, bảo đảm người nhận hàng phải từ đủ 18 tuổi trở lên khi giao hàng.

Cấp tỉnh phải rà soát, thống kê tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công

Ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành trung ương thì Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý phải Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, biện pháp thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng năm; tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý đối với sản xuất rượu thủ công. Đặc biệt, phải rà soát, thống kê số lượng hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công, sản lượng sản xuất rượu thủ công trong toàn tỉnh, gửi Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo Chính phủ hằng năm; vận động, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ để các hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công chưa có giấy phép làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép sản xuất rượu theo quy định.

leftcenterrightdel
 Một nhà hàng tại Hà Nội đi đầu trong tuyên truyền khách hàng đã uống rượu, bia thì không lái xe. Ảnh: O.H

Đi kèm với đó, cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn; phòng, chống rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng và các hoạt động khác có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia;

Bên cạnh đó, phải chỉ đạo, tổ chức việc thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; hướng dẫn, tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và báo cáo kết quả thực hiện phòng, chống tác hại của rượu, bia thuộc địa bàn quản lý hằng năm gửi Bộ Y tế tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Tượng tự, theo phân cấp UBND huyện, quận, thị xã, thành phố và UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn quản lý.

Như vậy, sau Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đi vào cuộc sống, Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia tiếp tục có hiệu lực với nhiều quy định siết chặt quản lý đối với việc sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và sử dụng loại nước uống có cồn này. Quy định chi tiết đã rõ, thẩm quyền về kiểm tra, xử lý cũng đã sẵn sàng, chắc chắn những vi phạm quy định của Luật và Nghị định về phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ được xử phạt nghiêm.

 

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu bia là 1 trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Do đó, các chuyên gia đánh giá, việc Ban hành Luật và Nghị định về phòng, chống tác hại rượu, bia là một bước tiến mới trong hành lang pháp lý để hạn chế sử dụng chất uống có cồn và những hệ lụy xã hội mà việc sử dụng nó gây nên.

Oanh Hữu

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra