<div style="text-align: left;"><div><span style="font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 12px; font-style: normal; font-variant: normal; line-height: 21px;">Luật đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2013, quy định: “Trường hợp quyền sử dụng đất, hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thoả thuận ghi tên một người.” Những tưởng đâu rằng đây đã là một sự việc được luật hoá thì chẳng còn chuyện gì phải bàn, cứ thế mà thực hiện, tên vợ, tên chồng cùng ghi trong sổ đỏ là sự đương nhiên về quyền công dân, tất yếu trong quan hệ vợ chồng, sự tiến bộ của luật pháp về đất đai so với thời phong kiến văn tự đất đai chỉ ghi tên chồng. Việc được và phải ghi cả họ tên chồng và vợ trong sổ đỏ còn thể hiện quyền bình đẳng phụ nữ mà chế độ ta bảo vệ, là cách thức cũng như tạo điều kiện dễ dàng hơn khi thực hiện các giao dịch dân sự theo cơ chế thị trường về bán mua, sang nhượng quyền sử dụng đất.</span><br></div><div><br></div><div>Đáng tiếc là trong thực tế thì lại có nhiều trường hợp chỉ ghi tên chồng trong sổ đỏ. Cuộc khảo sát mới đây của tổ chức quốc tế thuộc Liên minh đất đai (LANDA) tại 9 tỉnh của Việt Nam lại cho thấy, tuy Luật đất đai quy định như trên, nhưng nhiều sổ đỏ cấp trước 2004 đứng chỉ một tên chồng vẫn chưa được đổi sang sổ đỏ mang cả tên chồng tên vợ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự vô lý, trái luật này, như tàn dư ảnh hưởng của luật lệ, tập quán xưa cũ trọng nam hơn nữ, và còn do phụ nữ thiếu thông tin về chính sách, luật pháp đất đai cũng như lợi ích của việc cấp đổi, cấp mới sổ đỏ mang cả tên chồng tên vợ. Sự lơ là, thiếu sót này đã gây rất nhiều hệ luỵ, thiệt thòi cho người phụ nữ, trắng tay khi ly hôn, khi chồng chết gia đình họ hàng nhà chồng lấy hết nhà đất mà không cho người goá phụ được hưởng quyền lợi gì từ đất đai của chung chồng vợ. Nếu không gặp trường hợp như vậy đi chăng nữa thì chỉ có chồng đứng tên trong sổ đỏ, không may khi người chồng chết, người vợ cầm sổ đỏ đi giao dịch sẽ rất khó. Ở các tỉnh đã tiến hành khảo sát, tỉnh nào cũng có hàng nghìn trường hợp không cấp, không đổi sổ đỏ ghi cả tên chồng, vợ, chính quyền không làm việc này nếu như người dân không tự mình yêu cầu, phụ nữ thì tự ti, cả nể, ngại ngần chủ động đòi ghi tên mình vì sợ bị chồng và gia đình chồng hiểu lầm là không tin chồng, muốn giành tài sản. Một số người dân còn không biết thông tin, chẳng muốn hiểu xem sổ đỏ một tên và hai tên khác gì nhau, ngành tài nguyên môi trường lại chưa phổ biến rộng rãi kỹ càng về điều khoản quy định ghi cả tên chồng, tên vợ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo Luật đất đai mới.</div><div><br></div><div>Nhóm tư vấn của tổ chức Oxfam cho biết, qua khảo sát ở hai tỉnh Hoà Bình và Quảng Bình, đã thấy hầu hết người dân được hỏi đều hiểu biết mơ hồ về sổ đỏ mang tên cả vợ và chồng. Nhìn chung phụ nữ, nhất là ở nông thôn, phần nhiều chưa nhận thức rõ về việc họ có quyền tiếp cận đất đai và được bảo vệ quyền của mình, dẫn đến chỗ một chính sách rất tiến bộ, một đạo luật rất phù hợp thực tế và yêu cầu hiện tại của xã hội như chính sách bình đẳng phụ nữ của Đảng, Nhà nước ta và Luật đất đai mới, khi triển khai thực hiện chưa đem lại hiệu quả cao trong việc làm cho cuộc sống của phụ nữ và con cái họ thay đổi như những nhà làm chính sách, soạn thảo luật kỳ vọng. Đây chính là điều mà các bộ ngành liên đới trách nhiệm, chính quyền các cấp phải đặc biệt lưu ý, quyết tâm cao hơn trong thực thi pháp luật về đất đai, trong đó có điều khoản ghi đầy đủ cả tên vợ tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất . Cũng phải chú ý đến việc chống nhũng nhiễu trong cấp, đổi sổ đỏ, khiến gây thêm khó khăn, ngại ngần đối với người phụ nữ khi họ muốn ghi tên vào sổ đỏ. </div><div><br></div><div>Dư luận xã hội, các đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ về quyền lợi chính đáng của mình. Mặc dù Luật bình đẳng giới quy định nam nữ bình đẳng trong thụ hưởng tài sản thừa kế, nhưng trên thực tế ở các địa phương vẫn còn không ít trường hợp đất đai, hay nhà gắn liền với đất đã bị các ông bố bà mẹ chỉ chia cho con trai, do thế con trai độc quyền đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hay nhà đất, còn con gái đi lấy chồng hiếm khi được chia. Thành thử người phụ nữ rơi vào cảnh hai nơi đều thua thiệt: ở nhà bố mẹ đẻ thì nhà đất chia cho anh em trai, lấy chồng thì bố mẹ chồng chia cho chồng và chồng đứng tên, vợ ít khi được đứng tên trong sổ đỏ. Dẫn đến sự thua thiệt cho phụ nữ còn do thiếu hỗ trợ tư vấn kịp thời từ cơ quan tư pháp với những trường hợp xảy ra tranh chấp, xung đột, ly hôn, goá bụa liên quan tới đất đai. Thiếu sự giám sát thi hành án đối với những trường hợp ly hôn nhằm đảm bảo quyền hưởng dụng tài sản, phân chia đất đai. Việc không đổi sổ đỏ để có ghi tên cả vợ chồng còn bởi nhiều địa phương lệ phí trích đo đạc quá lớn khiến các hộ dân ngại đổi sổ đỏ. Tổ chức LANDA khuyến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có thông tư quyết định về việc đo đạc quy chuẩn đất đai kết hợp với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi đủ hai tên chồng, vợ trong phạm vi cả nước. Việc kiểm kê đất đai theo quy định của Chính phủ từ 31 tháng 12 năm 2014 đến 31 tháng 11 năm 2015 cần có thống kê về sổ hai tên. VLAP là dự án hỗ trợ để hiện đại hoá hệ thống quản lý đất đai Việt Nam với nguồn vốn do Ngân hàng thế giới tài trợ. Với những địa phương chưa nằm trong dự án này, cần giảm lệ phí đo đạc cho các hộ gia đình khi cấp, đổi sổ đỏ. </div><div><br></div><div>Tuy nhiên khi thực hiện điều luật đất đai về ghi cả tên chồng, tên vợ vào sổ đỏ, không được quên xem xét sự liên quan tới các luật hiện hành khác, nhất là Luật hôn nhân và gia đình mà theo đó có điều khoản quy định khi đăng ký kết hôn, đôi bên nam nữ có thể cam kết, thoả thuận chung tài sản, hoặc không chung tài sản, hay chỉ chung nhau một phần tài sản, hoặc nữa, chỉ chung những tài sản bắt đầu có từ thời điểm nhất định. Trong thực tế, quan hệ hôn nhân hiện đại bây giờ, nhiều đôi lứa, nhất là các cặp đang là các chủ đầu tư, kinh doanh lớn, khi đăng ký kết hôn đã cùng nhau ghi rõ họ không chung góp tài sản. Với những trường hợp đó, việc ghi tên chồng, vợ vào sổ đỏ cũng phải tuỳ thuộc theo, như Luật đất đai năm 2013 đã nói: với trường hợp đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thoả thuận.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b> Trung Vũ </b></div><div><br></div></div><p style="text-align: center;"> </p>