<p>Ưu thế tự nhiên và sức lao động nghề muối mạnh như thế thì làm sao nước ta có thể thiếu muối. Nhưng lạ thay vừa mới đây Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp (Bộ Công Thương) lại thông báo: trong năm 2015 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 300 nghìn tấn muối. Nhu cầu sử dụng muối tiêu dùng và sản xuất nông, công nghiệp, y tế cả năm là 1,5 triệu tấn, trong khi tổng sản lượng muối hiện nay cả nước mới đạt 1,2 triệu tấn. Vì thiếu muối nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã thống nhất ý kiến sẽ nhập khoảng 102 nghìn tấn muối trong 2015. Đối với các doanh nghiệp lĩnh vực y tế thì sẽ phân giao hạn ngạch ngay từ đầu năm. Đối với các doanh nghiệp hoá chất sẽ do hai bộ thống nhất ý kiến tại thời buổi thích hợp. Không chỉ năm nay mà nhiều năm trước tình trạng nhập muối vẫn diễn ra thường xuyên cho dù sản lượng muối trong nước có tăng như năm 2014 tăng 15,6% so với năm 2013. Diện tích sản xuất muối cả nước trong năm 2014 là 14. 814 ha, tăng 625 ha so với năm 2013. Điều nghịch lý là trong khi vẫn phải nhập khẩu muối với số lượng lớn thì muối trong nước cũng không tiêu thụ hết, để tồn kho với số lượng cao. Theo cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối, diêm dân vẫn khó tiêu thụ hết lượng muối họ sản xuất ra, cuối năm 2014 lượng muối tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp sản xuất muối khảng 156.120 tấn.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_1/dongmuoi.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><p>Vậy tại sao lại có tình trạng vừa thừa vừa thiếu, vừa tồn kho vừa nhập khẩu muối? Tìm câu trả lời không khó. Trước hết vì muối ta đang làm ra chủ yếu là loại muối thô, chỉ có thể phục vụ cho nhu cầu ăn muối của dân trong nước, song đó là một nhu cầu không thể kích cầu cho tăng như với các loại thực phẩm khác, người ta không thể thiếu muối trong nấu nướng thức ăn, nhưng cũng không thể ăn quá mặn. Còn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp thì muối do các cánh đồng muối của nước ta làm ra lại không tinh, kém chất lượng, không thể làm nguyên liệu cho cho công nghiệp và cho sản xuất thuốc chữa bệnh. Do hạn chế về sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, phần lớn vẫn là làm muối thủ công, đơn giản theo kiểu dẫn nước biển vào đồng phơi nắng, nên sản phẩm muối trong nước không thuộc loại muối tinh, không thể xem là muối công nghiệp. Cũng có một số doanh nghiệp đã đầu tư phần nào công nghệ cho sản xuất muối công nghiệp, nhưng giá thành cao, không áp dụng đại trà được. Muối công nghiệp họ bán đắt hơn muối nhập khẩu nên những nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất thuốc y tế cần muối làm nguyên liệu, vì lợi ích kinh doanh đành phải xin nhập khẩu muối ngoại giá rẻ hơn, lại dễ mua với số lượng nhiều. Đó là chưa nói muối dùng để sản xuất một số mặt hàng như bột ngọt, xút làm xà phòng đòi hỏi phải là muối có chất lượng cao, nếu không, dùng muối thô sẽ dễ phá hỏng máy móc công nghiệp có điện cực lớn, rất đắt, thay máy quá tốn, nên càng không thể không nhập khẩu muối ngoại chất lượng cao, đỡ bào mòn, hỏng máy. Từ nhiều năm nay Bộ Công Thương đều phải cấp hạn ngạch nhập khẩu muối với khoảng 1000/tấn/năm để làm nguyên liệu sản xuất hoá chất, thuốc và sản phẩm y tế. Nhưng đó mới chỉ là số lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch hưởng ưu đãi thuế quan, còn nhập muối ngoài hạn ngạch cao gấp 3 lần. Năm 2013, lượng muối nhập khẩu khoảng 400 nghìn tấn, năm 2014 nhập 300 nghìn tấn, có giảm hơn, song cũng tốn tới 11 triệu USD. </p><div><br></div><div>Làm thế nào để giải bài toán vừa thừa vừa thiếu muối, phải nhập khẩu này? Chúng ta không thể không cho nhập khẩu muối vừa vì nhu cầu muối tinh chất cho công nghiệp và y tế, vừa vì đấy là hoạt động kinh tế hội nhập theo cam kết của Hiệp định thương mại thế giới WTO mà Việt Nam đã ký kết và tới đây là hiệp định TPP, đều bắt buộc nước ta phải mở rộng thị trường. Song chính các hiệp định thương mại ấy cũng như thị trường thế giới rộng mở lại tạo điều kiện cho Việt Nam xuất khẩu muối, không để tồn kho. Vấn đề là ở chỗ, nếu muối trong nước chất lượng cao thì sẽ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nhiệp, y tế, vừa đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Thế nên việc giải quyết tiêu thụ muối trong nước không thể bằng cách siết chặt nhập khẩu muối, mà là nâng cao chất lượng muối. Nhưng sản xuất muối xuất khẩu chất lượng cao cũng như có thể cung cấp muối tinh cho công nghiệp đòi hỏi đầu tư lớn, nên phần lớn vẫn là sản xuất muối đại trà phục vụ tiêu dùng trong nước chủ yếu là muối ăn. Mặt khác sản muối trong nước vẫn theo truyền thống thủ công, người lao động làm nghề muối phần lớn phụ thuộc vào thời tiết nắng làm, mưa nghỉ, giá muối hạ khiến thu nhập của người diêm dân quá thấp, nhiều người bỏ nghề hoặc làm muối thất thường. Trong khi đối tượng mua hàng lại cần ký kết hợp đồng, thực hiện đúng hẹn, không thể thất thường, khiến người ta phải ký hơp đồng mua muối ngoại. Muốn xuất khẩu cũng như bán muối cho công nghiệp, y tế thì muối phải sản xuất theo những cách thức hiện đại, qua chế biến, rồi xây dựng lấy thương hiệu, có sự chỉ dẫn địa lý, công bố xuất xứ hàng hoá, tìm kiếm thêm thị trường. Phát huy thế mạnh của muối trong nước nhiều vi lượng, nâng tỷ lệ muối ăn qua chế biến, tiến đến nền sản xuất muối hiện đại. Đó là cách để muối Việt Nam thoát khỏi tình trạng nghịch lý vừa thừa vừa thiếu, bán không hết, song vẫn phải nhập ngoại, mà tiến tới chỗ đáp ứng đủ mọi nhu cầu trong nước và xuất khẩu được nhiều.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div><div><br></div>