Đích đến 100.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả
Theo đánh giá của Chính phủ, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt khá; năng suất chất lượng và hiệu quả không ngừng được nâng cao. Hiện nay, Việt Nam đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và trở thành nước xuất khẩu (XK) nông sản thứ hai Đông Nam Á, thứ 15 thế giới với nhóm 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản (NLTS) có kim ngạch XK trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ đô la Mỹ.
Những thành tựu quan trọng nói trên có được là việc ban hành các chính sách đúng đắn, hiệu quả của Đảng và Nhà nước; quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các thiết chế thuộc khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; việc áp dụng các loại hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp như: DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, mô hình kinh tế hộ; trong đó các DN là “trụ cột”, là “đầu tầu” trong việc thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.
Một mô hình trồng nấm công nghệ cao được DN đầu tư. Ảnh: PV
Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội cần khai thác đặc biệt quỹ đất, nguồn nhân lực và tận dụng cơ hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững. Trong đó, xác định rõ: Mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị XKNLTS đạt 3,0%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch XKNLTS đạt khoảng 6-8%/năm. Đáng chú ý, đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 DN có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó có khoảng 3.000 đến 4.000 DN có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 DN quy mô vừa.
Đi liền với đó là tầm nhìn đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; cải thiện và ngày càng nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại.
Đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong tốp 10 hàng đầu thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu. Trong đó, DN nông nghiệp được xác định có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Cần triển khai đồng bộ các giải pháp
Để hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn trên, Nghị quyết của Chính phủ xác định, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm mạnh rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn DN đầu tư vào nông nghiệp.
Đồng thời, phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản xuất nông nghiệp bảo đảm phù hợp với nhu cầu thị trường, kế hoạch và chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Trong nhiệm vụ này, giải pháp quan trọng hàng đầu đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là chủ trì rà soát, nghiên cứu xây dựng chiến lược, kế hoạch, đề án phát triển ngành mang tính bền vững, ổn định và hiệu quả, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm chủ lực theo ba trục sản phẩm chính (Sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia, sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh và các sản phẩm đặc sản địa phương) và nghiên cứu xây dựng đề án phát triển 03 ngành chế biến để phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về: rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Dây chuyền khép kín sơ chế và chế biến, đóng gói sản phẩm được DN đầu tư khá lớn vào khoa học công nghệ. Ảnh: PV
Bên cạnh việc phải thực hiện nhiệm vụ nói trên trong quý III năm 2020 phải trình Thủ tướng Chính phủ thì Bộ NN&PTNT phải chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục tổn thất sau thu hoạch, có lợi cho nông dân, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo ra những ưu thế so sánh nhất định cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.
Đi liền với đó, trong vai trò phối hợp của Bộ NN&PTNT cùng với chủ trì là Bộ Công thương sẽ xây dựng đề án, kế hoạch, chiến lược phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nhằm giúp DN giảm chi phí và thời gian vận chuyển, phân phối sản phẩm với thời hạn trong quý III/2020 phải trình Thủ tướng Chính phủ. Cũng trong thời gian này, Bộ Y tế sẽ phải hoàn tất nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển ngành hàng chế biến dược liệu để đồng bộ hóa các giải pháp trong nhóm mục tiêu về phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản xuất nông nghiệp.
Tiếp đó, các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ xác định là: Phải đổi mới cơ chế hỗ trợ DN xúc tiến mở rộng thị trường, từng bước chủ động được thị trường; hoàn thiện chính sách tín dụng cho các dự án nông nghiệp theo hướng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế hợp lý nhằm khuyến khích DN đầu tư cho nông nghiệp, đảm bảo ổn định chính sách vĩ mô; triển khai hiệu quả Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
Đáng chú ý, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách tạo điều kiện thuận lợi DN tiếp cận và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Khai thác tối đa các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển nông nghiệp vượt trội, hiệu quả và bền vững.
Ngoài ra, các bộ, ngành địa phương cần chú trọng đến các giải pháp về đất đai; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN nông nghiệp. Đặc biệt, “tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, trao quyền cho thị trường quyết định; nâng cao chất lượng kinh doanh nông sản”, Nghị quyết của Chính phủ xác định.
Oanh Hữu