Tăng tốc cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước

Thứ hai, 19/11/2018 14:14
(ThanhtraVietNam) - Gần đây, một sự kiện lớn được nhiều Bộ ngành quan tâm là chuyển giao quản lý vốn một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tầm cỡ lớn ở đơn vị mình, đặc biệt là việc chuyển giao quản lý vốn từ Tổng công ty quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sang cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước, khởi đầu là Bộ Công thương, tiếp đến là các Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối cùng là Bộ Giao thông vận tải.

Đúng hạn 15/11/2018, như kế hoạch của Chính phủ, 19 tập đoàn và tổng công ty DNNN được chuyển giao từ các Bộ, sang cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước. Sự kiện này đã vừa cho thấy quyết tâm cao của các Bộ ngành trong việc thực hiện chuyển giao quản lý vốn, rộng ra là tái cơ cấu DNNN qua cổ phần hóa, thoái vốn, tạo điều kiện kinh doanh hiệu quả cao, vừa là biểu hiện tăng tốc cho công tác này, vượt lên khỏi sự chậm trễ, ì ạch trong mấy năm qua.

Thực tế, phần đông cán bộ quản lý, chuyên gia kinh tế, cho đến nhiều ban giám đốc DNNN đều biết rằng, cổ phần hóa và thoái vốn DNNN là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường, bổ sung các nguồn lực mới cho phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Đây là việc phải làm để khắc phục tình trạng thua lỗ phổ biến của nhiều DNNN, là cách để chống lãng phí tham nhũng tiền của nhà nước, bởi vốn của các DNNN chủ yếu là tiền ngân sách hay tiền nhà nước bảo trợ đi vay, song lại bị không ít giám đốc xem như là “tiền chùa”, kết cục là thua lỗ, là bị chui tọt vào túi một số cá nhân.

Với kinh tế mở, nhiều doanh nghiệp tư nhân xuất hiện, phát triển mạnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến nước ta kinh doanh, nếu DNNN không tái cơ cấu, chậm cổ phần hóa và thoái vốn khỏi những lĩnh vực không phù hợp, thì không thể cạnh tranh nổi, thua lỗ lại càng thua lỗ. Nên cấp thiết phải xem xét lại sự tồn tại, hoạt động của DNNN, cái nào cần giữ 100% thì mới giữ, hoặc giữ mức độ nào phải xem xét kỹ, còn thì phải cho cổ phần  hóa, cho thoái vốn.

 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế từ đầu năm 2018, việc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, e rằng khó đạt kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Nhìn lại quá trình hơn 20 năm tiến hành công tác đó, sẽ thấy không ít điều chúng ta phải suy nghĩ để sau đó có những chính sách, biện pháp mới, sát thực và linh hoạt, chuyển biến cho mau lẹ hơn: Số lượng DNNN từ hơn 12.000 đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đã giảm xuống còn 5.600 vào năm 2001, đến nay chỉ còn khoảng hơn 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và cũng chỉ còn hiện diện trong 11 ngành lĩnh vực của nền kinh tế. Như vậy, có thể thấy đã có những năm, xét về số lượng, công tác cổ phần hoá đã tiến hành không quá chậm. Dự kiến đến năm 2020 chỉ còn 100 doanh nghiệp nhà nước, song xem ra rất khó thực hiện nổi con số này cả về số lượng thực thi, lẫn hiệu quả kinh tế vì mấy năm nay việc cổ phần hóa DNNN đang phiền phức, ách tắc nhiều chỗ.

Có một thực tế, đồng thời cũng là nguyên nhân làm chậm việc cổ phần hóa DNNN, đó là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn được giao quản lý, sử dụng một khối lượng tài sản rất lớn, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp cho ngân sách và nền kinh trế chung còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư, một số DNNN vẫn thua lỗ thất thoát lớn. Giải quyết được chỗ nghẽn tắc này thì mới đẩy nhanh được hai việc cốt yếu: Tái cơ cấu và đem lại hiệu quả kinh doanh DNNN.

Sau rất nhiều cố gắng vượt qua mọi e ngại, Ủy ban quản lý vốn nhà nước đã được thành lập với hy vọng rằng sẽ tháo gỡ được phần lớn những chỗ nghẽn tắc nói trên. Để những DNNN còn lại khẳng định được vai trò đối với nền kinh tế, như Nghị quyết số 12, ngày 03/06/2017 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa 12 đã nêu rõ: Là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Một điều nữa cũng đáng để suy nghĩ: Hiệu quả kinh doanh của DNNN đang có xu hướng giảm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tài sản năm 2013 đạt 6.3%, năm 2016 chỉ còn 4,6%, hiện luôn có 20% doanh nghiệp không có lợi nhuận. Tuy nhiên, cho đến 2017 trong hệ thống doanh nghiệp chính thức có đăng ký, DNNN chỉ còn 0,5% số lượng doanh nghiệp, 9% về lao động, nhưng chiếm tới 29% tổng tài sản, song chỉ tạo ra được 16% doanh thu thuần, có nghĩa là để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, DNNN phải sử dụng vốn nhiều hơn doanh nghiệp FDI vào doanh nghiệp tư nhân trong nước. Một số DNNN còn thâm dụng đất đai, nắm giữ một lượng lớn đất có giá trị cao, nhưng lại để giảm hiệu quả sử dụng đất. Khó khăn về quản lý đất, xác định diện tích và định giá đất cho đúng đang là vướng mắc lớn trong cổ phần hóa và thoái vốn DNNN. Trước tình hình này, tháng 03 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP quy định việc xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn của DNNN bao gồm giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất giao, có thu tiền sử dụng đất, quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng hợp pháp, quyền sử dụng đất thuê, rà soát sắp xếp lại phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa. Công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của doanh nghiệp theo đúng mục đích đúng phương án được phê duyệt. Nhiều ý kiến đề xuất, cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhựợng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, trục lợi gây thất thoát tài sản công và ngân sách nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý minh bạch, chặt chẽ nhằm sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Các Bộ ngành, địa phương phải hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý theo đúng quy định, gắn kết quả đổi mới nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN. Cơ quan đại diện chủ sở hữu các cấp chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc hoàn thành danh mục thoái vốn.

Để tăng tốc cổ phần hóa và thoái vốn DNNN đòi hỏi quyết tâm cao và các giải pháp quyết liệt đột phá hơn của các Bộ ngành, tỉnh, thành, tổ chức công vụ quản lý kinh tế, quyết hoàn thành mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra. Bản thân các DNNN cũng cần thực hiện tốt mọi yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế, để, hoặc phục hồi kinh doanh, hoặc tạo đà tiến lên mạnh mẽ hơn nữa.

                                                                                                               Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra