Báo cáo từ Bộ Công Thương cho biết, đối với XK hàng hóa, nước ta đã có nhiều cố gắng, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu hàng hóa XK của Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện theo chiều hướng giảm hàm lượng thô, tăng XK hàng chế biến. Năm 2018 kim ngạch XK đạt 243,48 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, vượt chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao, nguồn cung sản phẩm của nước ta đang dần khẳng định trên thị trường khu vục và thế giới, tạo thêm sức hút cho đầu tư nước ngoài. Quy mô các mặt hàng XK tiếp tục được mở rộng, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, những mặt hàng dẫn đầu là điện thoại, linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 6 mặt hàng, nhóm hàng công nghiệp đóng góp 21 mặt hàng, nhóm nhiên liệu, khoáng sản đóng góp 2 mặt hàng. Nhiều mặt hàng XK của Việt Nam đã thâm nhập được vào các thị trường lớn kể cả những thị trường khó tính. Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam xuất siêu trong hoạt động xuất nhập khẩu, lại chủ yếu với các nước phát triển có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa kỳ, EU.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc XK hàng hóa cần khắc phục, như mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng nông sản chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực Châu Á, tới 54%, chứ chưa vào được nhiều những thị trường yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Có một thực tế là khi hàng hóa XK có xu thế đang cao lên, nhưng kim ngạch đem về chưa tương xứng do hàng phải bán với giá thấp, hoặc chỉ là hàng gia công. Hàng XK có xuất xứ hoàn toàn nội địa do các cơ sở trong nước làm ra đem kim ngạch về chưa nhiều. Trong khi có tới 70% kim ngạch hàng XK là hàng của các doanh nghiệp đầu tư vốn nước ngoài (FDI). Vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém ảnh hưởng lớn đến việc XK hàng hóa, mặc dù đã có sự cố gắng khắc phục, nhưng kết quả còn thấp, chưa đáp ứng đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tiêu chuẩn cao của các thị trường quốc tế. Do vậy, việc XK hàng hóa càng khó thêm vì tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại, tạo dựng các rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu là hết sức khó lường, xu hướng gia tăng hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất của nhiều nước.
Các hiệp định thương mại song phương, đa phương tạo cơ hội cho việc XK hàng hóa, song lại có những điều khoản đi kèm mà không phải nước nào cũng dễ dàng thực hiện. Như theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, các sản phẩm XK cho các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Điều này rất bất lợi cho Việt Nam vì nhiều hàng hóa, nguyên liệu mình lại nhập từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công, làm hàng XK, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu thì hàng XK của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế. Các quy định kỹ thuật của nội khối CPTPP như bao bì, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản lượng XK cũng là một rào cản cho hàng hóa XK của Việt Nam vào các nước trong nội khối CPTPP.
Muốn XK tốt hàng hóa của Việt Nam ra thế giới cần phải khắc phục những yếu kém trên, hoặc có cách thức điều chỉnh các vấn đề cho phù hợp. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại còn phải vượt lên khỏi cảnh thiếu thông tin về thị trường, về đối tác nhập khẩu. Việc XK hàng hóa cũng như “Đem chuông đi đấm xứ người”, phải là chuông tốt, tiếng chuông phải lớn, âm thanh dư sức vang rộng. Có như thế mới giới thiệu được rộng khắp toàn cầu những cái hay, cái đẹp, hấp dẫn của hàng Việt Nam. Nói cách khác, đây là hoạt động xúc tiến thương mại, thông qua việc nâng cao năng lực xúc tiến thương mại mà XK được nhiều hàng hóa của Việt Nam, chứ không thể cứ mãi trong tình trạng muốn bán hàng nhưng lại không biết đem hàng đi bán ở đâu, vụng về trong cách giới thiệu, quảng bá hàng hóa của mình. Việc xúc tiến XK trước hết là việc các doanh nghiệp phải tự thân lo, song cũng cần những sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý kinh tế như Bộ Công Thương, nhất là Cục xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp XK hàng hóa nâng cao năng lực, trước hết là trong việc tiếp cận, phân tích thông tin về thị trường cũng như sử dụng các phương pháp xúc tiến thương mại hiện đại.
Theo các chuyên gia kinh tế và những giám đốc doanh nghiệp có kinh nghiệm về xúc tiến thương mại thì phải tìm mọi cách để hiểu rõ thị trường mình định đưa hàng tới, tổ chức sản xuất hàng của mình sao cho tốt, phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng nước mà mình định đem hàng tới bán, bán cái thứ hàng người ta thích, chứ không phải thứ hàng mình lâu nay vẫn làm. Một số chuyên gia kinh tế đưa ra ý kiến: Để XK hàng hóa, bên cạnh sự tiến hành xúc tiến thương mại ở nước ngoài thì cũng cần làm tại chỗ. Việt Nam hiện đã mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết thì xúc tiến thương mại không còn đơn thuần là tìm kiếm thị trường mà điều cơ bản nhất vẫn là tìm kiếm đối tác. Đối tác thương mại XK không phải chỉ để cùng nhau XK mà còn phải xúc tiến nhập nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất hàng XK.
Do đó, cần tạo ra mạng lưới, chuỗi giá trị và đầu vào. Kinh tế thương mại ngày nay không chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm mà còn phải chú ý đên công chúng, số đông người tiêu dùng. Xúc tiến XK nhiều khi không chỉ là bán hàng ra nước ngoài thu ngoại tệ về, mà có thể làm XK ngay từ trong nước, thông qua việc cung ứng sản phẩm tại chỗ cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, cũng giống như bán hàng cho khách du lịch nước ngoài đến nước ta. Thương mại kỹ thuật số sẽ giúp bán được nhiều hàng cho người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn sinh sống, hoặc nhận được sự đặt hàng từ nước ngoài qua thương mại điện tử. Có thể nói nhiều phương thức xúc tiến thương mại đã vượt xa những cách thưc xúc tiến truyển thống. Muốn XK tốt phải xây dựng tốt thương hiệu, tạo sự lan tỏa thương hiệu quốc gia, phải có nhiều thương hiệu uy tín điều mà nhiều doanh nghiệp còn chưa làm được. Bộ Công Thương đang tiến hành các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, sẽ tận dụng mạng lưới các tham tán thương mại, phòng thương mại tại nước ngoài, huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam trên thế giới để xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm của Việt Nam./.
Trung Vũ