Thực tế và Sách Trắng về môi trường kinh doanh ở Việt Nam

Thứ tư, 27/03/2019 16:30
(ThanhtraVietNam) - Thực tế tạo dựng môi trường kinh doanh mới của nước ta đã được giới kinh doanh trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều tổ chức kinh tế, thương mại thế giới hàng năm đã có sự đánh giá qua phát ngôn tại các diễn đàn, hội thảo, trên các cơ quan truyền thông và bằng Sách Trắng.

Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tốc độ tiến triển mỗi năm mỗi cao, hiệu quả càng lớn và bài học kinh nghiệm rút ra cũng càng thêm sâu sắc. Một trong những vẫn đề luôn được quan tâm là môi trường kinh doanh. Bởi đã là kinh tế thị trường thì không thể không nói tới việc bán mua, tiêu thụ hàng hóa sản xuất ra, bao gồm cả kinh doanh trong nước và tiếp nhận các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đem vốn và hàng hóa ra kinh doanh ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Sản phẩm nông nghiệp bây giờ đã và ngày càng phải là hàng hóa, sản xuất nông nghiệp không chỉ gồm các hộ nông dân mà còn là của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp từ nông dân đơn thuần tiến lên và các doanh nghiệp từ đô thị đầu tư về. Trong kinh doanh, bên cạnh doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu, giảm lỗ tăng lãi, thì kinh tế tư nhân đã được khẳng định tại các Đại hội Đảng cũng như Hội nghị Trung ương, ý kiến nhất trí của Quốc hội và sự chỉ đạo, cổ vũ, hỗ trợ của Chính phủ.

Gần đây, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã ra mắt ấn bản thứ 11 của ấn phẩm thường niên Sách Trắng, với nhận định: Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ một trong những nước kém phát triển, thành một quốc gia có thu nhập trung bình, hiện đại và đang trên đà phát triển nhanh chóng. Cũng theo EuroCham, kể từ Sách Trắng tổ chức này công bố tháng 3/2018, đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực cải cách các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất cho thấy các công ty Châu Âu vẫn có đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, BCI quý IV năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Tuy nhiên, Sách Trắng vừa được EuroCham công bố cũng đưa ra nhận định: Kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, bị xếp vị trí thứ 77 trong báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), giảm 3 bậc so với năm 2017. Báo cáo này còn chỉ ra rằng Việt Nam là nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á. Thế nên, theo Sách Trắng của EuroCham, trước những thách thức, Chính phủ Việt Nam đã thông qua một loạt các nghị quyết để cải thiện môi trường kinh doanh và tăng khả năng cạnh tranh. Cam kết của Chính phủ về việc hội nhập quốc tế nhiều hơn. Sự tham gia của Việt Nam vào 16 hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương với 59 nền kinh tế trên toàn thế giới đã giúp Chính phủ tiếp tục tiến hành các biện pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện khung pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi hơn, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo minh bạch trong quản lý hành chính.

Đối chiếu với thực tế, có thể thấy Sách Trắng đã phản ánh được phần nhiều những việc mà nhà nước Việt Nam đã chủ trương và đang tiến hành, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, với các giải pháp mới mạnh hơn giải pháp cũ, xem đây là cuộc cách mạng không có điểm dừng. Trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh hai nội dung là gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Điều này được Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh khi Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới WEF tại cuộc đối thoại có chủ đề “Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos 2019 hỏi rằng: “Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời, đại ý: Chúng tôi có một khát vọng là dân tộc luôn phát triển. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước làm ăn ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất. Việt Nam sẽ có chương trình cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế, pháp luật cũng như môi trường kinh doanh. Chúng tôi coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ. Vì thế chúng tôi tăng cường đối thoại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư để không khí đầu tư làm ăn của các nhà đầu tư tại Việt Nam thuận lợi, tốt đẹp hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay.

Ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được minh chứng qua thực tế là trong mấy năm nay môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam đã được cải cách quyết liệt chưa từng có, với hàng nghìn giấy phép con được cắt giảm và vẫn tiếp tục được cắt giảm. Với giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được Ngân hàng thế giới xếp hạng  tăng 13 bậc. Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân trên 5,9 triệu ngày công/năm, tương đương 889,5 tỷ đồng/năm chưa kể chi phí tiết kiệm được do không phải duy trì đáp ứng các điều kiện kinh doanh. Năm 2018 đã có trên 14.900 phản ánh, kiến nghị được tiếp nhận, trong đó đăng tải công khai 82,14% kết quả xử lý, phản ánh kiến nghị. Theo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu trong năm 2019 sẽ phải xử lý triệt để phản ứng nhằm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Tránh nguy cơ tụt hậu, Chính phủ đã có nhiều chính sách giúp môi trường kinh doanh phát triển kinh tế số để không chỉ góp phần tăng năng suất và vị thế cạnh tranh cho Việt Nam, mà còn thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao hàng đầu thế giới. Qua khảo sát, khối doanh nghiệp thương mại, dịch vụ năm 2018 tăng trưởng 30%, tổng doanh thu đạt 8 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này đến năm 2025 Việt Nam sẽ là nằm trong top ba nước có sự phát triển thương mại điện tử hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo các chuyên gia kinh tế, vấn đề hiện nay là làm thế nào để kinh doanh nói chung, đặc biệt là kinh tế tư nhân có môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn nữa. Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn khi có việc cần liên hệ với chính quyền địa phương, nên phải làm sao để luật pháp đến và được thực thi đúng với mọi cấp. Chính phủ cần chú ý đến sự minh bạch trong phân chia quyền lực của trung ương và địa phương, cần làm rõ hơn và thống nhất cách hiểu xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Cũng cần phân biệt rõ cái gì nhà nước làm, cái gì địa phương làm, còn lại cái gì hãy để thị trường quyết định./.

                                                                                                         Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra