Những năm trước, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phiền phức, các điều kiện kinh doanh gắn liền với những điều khoản khắt khe, phiền nhiễu, khiến cho cuộc sống của người dân thêm mệt mỏi, lãng phí thời gian đi lại, chờ đợi nơi cửa quyền, việc kinh doanh sản xuất, hoạt động thương mại nội địa cũng như xuất khẩu gặp muôn vàn khó khăn cản trở, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam trong ba năm trở lại đây đã chứng kiến một cuộc cải cách quyết liệt chưa từng có với hàng nghìn giấy phép con được cắt giảm và Chính phủ khẳng định danh sách cắt giảm vẫn sẽ còn tiếp tục.
Từ năm 2016 đến 2018, Ngân hàng thế giới đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 13 bậc. Đến hết năm 2018 các bộ đã trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/ 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tương đương với 68,2%, vượt 36,5% so với kế hoạch đề ra. 8/11 bộ đã báo cáo đánh giá tác động kinh tế về cắt giảm nói trên gồm: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế. Theo đó việc đơn giản cắt giảm 6.665 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 27 thủ tục của 8 bộ trên đã tiết kiệm cho doanh nghiệp và xã hội khoảng 11,642 triệu ngày công, tương đương 5.417 tỷ đồng.
Có thể khẳng định cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục giấy phép con là cuộc cách mạng không có điểm dừng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã đưa ra yêu cầu việc cắt giảm phải mạnh mẽ hơn nữa. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2018, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về định hướng chính sách để phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh 02 nội dung, đó là gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Tổ công tác của Thủ tướng và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đặt mục tiêu trong năm 2019 phải xứ lý triệt để, phản ứng nhanh nhằm tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Năm 2018 chỉ số năng lực cạnh tranh các tỉnh (PCI) đạt mức cao nhất kể từ năm 2005 do môi trường kinh doanh có sự thay đổi tích cực, thủ tục hành chính thông thoáng hơn, chi phí không chính thức được tiếp tục cắt giảm, môi trường kinh doanh giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước có xu hướng bình đẳng hơn, hiện tượng tham nhũng vặt, bôi trơn quy mô nhỏ mà trước đó nhiều doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép đã giảm nhiều.
Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các vị Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội vẫn còn chỉ ra một số điều nghịch lý trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, như cái cần cắt thì gói vào một mớ, thực tế là vẫn như cũ, chỉ giảm về hình thức số lượng, một số cái không cần cắt thì lại cắt. Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh bên cạnh mặt tích cực thì một số đơn vị còn theo số lượng, cắt tùy tiện, đơn giản, chạy theo thành tích. Báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: Công tác cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đặc biệt là việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, thời gian qua đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận: Điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhận xét, trong giải quyết việc cho người dân và doanh nghiệp, vẫn còn những cán bộ ba không: Không đúng quy định, không công bằng, không khách quan, nên đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin trong xã hội. Để chấn chỉnh, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị tăng cường xử lý, ngăn chặn hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị, phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định về tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân. Cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến địa phương cần thực hiện 3 công khai: công khai thời gian địa điểm tiếp dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên trang thông tin điện tử (nếu có) và trụ sở làm việc; công khai địa chỉ, đường dây nóng, hộp thư điện tử và tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, của doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân và doanh nghiệp, khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Chỉ thị cũng nêu rõ: phải xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, hay doanh nghiệp, xử lý ngay người đứng đầu có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên dưới quyền có hành vi sai trái. Chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết dứt điểm kịp thời các kiến nghị, phản ánh tố cáo của người cân và doanh nghiệp, tránh tình trạng giải thích không rõ ràng.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm, để có biện pháp kiểm tra, giám sát, khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp, rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết, sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu người dân và doanh nghiệp bổ sung hồ sơ tài liệu quá một lần. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước./.
Trung Vũ