<div>Số liệu của Tổng cục Thống kê tháng 11 và 11 tháng năm 2014 cho thấy xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản năm nay đã khá hơn năm trước, tăng trưởng nhẹ theo với sự hồi phục bước đầu kinh tế trong nước cũng như toàn cầu sau mấy năm suy thoái, khủng hoảng. Theo đó xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 11 là 2,66 tỷ USD đưa giá trị xuất khẩu nông sản 11 tháng lên 28,2 tỷ USD tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2013. <br></div><div><br></div><p>Nhưng ngay trong kết quả xuất khẩu nông sản đã có thể mừng như kể trên thì có một thực tế đáng để quan tâm, ấy là các nước EU, bắc Mỹ, châu Á, châu Phi đã nâng mức đặt hàng gạo chất lượng cao của Việt Nam, 11 tháng vừa qua lượng gạo này xuất khẩu tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ thế mặc dù khối lượng xuất khẩu gạo năm nay giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng. Đấy là nhờ nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của khách hàng, hiện có 70% sản lượng thu hoạch tại vùng đồng bằng này là lúa chất lượng cao và lúa thơm, xuất khẩu trên 2,7 triệu tấn gạo, chiếm 52% tổng lượng gạo toàn vùng. Điều đó cho thấy chất lượng nông sản và những tiêu chuẩn đi kèm của các nước nhập khẩu đòi hỏi về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng quyết định sự tăng trưởng bền vững mang tính nông sản hàng hoá, cần sự kết hợp giữa cái làm ra và cái có thể bán. Tuy nhiên đây là cả một vấn đề không đơn giản, dễ dàng trong sản xuất nông nghiệp.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_12/sx_ngo.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div><br></div><div>Tiêu thụ nông sản đã và đang tiếp tục là việc khó khăn. Do lối chạy đua kiểu phong trào thấy cái gì bắt đầu được giá thì đua nhau trồng, nên dẫn đến chỗ bán trong nước không hết, xuất khẩu cũng ế ẩm, nhiều khi chất đống, vứt đi ở cửa khẩu hoặc bán rẻ như đã từng xảy ra với sắn, với dưa hấu, với cao su khi này khi khác. Ngay thứ tưởng như dễ bán nhất là gạo thì cũng rất khó cạnh tranh với gạo Thái lan chất lượng cao hơn, nên có những năm gạo Việt Nam để thừa vì sự tiêu thụ trong nước có hạn, xuất khẩu lại giảm. Các loại hoa màu khác cũng hay gặp khó về tiêu thụ cho dù đó là những thứ có thể làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc lâu nay vẫn phải nhập nhiều của nước ngoài, như năm nay đang điêu đứng vì ngô. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định chuyển đổi khoảng 200.000 ha đất lúa sang trồng ngô theo đề án tái cơ cấu trồng trọt. Với tính toán ban đầu, khi chuyển đổi mỗi ha sang trồng ngô sẽ thu lãi gần 24 triệu đồng, tính ra tăng thu gấp 3 lần so với trồng lúa. Nhưng buồn thay, ngay trong năm đầu thực hiện chuyển đổi, ngô đã khó tiêu thụ, hộ nông dân nào có bán được ngô nhà mình trồng thì lời lãi cũng chẳng là bao, thậm chí hoà vốn, lỗ vốn. Bởi thị trường trong nước giá ngô thương phẩm liên tục giảm, sản xuất ngô lại còn manh mún, thiếu kỹ thuật canh tác, thiếu nhân công, hạt giống, nên giá thành cao khó cạnh tranh với ngô nhập khẩu. Năm nay cả nước ước tính sẽ thu hoạch được khoảng 6 triệu tấn ngô, tăng 25% so với năm 2013, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngô chỉ khoảng 6,5 triệu tấn, thế mà nhập khẩu lại phi mã, 10 tháng đầu năm đã nhập 3,69 triệu tấn, dự đoán cả năm nhập 4,5 triệu tấn với giá rẻ hơn giá trong nước. Còn mía, nhiều hộ nông dân Nam bộ phải phá mía đi vì giá đã quá thấp, lại chờ mãi không ai mua. Khoai lang tím xuất khẩu thoạt đầu rất được giá, song giờ lại giảm giá thảm hại. Hầu hết các loại nông sản khác cũng đều trong cảnh được mùa mất giá, mất mùa được giá.</div><div><br></div><div>Nông dân muốn tiêu thụ được nhiều nông sản, nhất là xuất khẩu, chủ yếu phải trông vào các doanh nghiệp, song cho đến nay các doanh nghiệp trong nước chỉ tiêu thụ được 55% lượng nông sản, còn lại nông dân phải tự tìm cách bán, càng mong bán được nhiều, giá càng giảm. Lúa ở đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bắt đầu vào vụ thu hoạch, song Hiệp hội lương thực đã rất lo sang năm 2015 sẽ rất khó xuất khẩu. Vì gạo Việt Nam sẽ chịu sức ép rất lớn từ gạo các nước, nhất là Thái lan, gạo của nước này, đặc biệt là gạo thơm chất lượng cao hơn hẳn gạo thơm Việt Nam, gạo tấm của họ bán với giá thấp nhờ chính phủ hỗ trợ, ta không thể bán giá thấp như họ nên rất khó cạnh tranh.</div><div><br></div><div>Những thực tế trên đang đặt ra vấn đề cấp thiết là phải tìm cách giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo. Muốn vậy phải có những giải pháp hữu hiệu với sự tham gia của các thành phần kinh tế, từ nông dân, đến doanh nghiệp, các cơ quan chức trách. Phải giúp nông dân định hướng trồng trọt, thông tin và mách bảo họ về tình hình cũng như yêu cầu của thị trường tiêu thụ nông sản, cung cấp những giống cây, con đem lại chất lượng cao, cần có các giải pháp đột phá về khoa học công nghệ. Nông sản phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng được thương hiệu niềm tin trong chuỗi sản xuất tiêu thụ. Cần có sự kết hợp tốt giữa sản xuất và chế biến nông sản, khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh nông sản, nhất là xuất khẩu. Cái khó của doanh nghiệp nước ta không chỉ ở đầu ra, mà còn ngay từ đầu vào, nông dân làm ăn manh mún, doanh nghiệp rất khó thu mua, vận chuyển hàng nông sản. Vì vậy rất cần lập các hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại, cụm sản xuất với sự đồng nhất về thứ hàng nông sản, thu hoạch, bảo quản đóng gói bao bì, lập thương hiệu theo quy chuẩn, thiết lập và nghiêm chỉnh thực hiện giao ước của mối liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến thu gom, chế biến và xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần giữ vững thị trường cũ, phát triển thêm thị trường mới, đừng để quá phụ thuộc vào thị trường Trung quốc . </div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ </b></div>