<p>Các chủ đầu tư sản xuất hàng công nghiệp cũng thế, họ không muốn bỏ vốn nhà, vay ngân hàng chịu lãi để mua nguyên liệu, chi phí đầu vào, trả lương cho công nhân, để rồi làm ra hàng, song không bán được, hàng bị tồn kho. Tuy nhiên trong sự ế ẩm không tiêu thụ được sản phẩm, mối nguy, sự dễ bị thiệt hại lớn nhất vẫn là đối với hàng nông sản thuỷ sản vì không thể đợi bán dần như hàng công nghiệp, mà sự tiêu thụ phải nhanh không có thiu thối vứt đi. Lại cũng đã qua rồi thời sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, sản xuất nông nghiệp tiêu thụ ngay trong nước cũng hết. Mà theo cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới thì sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản đã mang tính hàng hoá, phải làm sao tiêu thụ hết trên hai thị trường cơ bản: tiêu thụ trong nước để ăn và làm nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm, hai là xuất khẩu sang các nước. Nông nghiệp càng phát triển sản phẩm càng nhiều càng phải bán sao cho hết. Song cũng lại không thể vì thấy ế mà làm ít đi hay ngừng sản xuất. Dân số đông, nhu cầu cao, nên phải làm ra và bán được nhiều hàng để có tiền mà tiêu. Thành ra vừa đẩy mạnh sản xuất vừa tiêu thụ hết sản phẩm là cả một bài toán lớn và khó, có lúc giải được ít nhiều, có lúc lại hoàn toàn tắc tị. Như quý một năm nay sản phẩm nông nghiệp của ta rất khó bán, rau quả ế hết thứ này sang thứ khác, xe bán dưa hấu xếp dài trước cửa khẩu các tỉnh biên giới phía bắc. Đã có những cuộc vận động mua dưa hấu, mua hành tỏi, song vẫn chỉ là sự cảm thông, sẻ chia nho nhỏ, động viên tinh thần cho nông dân, chứ không thể giải cứu được sự ế ẩm, sụt giá thê thảm nông sản, nông dân bị thương lái ép giá hoặc, phải phá vườn, vứt quả. Sụt giảm đáng buồn lo nhất là xuất khẩu. Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4/2015 ước đạt 2,61 tỷ USD, cả 4 tháng đầu năm chỉ có là 9,13 tỷ USD giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt giảm nhiều là những mặt hàng từng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm cá, gạo, cà phê. Hàng thuỷ sản từng chiếm 25% giá trị xuất khẩu của cả nhóm nông, thuỷ sản, nhưng từ đầu năm đến nay kim ngạch giảm tới hơn 20% so với cùng kỳ năm 2014. Khối lượng gạo xuất khẩu 4 tháng đầu năm là 1,95 triệu tấn, thu về 849 triệu USD, giảm 4,8% về khối lượng và 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm là 466 nghìn tấn, thu về 970 triệu USD, giảm 41% về khối lượng và 93% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_5/anh1cachua.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Nguyên nhân tiêu thụ nông, thuỷ sản giảm mạnh cả số lượng lẫn kim ngạch, trước hết là do nông dân sản xuất kiểu chạy đua theo phong trào, tin đồn, thiếu cân nhắc theo nhu cầu sức mua, thiếu liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp. Tiêu thụ nông sản, thuỷ sản trong nước giảm còn vì nhập khẩu những mặt hàng tương tự tăng tới 11,5% , tốn 7,58 tỷ USD khiến thặng dư thương mại của toàn ngành sau 4 tháng chỉ còn 1,55 tỷ USD. Theo bộ Công Thương, năm 2015 thị trường thế giới biến động bất ngờ, cân đối cung cầu thay đổi, một số nước như Thái lan, Ấn độ, Myanma, Campuchia đều tăng lượng xuất khẩu hàng nông sản, còn một số thị trường quen biết của hàng nông sản, thuỷ sản nước ta thì nhu cầu nhập loại hàng này yếu đi khiến giá liên tục giảm, thậm chí giảm sâu. Các nước đang có xu thế tự cung cấp, phấn đấu tăng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu, nên ta khó bán hàng nông sản vào nước họ. Khó nữa là ta lại ít thông tỏ về nhu cầu nhập hàng của mỗi nước do đứt đoạn trong xử lý và khai thác thông tin thị trường thế giới, dẫn tới việc khó biết đem bán hàng ở thị trường nào, thị hiếu tiêu thụ ra sao để tổ chức lại sản xuất trong nước cho có sản phẩm phù hợp. Doanh nghiệp thì than phiền: đang có sự tách nhóm các giải pháp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ quan tâm đến số lượng, Bộ Công Thương chú ý đến kim ngạch. Còn doanh nghiệp thì lại không quan tâm xuất khẩu nhiều hay ít mà chỉ tính lợi nhuận.<br></div><div><br></div><div>Muốn tiêu thụ nhiều và hết nông sản, theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như mong muốn của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương phải có những giải pháp lớn để giải quyết toàn cục vấn đề, không thể đi bán nhỏ lẻ dưa hấu, quả vải, mà là khâu chính sách. Cần nghiên cứu thị trường dựa trên nhu cầu sản xuất mà quy hoạch, kể cả quy hoạch tiêu thụ liên đới với toàn cầu. Sức chống đỡ của ta với biến động thị trường thế giới quá yếu do sản xuất trong nước thiếu tầm chiến lược, tổ chức sản xuất vẫn dựa trên mỗi cá thể, dẫn tới quy mô nhỏ, khó ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động chậm cải thiện, chất lượng sản phẩm không cao, thuỷ sản, rau quả không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các thứ đều kém về chế biến. Bộ Công Thương rất cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, không nên dàn trải mà cần tập trung về nội dung cách làm. Các cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để cùng nhau triển khai đồng bộ các giải pháp trước mắt và lâu dài từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, khai thác tốt thông tin, tận dụng các cơ hội thị trường, các giải pháp liên quan tới đàm phán thương mại, mở rộng và tháo gỡ rào cản thị trường.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>