Trại hè: Tránh để “tiền mất, tật mang”

Thứ ba, 25/06/2019 14:52
(ThanhtraVietNam) – Trong những năm gần đây, hoạt động trại hè phát triển nở rộ tại các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một hình thức cho trẻ đi trải nghiệm, giúp trẻ có thêm kỹ năng sống và trưởng thành hơn. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ về các trại hè để có sự lựa chọn đúng đắn, hiệu quả, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Mỗi khi nghỉ hè, các bậc phụ huynh ở các thành phố lớn lại đau đầu với vấn đề gửi con ở đâu trong mấy tháng hè, nhất là đối với các học sinh học trường công ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Đây là câu chuyện “muôn thuở” được bàn tán xôn xao trên các diễn đàn để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, trại hè đang là xu hướng được nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để gửi con trong những tháng hè.

Chỉ cần gõ từ khóa “trại hè” trên google thì chỉ trong 0,45 giây đã cho ta khoảng 12.400.000 kết quả liên quan đến vấn đề này. Hơn thế, kết quả này còn cho thấy sự đa dạng, phong phú của các trại hè về hình thức cũng như nội dung: Từ trại hè bán trú đến thời gian một tuần, vài tuần tùy theo lứa tuổi; từ kỹ năng sinh tồn đến công nghệ; rồi trại hè tiếng Anh…, đến trại hè ở nước ngoài. Xuất phát từ nhu cầu của xã hội nên đã hình thành, phát triển rất nhiều các loại hình trại hè phù hợp với từng lứa tuổi, mong muốn của gia đình.

leftcenterrightdel
 Cho con tham gia các trại hè là xu hướng được nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn lựa chọn (ảnh: Nguyễn Hải)

Mặc dù, “thị trường” trại hè khá sôi động ở các thành phố lớn với những lời giới thiệu và cam kết vô cùng ấn tượng nhưng có phải phụ huynh, học sinh nào cũng cảm thấy hài lòng khi thời gian ở trại hè kết thúc? Không thể phủ nhận, các trại hè với nhiều hình thức đa dạng, phong phú giúp trẻ có cơ hội giao lưu, học hỏi, tham gia các hoạt động trải nghiệm thú vị. Từ đó vừa tích lũy thêm kiến thức, vừa học được nhiều kỹ năng, trưởng thành hơn khi không có bố mẹ bên cạnh.

Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh khá thất vọng khi con kết thúc thời gian tại các trại hè. Chẳng hạn, khi tham gia trại hè về nông thôn để trải nghiệm cuộc sống của người nông dân nhưng các cháu phải lặp đi lặp lại lịch trình thức khuya dậy sớm trồng cây, tưới rau, cho lợn gà ăn giữa trời nắng nóng khiến ai cũng mệt mỏi và chán. Lịch trình này quá cứng nhắc và hơi nặng so với tuổi các cháu.

Hay khi tham gia trại hè ở nước ngoài, thay vì được bổ sung kiến thức tiếng Anh, “được học kỹ năng sống tại quốc gia văn minh, hành trình trải nghiệm học - chơi - dã ngoại giúp trẻ phát triển bản thân vượt trội, toàn diện cho năm học mới” như lời giới thiệu của đơn vị tư vấn, thì suốt thời gian tham dự trại hè, trẻ được đi tham quan vài địa danh. Đặc biệt, hầu hết đoàn là người Việt; nơi ăn ngủ và sinh hoạt của các con cũng toàn người Việt và rất bình dân nên mục đích chính là được giao lưu với các bạn ở nước ngoài, nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh lại chưa đạt.

Đáng chú ý, có trường hợp gặp những tai nạn hy hữu khi tham gia trại hè như chết đuối, bị xâm hại tình dục, sàm sỡ… Tuy nhiên, khi gia đình yêu cầu người đại diện của Trại hè đứng ra giải quyết, giải thích thì mới tá hỏa là trại hè đó hoạt động “chui”. Đúng là những tình huống “dở khóc dở cười” mà không ít phụ huynh đã gặp phải khi cho con tham gia trại hè.

leftcenterrightdel
 Tham gia trại hè, trẻ học được nhiều kỹ năng song cũng không tránh khỏi những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra (ảnh: Nguyễn Hải)

Từ thực tế trên đặt ra cho chúng ta câu hỏi: Có nhất thiết phải cho con tham gia trại hè không? Trại hè có thực sự lý tưởng, bổ ích như những lời quảng cáo, giới thiệu? Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trại hè được thực hiện như thế nào?

Về mặt pháp lý, Quyết định số 1784/QĐ-TTg ngày 14/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển mạng lưới Trung tâm huấn luyện kỹ năng và hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên đặt ra mục tiêu từ năm 2011 đến 2020 quy hoạch xây dựng 10 Trung tâm huấn luyện kỹ năng và hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên đại diện các khu vực tại 10 địa điểm, gồm: Huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình); thành phố Móng Cái (Quảng Ninh); huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc); huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế); thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam); huyện Thuận Nam (Ninh Thuận); huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh); huyện Kon Plông (Kon Tum); huyện Duyên Hải (Trà Vinh); huyện Tịnh Biên (An Giang).

Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 2011-2015, đầu tư xây dựng thí điểm 03 Trung tâm đại diện cho các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, thuộc huyện Kỳ Sơn, thành phố Tam Kỳ và huyện Cần Giờ. Giai đoạn 2016-2020 đầu tư xây dựng 07 Trung tâm thuộc các địa phương còn lại.

Như vậy, theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước có tổng cộng 10 Trung tâm huấn luyện kỹ năng và hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên. Tuy nhiên, thực tế ngoài các trung tâm đã được thành lập theo Đề án này, còn rất nhiều các trung tâm tư nhân “mọc ra” để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của xã hội. Vấn đề cần bàn ở đây là cơ quan, tổ chức nào quản lý các trung tâm tư nhân tổ chức trại hè; nội dung, chương trình hoạt động của các trại hè có được kiểm duyệt không hay các trung tâm tự soạn chương trình?

Trong xã hội hiện đại ngày nay, các kỹ năng sống là rất cần thiết và vô cùng quan trọng đối với trẻ. Nhưng không phải chỉ có trại hè mới có thể trang bị cho trẻ những kỹ năng đó. Điều đáng nói là các bậc phụ huynh không nên áp đặt suy nghĩ, ý tưởng, sở thích của mình hoặc sự kỳ vọng của mình đối với trẻ để đăng ký cho trẻ tham gia các trại hè. Quan trọng hơn, phụ huynh cần nắm được sở thích, sở trường của con, thay vì áp đặt thì có thể trao đổi, thảo luận với trẻ về vấn đề theo học tại các trại hè để đạt hiệu quả như mong muốn.

Phóng viên Tạp chí điện tử Thanh tra sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng để thông tin đến bạn đọc về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các trại hè tư nhân trong thời gian sớm nhất./.

Minh Nguyệt

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra