Từ xóa đói đến giảm nghèo, thêm giàu

Chủ nhật, 29/04/2018 09:15
(ThanhtraVietNam) - Mới đây Ngân hàng thế giới (WB), đã công bố báo cáo: “Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”. Báo cáo cho biết, thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng cao đã giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo khoảng 4% trong giai đoạn 2014 – 2016, xuống còn 9,8% vào năm 2016.

WB nhận định: đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là với các dân tộc thiểu số. Từ chỗ lo chống đói trong thời kỳ đã qua, hiện nay Việt Nam đang chủ yếu lo việc giảm nghèo, cũng theo WB, cùng với việc một bộ phận lớn người dân thoát khỏi nhóm nghèo thì tầng lớp an toàn về kinh tế đang mở rộng, khoảng 70% dân số Việt Nam có thể xếp vào nhóm an toàn về kinh tế, 13% được xếp vào nhóm trung lưu, kể từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm có thêm 1,5 triệu người Việt Nam gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Được như thế, theo WB là do có các chính sách ưu việt của nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời cũng còn do ý thức tự thân vươn lên của một số hộ dân quyết thoát nghèo, đi đến bảo đảm cuộc sống, rồi leo cao trên nấc thang kinh tế. Chương trình xóa đói giảm nghèo đã thành chương trình thịnh vượng chung, chuyển tiếp từ xóa nghèo cùng cực sang nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ mở rộng tầng lớp trung lưu.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề cần vượt qua, ấy là mặc dù cuộc sống được cải thiện ở các tầng lớp dân cư, song vẫn còn sự chênh lệch khá cao, tốc độ xóa bỏ bất bình đẳng giữa các nhóm vẫn chưa đủ nhanh. Gần 45% người dân tộc vẫn sống trong cảnh nghèo, mặc dù họ chỉ chiếm 15% dân số cả nước, nhưng chiếm tỷ lệ cao về tổng số hộ nghèo. Các hộ nghèo thường tập trung nhiều hơn ở nông thôn, nên WB cho rằng, các quyết định sử dụng đất và loại cây trồng chưa tối ưu là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch trong thu nhập từ nông nghiệp giữa những hộ gia đình nghèo và không nghèo. Những hộ nghèo thường sử dụng ít đất cho những cây trồng công nghiệp mà sản phẩm có thể bán với giá cao, như hồ tiêu, cà phê, trái lại họ chủ yếu trồng cây ít lợi nhuận. Người nghèo cũng là người ít tiếp cận được với tín dụng ngân hàng, kém khả năng về sử dụng vốn cho sinh lời, quá kém kỹ thuật canh tác. Vì thế Việt Nam cần  tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao hiệu quả  sử dụng đất, đánh thức tiềm năng nông nghiệp cho các hộ nghèo để họ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Trong cuộc đối thoại mới đây với nông dân cả nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề, cần tháo gỡ vướng mắc cho nông dân, phải trả lời được câu hỏi: tại sao nông dân chưa giàu? Nên có đến 70% người dân sống ở nông thôn, chiếm trên 43%  lao động cả nước, nhưng chỉ đóng góp cho GDP được có 18%. Có nhiều vấn đề đặt ra đang cần giải quyết, như thị trường nông sản, vốn và đất đai, công nghệ, đầu vào cho nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo Thủ tướng, chúng ta đang có những thành quả nông nghiệp tốt, nhưng như thế chưa đủ, chúng ta còn nhiều tiềm năng để phát triển, phải tìm cách để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân nhanh, mạnh hơn nữa. Muốn thế, phải lắng nghe nông dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân và đất nước. Chính phủ cũng đang tiếp tục hoàn thiện chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Việc tìm thị trường cho nông sản, dĩ nhiên nhà nước phải làm, nhưng doanh nghiệp và người sản xuất cũng có vai trò quan trọng, đó là khâu sản xuất, kinh doanh phải theo tín hiệu của thị trường. Thủ tướng nhấn mạnh: chúng ta cần tiến hành quy hoạch sản xuất theo vùng, làm sao sản xuất phù hợp với năng lực điều kiện địa phương, chứ không làm ào ào. Phải đẩy mạnh chế biến nông sản hơn nữa. Chúng ta sản xuất được, nhưng chế biến mới là khâu quan trọng để chủ động điều tiết thị trường. Các doanh nghiệp cần tham gia xây dựng nhà máy để nâng cao giá trị nông sản.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chúng ta cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, yêu cầu sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Cũng trong cuộc đối thoại giữa Chính phủ với nông dân, đại diện Ngân hàng nhà nước đã khẳng định: Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn hiện nay là 7% năm, thấp hơn từ 1-2%/năm so với mặt bằng lãi suất chung, ban hành nghị định riêng về chính sách tín dụng đối với linh vực nông nghiệp, nông thôn. Tin rằng với các chính sách ưu việt hiện có cộng với các biện pháp bổ sung, hỗ trợ mới của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành sau cuộc đối thoại với nông dân, nông nghiệp nước ta sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, thu nhập của đại bộ phận nông dân cũng nâng cao hơn, thiết thực đem lại hiệu quả cao cho công tác giảm nghèo ở nước ta.

Trở lại với báo cáo của WB, 50% đóng góp vào giảm nghèo là từ tăng tiền lương nên Việt Nam cần thúc đẩy tăng năng suất lao động và đầu tư vào cơ sở hạ tầng để duy trì và tạo thêm công ăn việc làm, tăng tiền lương cho người lao động. Cần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo thêm các hoạt động sản xuất dịch vụ có giá trị cao hơn để tăng thêm việc làm, cũng tức là tăng người có lương, giảm số người nghèo vì không có lương. Cũng cần cải cách giáo dục nhằm cân bằng cơ hội và phát triển kỹ năng của lực lượng lao động. Với sự phát triển kinh tế đặc biệt là phát triển công nghiệp, giảm diện tích đất nông nghiệp, đưa nhiều máy móc vào nông nghiệp, số người dôi dư trong nông thôn sẽ tăng lên. Muốn không tăng lên theo số người nghèo vì không việc làm, không thu nhập, thì cần có sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ nông thôn ra thành thị, nhưng 10 năm qua tỷ lệ này chưa cao, cần khắc phục ngay sự bất cập đó. Đi kèm là các chính sách bảo đảm có công việc và thu nhập ổn định, đời sống mọi mặt được chăm lo cho lao động chuyển dịch, lao động trong các khu vực kinh tế phi chính thức. Cùng với dịch chuyển lao động thì cần khai thác thêm cảnh quan môi trường nông thôn, qua đó tạo thêm việc làm để tăng thu nhập cho người nông dân, trong đó có khai thác du lịch. Những chính sách như xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao phải là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Phải vượt khỏi sự yếu kém lâu nay là sản phẩm du lịch nông nghiệp vẫn còn mang tính bột phát, thu hút một phần nào thôi khách du lịch theo kiểu có gì xem đấy, bán đấy, mà chưa tạo thành sản phẩm du lịch chất lượng cao, chưa liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp du lịch lữ hành và các địa phương. Để kết hợp tốt, cần khai thác du lịch ẩm thực đồng quê, mỗi xã mỗi làng một sản phẩm, khai thác tối đa những đặc trưng  giá trị  văn hóa, cảnh quan vùng miền.

Tạo việc làm, giúp có và tăng thu nhập là cách thức chính yếu giúp ai đang nghèo thì bớt nghèo, ai hết nghèo rồi thì vươn lên làm giàu cho gia đình mình và góp phần làm giảm nghèo, tăng giàu cho cả đất nước.

                                                                                                                       Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra