Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được mở rộng

Thứ năm, 13/06/2019 14:31
(ThanhtraVietNam) - Tìm cách ứng dụng nhanh 4.0 là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của sự phát triển nền kinh tế nước ta, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi ngân hàng luôn là cốt lõi của nền tài chính quốc gia, nên đang được quan tâm thúc đẩy cho phát triển toàn diện và an toàn tối đa.

Các cuộc hội thảo về vấn đề này đã liên tiếp diễn ra thời gian gần đây, phần nhiều các ý kiến bàn thảo đều nhấn mạnh ý tưởng cụ thể là hoạt động tín dụng phải gắn liền với công nghệ số. Nói như ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc ngân hàng nhà nước, tại phiên khai mạc Banking Việt Nam 2019, ''thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển thanh toán điện tử trong giai đoạn tới cần chú ý tới xu hướng số hóa dịch vụ ngân hàng, bảo đảm an toàn cho các giao dịch điện tử để đảm bảo sự tin tưởng của người sử dụng". Ông Kim Anh cho biết thêm: Hạ tầng thanh toán quốc gia cũng đang đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển của nền kinh tế với giá trị xử lý trong năm 2018 gấp 13 lần GDP, hạ tầng thanh toán bán lẻ được kết nối liên thông với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, tích hợp thêm các dịch vụ mới, hỗ trợ đắc lực hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như thương mại, giao thông, dịch vụ công.

2018 đã đánh dấu một năm thành công vượt bậc trong phát triển thanh toán điện tử của Việt Nam khi thanh toán internet, thanh toán qua điện thoại di động đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng về giá trị giao dịch, tương ứng tăng 19,5% so với năm 2017. Hãng kiểm toán thế giới PwC đã xếp Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Còn theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính tại việt Nam đã ứng dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật cho sản phẩm dịch vụ, gia tăng trải nghiệm khách hàng, thanh toán an toàn thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ. Thực tế cho thấy chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu của ngành ngân hàng nói riêng và đang đem lại lợi ích cho nền kinh tế cũng như nhân dân nói chung.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2018 ngành ngân hàng là một trong những ngành chủ động đi đầu việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quản lý, kinh doanh. Công nghệ được xem là nền tảng cho lợi thế cạnh tranh mới khi kinh tế số phát triển, xu hướng thanh toán điện tử tăng nhanh, nhưng chuyển đổi số như thế nào cho hiệu quả vẫn là câu hỏi cần nhận đươc nhiều hơn nữa sự quan tâm cũng như giải pháp. Hiện các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số hóa thông qua chuyển đổi về quy trình, dịch vụ sản phẩm mới, nhưng so với xu hướng phát triển số hóa trên thế giới thì các ngân hàng Việt Nam vẫn còn đi sau nhiều nước. Một trong những lý do là là chi phí đầu tư cho việc số hóa dịch vụ tín dụng không hề nhỏ trong khi lợi nhuận của nhiều ngân hàng còn thấp.

Trong những ứng dụng công nghệ số cho dịch vụ ngân hàng thì phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được xem là quan trọng và cần mở rộng việc thực hiện. Số liệu từ Vụ thanh toán của Ngân hàng nhà nước cho biết: Hoạt động không dùng tiền mặt trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục hiệu quả và thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc, quý 1 năm 2019 đã xử lý 37.325 nghìn giao dịch, tương ứng với giá trị 2.691nghìn tỷ đồng, tăng 22,99% về số lượng và 17,84%  về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được nhiều ngân hàng chú trọng đầu tư. Quý 1 năm 2019 so với cùng kỳ 2018, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh internet tăng 68,8% và 13,4%, số lượng và giá trị, giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,7% và 232,3%. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia tài chính, vẫn còn khoảng cách không ngắn giữa nhiều người dân với việc tiếp cận các dịch vụ tài chính của các ngân hàng, tỷ lệ người dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng vẫn ở mức thấp, năm 2017 mới chỉ có 31% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ này ở người trưởng thành sống vùng nông thôn lại đang có xu hướng giảm, từ 26% năm 2014, xuống 25% năm 2017. Số người nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua thẻ ATM vẫn chiếm tỷ trọng thấp, chỉ có khoảng 21% tổng số tiền chi trả.

Những thực tế trên đòi hỏi các ngân hàng, tổ chức trung gian tài chính phải đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ hơn các công nghệ 4.0 nhằm cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng mới, để đáp ứng phù hợp hơn nữa nhu cầu của nhiều loại hình khách hàng đang gia tăng sự tiếp cận dịch vụ qua các kênh giao dịch điện tử, giảm chi phí, giảm rủi ro so với giao dịch tiền mặt, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước. Có một điều không thể không suy nghĩ, ấy là dịch vụ thanh toán phi tiền mặt phần ích lợi chiếm nhiều, song hiện vẫn còn kéo theo nhiều rủi ro trong ban hành, thực hiện các chính sách, pháp luật liên đới, về nguồn nhân lực, về an ninh môi trường mạng. Hiện khung khổ pháp lý để có thể quản lý, kiểm soát các hoạt động cung cấp dịch vụ ngân hàng chưa hoàn chỉnh nên dễ phát sinh những rủi ro, tranh chấp. Vẫn còn khó tránh những rủi ro về công nghệ và hạ tầng kỹ thuật, hoặc một số chưa phù hợp với đối tượng sử dụng, do thế rất cần hoàn thiện, nâng cấp các hệ thống thanh toán trung gian theo công nghệ số, dự báo được các tiểm ẩn rủi ro để phòng tránh và xử lý cho tốt.

Để giảm bớt những giao dịch dùng tiền mặt, Ngân hàng nhà nước trong báo cáo gửi tới Quốc hội đã cho biết: Việc quản lý thanh toán bằng tiền mặt, Nghị định 222/2013/NĐ-CP ngày 31/12/2013 của Chính phủ đã quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt đối với các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tổ chức sử dụng vốn nhà nước, các giao dịch chứng khoán, giao dịch tài chính của doanh nghiệp và giải ngân vốn cho vay. Ngoài quy định này thì pháp luật hiện hành chưa có quy định bắt buộc một số giao dịch có giá trị lớn như mua bán bất động sản, tài sản giá trị cao, phải thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Để chấn chỉnh tình trạng này, Ngân hàng nhà nước đang nghiên cứu một số chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đối với các trường hợp trên. Ngân hàng nhà nước cũng đặc biệt chú trọng chỉ đạo điều hành công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán nói riêng và hoạt động ngân hàng nói chung thông qua nhiều biện pháp nhất là về phương diện pháp lý. Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ, mã hóa thông tin thẻ, triển khai các mô hình thanh toán phù hợp tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia tài chính toàn diện tại Việt Nam./.

                                                                                                               Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra