Lý do ngành y tế đưa ra là để cân bằng thu chi, nhất là khi muốn khám chữa bệnh tốt thì phải nâng lương cho các bác sĩ, y sĩ, y tá, nhân viên cơ sở KCB, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cũng như mua sắm trang thiết bị y tế văn minh hiện đại. Lý do chính của ngành y tế là phải nâng cao chất lượng BV, hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. 05 năm qua, bộ tiêu chí chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành đã góp phần thay đổi tư duy tại nhiều cơ sở y tế, giảm tải cho các BV tuyến Trung ương. Cơ sở để tăng viện phí là điều có thể hiểu được và dù muốn dù không thì người KCB vẫn phải chấp nhận. Có điều là dịch vụ y tế tăng giá sẽ tác động không nhỏ đến người bệnh, nhất là những người mắc những chứng bệnh phải chữa lâu dài, đặc biệt là người chưa mua thẻ bảo hiểm y tế. Ngay cả với các đối tượng khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và ngành bảo hiểm xã hội thì việc tăng giá nhiều dịch vụ KCB cũng không phải là không ảnh hưởng đến họ.
Theo ngành Y tế, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân đã được nâng cao, dù giá bảo hiểm y tế thấp, nhưng người dân đến khám chữa bệnh vẫn được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng, kể cả dịch vụ kỹ thuật can thiệp tim mạch, ghép tạng. Nhưng theo ngành Bảo hiểm xã hội, nếu tăng viện phí thì sẽ càng bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Vấn đề đặt ra là chính quyền, ngành Y tế và ngành Bảo hiểm xã hội phải cùng tìm ra cách giải quyết mâu thuẫn giữa tăng dịch vụ y tế và tránh bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Ngành Y tế vẫn dẫn giải lộ trình: Việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và giá dịch vụ y tế đã được tiến hành từ năm 2016, đến năm 2018 tính thêm chi phí quản lý, đến năm 2020 sẽ tính thêm chi phí khấu hao tài sản cố định. Còn theo các cơ sở KCB, khó nhất là xác định giá chi phí BV như thế nào, nhất là phải điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo thị trường.
Nhiều chuyên gia y tế, giám đốc BV công lập nêu ý kiến: Vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập là rất cần thiết, mà cốt lõi là đổi mới về cơ chế chính sách viện phí theo hướng coi hoạt động KCB là một loại dịch vụ, nên phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí thực hiện dịch vụ, có như vậy mới tạo điều kiện cho các cơ sở y tế cung ứng các dịch vụ có chất lượng cho người dân. Đồng thời phải rành mạch giữa hỗ trợ của nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng.
Cũng theo nhiều giám đốc BV, một khi chúng ta chưa tính đúng tính đủ chi phí dịch vụ y tế thì chất lượng dịch vụ KCB vẫn sẽ phổ biến là ở mức thấp. Đối với việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh phải tùy theo từng chuyên ngành, từng nhóm loại dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ, phù hợp với thị trường và khả năng chi trả theo các nhóm đối tượng KCB, giữa hình thức phổ thông, hay KCB theo yêu cầu. Cũng phải chú ý đến y tế địa phương, cơ sở KCB tuyến huyện ít người khám chữa nên nguồn thu không đảm bảo cân đối với chi phí.
Ảnh minh họa (Minh Nguyệt)
Về mối quan hệ giữa bảo hiểm y tế và tăng giá dịch vụ y tế, có ý kiến cho rằng, giá dịch vụ tăng đã gián tiếp thúc đẩy tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, nhất là bảo hiểm y tế hộ gia đình, giúp quỹ bảo hiểm y tế tăng thu. Tuy nhiên, có một con số thống kê đáng để quan tâm, suy nghĩ, ấy là việc thông tuyến KCB đã khiến số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gia tăng chóng mặt, có thành phố tăng đến 20% năm với người sở tại, 73% năm với người các tỉnh đổ về.
Theo Bộ y tế, năm 2015 cả nước có 130 triệu lượt khám có thẻ bảo hiểm y tế, 2016 tăng lên, 147 triệu lượt và năm 2017 là 150 triệu lượt. Nhiều chuyên gia đề xuất ý kiến rằng thời gian tới để bảo đảm cân đối nguồn quỹ bảo hiểm y tế cùng với việc nâng mức đóng cho phù hợp với mức độ tăng giá dịch vụ y tế và tốc độ tăng lượt KCB của người dân thì cần tăng cường các biện pháp kiểm soát việc sử dụng hiệu quả chi phí KCB. Có như thế mới tránh được tình trạng là quỹ bảo hiểm y tế mất cân đối suốt từ năm 2016 đến nay.
Mặt khác, về lâu dài cần quan tâm thỏa đáng hơn công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nên lắng nghe ý kiến người dân là chấp nhận việc tăng giá dịch vụ y tế nhưng họ yêu cầu là phải nâng cao chất lượng thực sự của các dịch vụ KCB, kể cả giường BV nhà vệ sinh BV, giảm việc nằm chung giường, phải công khai minh bạch thu chi dịch vụ y tế, vận động các tổ chức xã hội và y tế và người dân cùng tham gia cải tiến quy trình BV và khám chữa bệnh để các BV có dịch vụ KCB tốt nhất. Bởi vậy, ngành Y tế phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với chế độ giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện, trạm y tế cơ sở.
Việc thể hiện cam kết mạnh mẽ trong cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là một mục tiêu cốt lõi của cải cách ngành y tế. Hệ thống quản lý chất lượng BV tốt hơn sẽ giúp giảm những sai sót, thiếu sót trong cung ứng dịch vụ y tế và mới cân đối được với sự hài lòng của người KCB nói chung, kế cả người đã có và chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Với một số bệnh viện công lập, cần phải khắc phục tình trạng hiện tại là quản lý BV chưa thật hiệu quả, chưa thực sự tự chủ, vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại ngân sách nhà nước, chưa khuyến khích tăng mức độ tự bảo đảm nguồn kinh phí, hiệu quả sử dụng tài sản công chưa cao, việc dành nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chưa được chú trọng.
Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, xã hội, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về tự chủ tài chính, trong đó có tự chủ tại các BV công lập để có thể tránh những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường khi thực hiện tự chủ tài chính trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, cân đối thu theo giá dịch vụ y tế tăng thêm, với chi phí đúng, đủ, chất lượng hiệu quả cho sự tiến hành các dịch vụ y tế. Ngành y tế cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ gắn với chế độ giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế từ tuyến Trung ương, tuyến tỉnh đến tuyến huyện, trạm y tế cơ sở. Sự mất an ninh trật tự tại nhiều BV đang gây lo lắng cho cả BV lẫn nhân dân phải được khắc phục qua sự phối hợp giữa ngành Y tế với các cơ quan an ninh trật tự./.
Trung Vũ