Vui Xuân, chớ quên chống tham nhũng!

Thứ sáu, 03/01/2020 09:26
(ThanhtraVietNam) - Nhiều năm gần đây, người dân trên cả nước luôn đón Xuân vui Tết trong không khí hồ hởi, náo nức trước sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước và đời sống xã hội yên bình, ổn định, thu nhập, mức sống của nhà nhà, người người được nâng cao với GDP luôn ở mức trên 6%, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng mỗi năm thường chỉ dưới 5%, sự lạm phát luôn trong tầm kiểm soát. Hàng hóa nhiều, đời sống cải thiện, thương mại điện tử phát triển, thuận lợi mọi mặt cho người tiêu dùng. Hòa vào không khí vui Xuân đón Tết, trong tâm tưởng của người dân là niềm tin vào sự phát triển bền vững, ổn định của kinh tế, xã hội; những tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ tham nhũng cương quyết đẩy lùi. Và đây chính là một chủ trương sáng suốt, chính sách kiên định, thường xuyên, biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang thực hiện.

Chống tham nhũng không có “vùng cấm”

Chủ trì phiên họp của Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ngày 18/11/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu khẩn trương đưa xét xử sơ thẩm 5 vụ án nghiêm trọng, phức tạp, gồm: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”, liên quan đến Dự án 15 Thi Sách, thành phố Hồ Chí Minh; vụ án “Vi phạm về quản lý đất đai, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng  tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Đà Nẵng; vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Tổng công ty viễn thông Mobiphone, Bộ Thông tin - Truyền thông và các đơn vị có liên quan (vụ án này đã được đưa ra xét xử trong những ngày nửa cuối tháng 12 năm 2019 với hai nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn  cùng phải hầu tòa); vụ án “Giả mạo giấy tờ trong công tác, sản xuất, buôn bán hàng giả” xảy ra tại công ty Lũng Lô và một số công ty, tổ chức liên quan; vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Thông tin - Truyền thông.

Từ thực tiễn chỉ đạo của Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng liên đới trách nhiệm đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, cá nhân cán bộ chức quyền tham nhũng, đồng thời nâng cao được ý thức thực hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng ta, nhà nước ta đối với công tác phòng chống tham nhũng, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức cá nhân có liên quan đến các vụ án khác ngoài năm vụ án đã kể ở trên, gồm: Vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng, gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí, xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục quản lý dược, Bộ Y tế; vụ án vi phạm quy định về quản lý đất đai, xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát Sabeco, quận Một, thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến dự án tại khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng; vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí PVB; dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ. Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng cũng đã bổ sung 2 vụ án vào diện Ban theo dõi chỉ đạo, gồm: Vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, gây hậu quả nghiêm trọng, rửa tiền, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn giải pháp về dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty trách nhiệm hữu hạn giải pháp phần mềm Nhật Cường và các đơn vị có liên quan; vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

leftcenterrightdel
 

Điểm lại án tham nhũng từ tháng 01 năm 2019 đến nay, các cơ quan tố tụng, chức năng đã xử lý dứt điểm 13 vụ án, 24 vụ việc, khởi tố mới 10 vụ án, phục hồi điều tra 07 vụ án, kết thúc điều tra 21 vụ án/127 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 18 vụ án/98 bị can, xét xử sơ thẩm 12 vụ án/41 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/156 bị cáo. Kết quả đã xử lý, ngăn chặn giao dịch tài sản bất minh, giá trị phong tỏa trên 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả này phản ánh một thực tế cần khắc phục là việc thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn chật vật.

Phòng tham ô lớn, ngăn nhũng nhiễu vặt

Tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, con số 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, với các mức độ khác nhau, vì có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, chưa phải là con số cuối cùng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta phải tiếp tục làm, tiếp tục không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực. Mặc dù có nhiều cố gắng được dư luận trong nước và quốc tế hoan nghênh, nhưng với công tác phòng chống tham nhũng, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, vì đây là cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, phức tạp. Để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hai vấn đề quan trọng cần tập trung đó là văn kiện và nhân sự. Về nhân sự, vừa qua, Bộ Chính trị đã có một số quy định nhằm hạn chế tiêu cực, phát huy đoàn kết thống nhất, cố gắng chọn người thật xứng đáng, qua đây không chỉ chuẩn bị nhân sự cho trung ương, mà còn cho tất cả các ngành, các cấp. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ vi phạm, thoái hóa biến chất. Bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin, tình thương yêu quý trọng của nhân dân.

Thực hiện sự chỉ đạo trên, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã vận dụng vào từng vụ việc cụ thể. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là phải kiểm soát chặt từng mét vuông đất. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt văn bản về việc thoái vốn để kiểm soát cho chặt chống dẫn đến tham nhũng. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 để kiểm tra, thẩm định kỹ càng, đạt chuẩn mực cao cũng là cách thức tốt để hỗ trợ cho công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi sự thuận lợi dễ dàng cho người dân khi có việc liên quan đến giấy tờ hành chính, cũng là cách đễ dân tránh được sự nhũng nhiễu, chống tham ô vặt. Nhận tiền hối lộ luôn là một trong những hình thức tham nhũng của “quan tham” nên việc nhà nước đang thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một hình thức góp vào việc hạn chế hối lộ, vòi vĩnh vặt. Sau khi ấn nút khai trương cổng dịch vụ công quốc gia vào chiều 09/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, Chính phủ quyết chống cho bằng  được sự cửa quyền, hách dịch, tham nhũng vặt, để bộ máy công quyền từ trên xuống dưới đều hết sức hết lòng phục vụ nhân dân.

Muốn chống tham nhũng đạt kết quả cao, theo nhiều chuyên gia kinh tế - pháp luật, cần có sự minh bạch, kiểm soát kỹ các lĩnh vực kinh tế công có nhiều sự hệ trọng, song cũng không ít kẽ hở, chỗ lơi lỏng dễ bị bọn tham nhũng lợi dụng. Chẳng hạn, với đầu tư công, cần thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công sửa đổi, mới được Quốc hội thông qua. Luật mới này có điểm đáng lưu ý là đã quy định hai loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật. Đây là một thay đổi so với Luật Đầu tư cũ nhằm đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước, dẫn tới thay đổi các quy định, trình tự thủ tục về dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, xây dựng đươc quy trình riêng cho các dự án nhằm sử dụng được vốn hợp pháp, dễ dàng hợn trong việc kiểm tra, theo dõi nguồn vốn và sử dụng nguồn, phòng ngừa gian lận, chống tham nhũng. Đây cũng là cách để nâng cao tính công khai minh bạch trong đầu tư công. Luật Đầu tư công sửa đổi cũng bổ sung quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, trên cơ sở đó tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công gắn với quá trình xây dựng chính phủ điện tử và tiến tới chính phủ số, mà góp phần tích cực vào việc chống thất thoát lãng phí.

Thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên cơ sở pháp luật với ý thức cao và quyết tâm lớn, chắc chắn hiệu quả mỗi năm sẽ ngày một tăng là điều mà người dân luôn gửi gắm, tin tưởng trong mùa Xuân mới 2020./.

                                                                                                                    Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra