<p>Để đáp ứng yêu cầu gia tăng của nhân dân về khám chữa bệnh, ngành Y tế đã cố gắng rất nhiều về tăng y bác sỹ, mở rộng, xây thêm bệnh viện, mua sắm nhiều trang thiết bị. Song do ngân sách nhà nước cấp cho y tế còn phải cân đối trong phân bổ chung với các chi phí, đầu tư cho các ngành, việc khác, nên chưa thể nhiều, khả năng của bản thân ngành Y tế cũng còn những yếu kém, giới hạn nhất định, không thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu cao thêm của nhân dân về khám chữa bệnh nếu chỉ trông vào các cơ sở y tế của nhà nước. Vì vậy rất cần đến sự tham gia thêm của các tổ chức ,cá nhân trong xã hội qua các hình thức lập bệnh viện tư, phòng khám bác sĩ riêng và bằng cả việc các bệnh viện công liên doanh, liên kết với tư nhân mua sắm trang thiết bị y tế, thực hiện một số dịch vụ khám chữa bệnh. Thực tế đã cho thấy, xã hội hoá y tế là rất cần và đã có những đóng góp đáng ghi nhận.</p><p> </p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_11/xa_hoi_hhoas_y_te.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Báo Pháp luật TPHCM</div><div>Tổng hợp báo cáo xã hội hoá y tế tại các bệnh viện công của 31 sở y tế cấp tỉnh, thành phố và 16 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế cho biết: đã có 883 đề án liên doanh, liên kết với tổng số vốn 2.798,8 tỷ đồng, chủ yếu là về thiết bị y tế chẩn đoán điều trị kỹ thuật cao, có giá trị kinh tế lớn. Chẳng hạn tại bệnh viện Bạch Mai 90% dịch vụ khoa sinh hoá, 70% dịch vụ khoa chẩn đoán hình ảnh, 90% dịch vụ khoa y học hạt nhân, 50% dịch vụ khoa thận nhân tạo, 100% dịch vụ khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu là sử dụng thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hoá. Nhìn chung xã hội hoá y tế đã đáp ứng nhu cầu chẩn đoán, điều trị theo kỹ thuật cao, chất lượng, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật để chữa đúng bệnh và mau khỏi, giảm tỷ lệ tử vong. Nếu trong điều kiện ngân sách hạn hẹp mà không xã hội hoá y tế qua các hình thức cho mở bệnh viện tư, hoặc để tư nhân góp vốn liên doanh liên kết lắp đặt trang thiết bị kỹ thuật y tế hiện đại, sẽ khó đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân. Tuy nhiên bên cạnh những đóng góp tích cực, thì xã hội hoá y tế cũng vẫn còn bộc lộ nhiều điều bất ổn, bất cập. Do bố trí lẫn lộn khu dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, vốn dĩ là sang trọng, trang thiết bị y tế cũng như chất lượng khám chữa cao hơn, tất nhiên tiền viện phí cũng cao hơn, với các phòng khám chữa chung, bình thường, ngay trong cùng một bệnh viện công, nên đã tạo ra hình ảnh tương phản, gây tâm lý tự ti, bức xúc cho bệnh nhân nghèo. Một số bệnh viện đã xảy ra tình trạng y, bác sỹ lạm dụng tài sản công, danh tính bệnh viện công, thời gian làm việc công để làm dịch vụ tư, thu bộn tiền riêng ngoài lương.<br></div><div><br></div><div>Đáng tiếc là nhiều vụ việc tiêu cực trong liên doanh liên kết trang thiết bị, đấu thầu thuốc,…lại ít bị phát hiện và xử lý nghiêm vì thiếu thanh tra, kiểm tra. Đó là chưa nói có một số trường hợp danh nghĩa là trang bị công cụ khám chữa bệnh kỹ thuật cao, thu viện phí cao, nhưng thực tế lại là những dụng cụ, thiết bị lạc hậu, hoặc đã qua sử dụng nhiều năm, cơ sở vật chất để thực hiện việc xã hội hoá y tế hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo quy định của pháp luật. Chính Bộ Y tế cũng đã nhận xét: một số bệnh viện chỉ quan tâm đến khoa phòng khám chữa bệnh, lĩnh vực dịch vụ có thu tiền cao, hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phục vụ khu khám chữa theo yêu cầu, đầu tư trang thiết bị cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh. Thiếu sự phối hợp, công nhận kết quả của nhau giữa các bệnh viện, lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật từ các trang thiết bị xã hội hoá. </div><div><br></div><div>Từ những thực tế như kể trên, nhiều chuyên gia y tế và cán bộ quản lý kinh tế đã nêu ý kiến: phải tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá y tế, đồng thời khắc phục, chỉnh sửa những điều bất cập, yếu kém, xử lý nghiêm các việc và đơn vị, cá nhân sai phạm, tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ xã hội hoá, kiểm soát chặt chẽ tài sản công, thời gian làm việc công. Cũng nên cho các bệnh viện công vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư nâng cấp dịch vụ y tế, thu phí dịch vụ hợp lý, thành lập các hội đồng quản lý tại các bệnh viện thực hiện nhiều dịch vụ xã hội hoá. Nghiên cứu việc thay đổi cơ chế, chuyển từ viện phí sang cơ chế giá gắn với chất lượng dịch vụ y tế, thu đảm bảo cho chi và phù hợp với chất lượng, hiệu quả chẩn đoán, điều trị, phân định rõ phạm vi nội dung, mức độ liên doanh liên kết. Đẩy mạnh xã hội hoá y tế không chỉ là trong các dịch vụ tại các bệnh viện công, mà là phát triển nhiều các bệnh viện, phòng khám tư nhân, cổ phần hoá một số bệnh viện công hoạt động kém chỉ quen dựa vào ngân sách nhà nước. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư và cấp ngân sách cho các bệnh viện chủ lực tuyến trung ương, tuyến tỉnh, còn các bệnh viện khác nên xã hội hoá, không bao cấp nữa, hãy để các bệnh viện này chủ động và hoạt động bình đẳng với các bệnh viện tư.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>