Những con số giật mình…
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG), trong tháng 4, cả nước đã xảy ra 1.423 vụ TNGT, bao gồm 771 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 652 vụ va chạm giao thông, làm 665 người chết, 406 người bị thương và 632 người bị thương nhẹ.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 5.453 vụ TNGT, bao gồm 2.919 vụ TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên và 2.534 vụ va chạm giao thông, làm 2.570 người chết, 1.615 người bị thương và 2.564 người bị thương nhẹ.
Mặc dù số vụ TNGT có xu hướng giảm cả 3 tiêu chí, song, số vụ TNGT trung bình hiện nay vẫn đang ở mức cao. Theo thống kê năm gần nhất 2018 có trên 8000 tử vong vì TNGT. Số liệu này nếu như so sánh với tai nạn hàng không thì tương đương với nhiều lần những chiếc máy bay hành khách cỡ lớn gặp nạn thảm khốc. Như vậy, nếu tính trung bình trong 01 ngày có khoảng 22 người đang khỏe mạnh, sống bình thường phải ra đi mãi mãi vì TNGT. Số liệu này thực sự làm giật mình với bất cứ ai. Đáng nói hơn, những hậu quả thảm khốc đó lại hoàn toàn có thể hạn chế và phòng tránh được từ chính ý thức của người tham gia giao thông.
Sáng 12/5, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm), hơn 8.000 người tham dự sự kiện đi bộ kêu gọi hành động "Đã uống rượu, bia - không lái xe". Dòng người do Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đã tuần hành quanh hồ Gươm (ảnh: Gia Chính)
… đến những hệ lụy khôn lường
Điểm lại một vài vụ TNGT trên địa bàn Thủ đô Hà Nội trong những tháng đầu năm 2019 khiến nhiều người không khỏi giật mình vì sau cái chết của người tham gia giao thông là những hệ lụy khôn lường cho gia đình và xã hội.
Vào khoảng 23h30 ngày 22/4, trên trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra tai nạn liên hoàn giữa một chiếc xe con với nhiều phương tiện khác. Chiếc xe con mang biển kiểm soát Hà Nội chạy trên đường Láng hướng từ Ngã Tư sở về Cầu Giấy thì bất ngờ đâm vào một xe chở rác cùng một công nhân dọn vệ sinh. Chưa dừng lại ở đó chiếc xe này tiếp tục lao nhanh và đâm vào một xe con khác rồi bỏ chạy. Sau đó, tiếp tục lao vào một chiếc xe máy do một người đàn ông điều khiển trên đường Láng và chỉ dừng lại khi bị người dân chặn lại trên đường Giảng Võ. Vụ tai nạn làm 01 người chết tại chỗ là chị H. - nữ công nhân vệ sinh và 03 người bị thương.
Nữ công nhân ra đi trong hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, để lại đứa con trai đầu đang tuổi lớn và một tương lai dài phía trước không có người mẹ.
Cũng phải gánh chịu hậu quả tương tự, gia đình một trong 2 nữ nạn nhân chứng kiến cảnh ra đi mãi mãi để lại đứa con thơ mắc chứng tự kỷ khi chiếc Mescedes do người điều khiển uống rượu bia trước đó đâm trúng tại Hầm Kim Liên (Hà Nội).
Mất đi 1 chân, chị N, Thanh Liêm, Hà Nam cũng mất đi cả một tương lai phía trước vì TNGT. (ảnh: PV)
TNGT không chỉ cướp đi sinh mạng của nhiều trụ cột trong gia đình mà còn lấy đi cả tương lai phía trước của những người trẻ. Câu chuyện chị N sinh năm 1985, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam là một ví dụ. Cách đây gần chục năm, chị bị xe bồn cán gãy chân và phải cưa bỏ hoàn toàn 01 cẳng chân. Vụ TNGT thực sự là một cú sốc đối với chị vì sau đó cuộc sống của chị hoàn toàn bị đảo lộn. Từ một cô gái khỏe mạnh, xinh xắn, hòa đồng, là lao động chính của gia đình… chị không còn khả năng lao động, mất đi tương lai, thậm chí trở thành gánh nặng cho gia đình...
Những trường hợp nêu trên trong hàng chục nghìn người bị chết, bị thương vì TNGT mỗi năm là những hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến một người, một gia đình mà ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhịp sống của con người trở nên hối hả và bận rộn hơn; một bộ phận không nhỏ của xã hội cũng bàng quan với những vấn đề xảy ra xung quanh mình, trong đó có TNGT. Chỉ đến khi, vụ TNGT đó rơi vào chính bản thân họ, gia đình hoặc người thân của họ thì họ mới bớt chủ quan, bớt “vô cảm” nhưng lúc đó đã quá muộn. Chính vì vậy, khi tham gia giao thông mỗi người cần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông. Bởi chúng ta không chỉ sống cho bản thân mình mà còn sống vì gia đình, người thân và toàn xã hội.
Hiện nay, một số địa phương đã đưa ra các mô hình hay nhằm kiềm chế TNGT như: Bắc Ninh với mô hình “Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc bảo đảm ATGT”; thành phố Đà Nẵng với mô hình “Phân tách làn ôtô – xe máy trên một số tuyến phố”; chiến dịch khuyến khích đội MBH đạt chuẩn; Hà Nội với mô hình “Tổ công tác đặc biệt 141”; TP Hồ Chí Minh với mô hình ký cam kết thực hiện giữa thành phố - quận (huyện) – xã (phường) – nhân dân; An Giang với mô hình “Công chức, viên chức nói không với rượu bia vào buổi trưa”. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã góp phần giảm ùn tắc giao thông như: hoàn thành các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm; lắp đặt cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường trên các tuyến phố chính...
Minh Nguyệt