Đâu là bản sắc?

Thứ hai, 02/12/2013 14:22
Vừa rồi, một người bạn ở Paris lâu năm trở lại Hà Nội. May mắn thay cô lại về đúng dịp Hà Nội tưng bừng kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam lần thứ 9.

 

Tái hiện lễ hội đua bò Bảy Núi (An Giang) tại Hà Nội

 

 

Cất công đưa cô tới xem lễ hội đua ghe Ngo, đua bò Bảy Núi, chợ nổi Nam Bộ, chợ vùng cao Tây Bắc, người Mông dệt thổ cẩm, người Thái nấu cơm lam,… rồi thăm thú hàng loạt những di sản vật thể như quần thể chùa Khmer, tháp Chàm… tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Tưởng như đây là cơ may, bởi một người trở lại quê hương ít ngày mà lại có cơ hội được thấy lại cả kho di sản của Việt Nam trong thời gian rất ngắn thì còn gì bằng. Ngay cả người dân Hà Nội cũng háo hức, mong đợi và rủ nhau đi xem.

 

Nhưng sau những ngày sống trong không khí lễ hội, điều ngạc nhiên là cô bạn bỗng trầm tư hẳn. Vốn là một nhà nghiên cứu văn hóa nên cô cho rằng, việc mang những di sản của nơi khác tới vùng đất xa lạ với nó là một cách làm vô cùng phản tác dụng. Mà lúc đầu, công chúng nghĩ đó là những thứ hấp dẫn, nhưng dần dần họ mới có thể nhận ra. Di sản phải được sống và nó chỉ thực sự có giá trị ở chính nơi "chôn nhau cắt rốn” của nó. Chia sẻ với người bạn, không ít nhà nghiên cứu trong nước cũng không đồng tình với cách làm này. Như việc sân khấu hóa Chầu văn, hát Xoan hay Quan họ… cũng gây phản cảm, bức xúc với những người nặng lòng với di sản. Và khiến những thứ di sản ấy trở nên xa lạ ngay với vùng đất ấy. Và người ta cũng gọi đó là quá trình "Di sản hóa”. Theo PGS.TS Lương Hồng Quang (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam), "Di sản hóa” là một xu hướng thịnh hành ở Việt Nam gần đây. Lý thuyết này được một học giả người Anh đặt ra trong những năm 1970, chỉ ra việc Nhà nước can thiệp rất nặng vào di sản của cộng đồng. Xu hướng này dẫn đến nhiều hệ quả: một mặt là sự khát khao danh hiệu, chạy theo và kiếm tìm sự tôn vinh danh hiệu; mặt khác, di sản cũng đang được sử dụng như một thế mạnh và tiềm năng để phát triển du lịch.

 

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là quá trình "di sản hóa” đang diễn ra quá đà, bởi những thứ trình diễn di sản này đang tràn lan khắp nơi khiến lằn ranh giữa bảo tồn hay phá hủy là vô cùng mong manh.

 

Theo Phương Đông

Đại Đoàn kết

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra