Đề cương về Văn hóa Việt Nam "soi đường cho quốc dân đi"

Thứ năm, 04/05/2023 09:10
(ThanhtraVietNam) - Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, đất nước ta đã xây dựng được nền văn hóa phong phú, đa dạng, tuy có lúc thăng trầm do bị xâm lược, loạn lạc, song văn hóa Việt Nam thời kỳ nào cũng luôn là sức mạnh nội sinh giúp dân tộc tự cường. Văn hóa Việt Nam đặc biệt được phục hưng, tỏa sáng như ngọn hải đăng “soi đường cho quốc dân đi” từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Đề cương về Văn hóa Việt Nam vào năm 1943.

Nước ta có nền văn hóa lâu đời, trải dài từ Văn hóa: Hòa Bình, Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Đại Việt, Đại Nam và Văn hóa hiện đại. Các nền văn hóa này để lại cho hậu thế vô vàn di sản mang giá trị vật chất và tinh thần quý giá. Văn hóa của đất nước, con người Việt Nam từ xa xưa đã được người nước ngoài ghi nhận, tôn trọng. Sách "Cương mục" thời Tống bên Trung Quốc chép người nước Việt ôn hòa, áo mũ nhã nhặn (1). Còn sử nhà Minh chép: “Hai châu Hoan, Diễn nhiều người văn học, hai châu Giao, Ái nhiều kẻ sĩ lỗi lạc, khác hẳn so với các nơi khác." (2). Đến thời nhà Thanh, Khâm sứ Lao Sùng Quang nhận xét: "Gần gũi Trung Hạ, tôn sùng Nho giáo, yêu chuộng thi thư, cùng được coi là đất thanh danh văn vật, ắt phải nói đến hai nước Triều Tiên và Việt Nam..."  (3).

Thời hiện đại, cách đây 50 năm, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Tiến sĩ Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia (sau này là Bộ trưởng Ngoại giao) Hoa Kỳ, trong cuộc hội đàm giữa diễn ra vào ngày 09/7/1971 tại Bắc Kinh, Trung Quốc đều bày tỏ khâm phục Việt Nam là dân tộc anh hùng, dân tộc vĩ đại” (4).

leftcenterrightdel
 Tài liệu cuộc hội đàm ghi lại lời Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Tiến sĩ Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ năm 1971 ca ngợi Việt Nam. Ảnh sưu tầm

Các giá trị tinh thần, vật chất, sự vĩ đại của văn hóa Việt Nam được các thế hệ người Việt gây dựng, sáng tạo liên tục trong hàng ngàn năm lịch sử.

Có nền văn hóa phát triển rực rỡ như vậy, nhưng tiếc rằng, Việt Nam nhiều lần bị ngoại bang xâm lược, đô hộ, bóc lột tàn tệ, nền văn hóa bị tàn phá, triệt hạ dưới âm mưu đồng hóa, nô dịch… Và trong những hoàn cảnh đen tối ấy, thật đáng lên án, một số trí thức, học giả người Việt cam tâm “bán nước cầu vinh”, tiếp tay cho giặc xuyên tạc, hạ thấp giá trị văn hóa Việt, thời xưa điển hình có Lê Tắc, quan nhà Trần đầu hàng quân Nguyên, sau sống lưu vong bên Trung Quốc, soạn sách “An Nam chí lược” theo quan điểm ngoại bang, ca ngợi giặc xâm lược, nhìn Việt Nam là một vùng phiên thuộc, đánh tráo khái niệm bằng cách gọi các cuộc xâm lược của Trung Quốc là chinh phạt, coi những anh hùng nước ta chống đô hộ phương Bắc là là “bạn nghịch”, “tiếm thiết”…

Thời hiện đại, sách "Quốc văn giáo khoa thư" lớp dự bị của do nhóm Trần Trọng Kim soạn năm 1948 (học giả Trần Trọng Kim từng làm  Thủ tướng của chính phủ bù nhìn tay sai cho Nhật vào năm 1945), còn quên hết văn hóa cha ông gây dựng từ thời Đông Sơn và các giai đoạn trước đó, bày tỏ quan điểm cảm ơn quân xâm lược trong bài 21 “Nhờ có cuộc nội thuộc nước Tàu mà người Việt Nam được những gì” của sách giáo khoa trên có đoạn như sau:

 “Trong thời nội thuộc, người Tàu dạy ta dùng cày và trâu bò để làm ruộng; mở trường học chữ nho và đạo thánh hiền; họ lại đem lễ nghi, phong tục nước Tàu mà truyền thụ cho ta như lễ cưới xin, ma chay, cách thù ứng, cách ăn mặc, thờ tổ tiên, thờ thánh hiền, đạo Khổng, đạo Phật; nhất là họ làm cho nước ta thành ra một nước có chế độ vững bền: trong nhà thì thuộc quyền người cha, ngoài xã hội thì biết giữ trật tự và kỷ luật.” (5) (sic).

Đây thực chất là quan điểm của thực dân nô dịch văn hóa. Khi chưa rơi vào ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta đã có nền văn minh rực rỡ, cha ông đã lập nhiều chiến công oanh liệt đánh bại giặc Ân, giặc Tần xâm lược, thậm chí trước Công nguyên, khi Phật giáo chưa du nhập vào đất Giang Đông - Trung Quốc, ở cõi Giao Châu đã xây dựng được hơn 20 ngọn Bảo tháp, độ được hơn 500 tăng sĩ, dịch được 15 bộ kinh (theo sách Thiền uyển tập anh có dẫn truyện Đàm Thiên Pháp Sư trả lời vua Cao Tổ nhà Tuỳ), chứng tỏ văn hóa bản địa nước ta thời đó đã phát triển.

leftcenterrightdel
Trang thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố toàn văn biên bản cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Tiến sĩ Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ năm 1971. Ảnh sưu tầm 

Năm 938 Đức Ngô Vương Quyền đại phá quân Nam Hán, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc, phát huy mạch chảy từ các nền văn hóa cổ (tiêu biểu là Văn hóa Đông Sơn), nước ta xây dựng nền văn hóa Đại Việt, Đại Nam kế tiếp, phát triển có lúc rực rỡ, có lúc trầm lắng do chiến tranh, do thiên tai địch họa, đặc biệt cuối thế kỷ XIX khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, chúng ra sức đàn áp các cuộc khởi nghĩa đòi độc lập, cướp bóc, vơ vét tài nguyên, thực hiện chính sách chia để trị, “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, chúng dùng thuốc phiện và rượu cồn đầu độc dân ta mục tiêu làm suy yếu giống nòi, ép thanh niên Việt Nam đi lính, làm bia đỡ đạn bảo vệ “mẫu quốc” trong các cuộc chiến của Pháp với các nước thù địch khác… Về văn hóa, giáo dục, chúng thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề cai trị và âm mưu đồng hóa văn hóa…

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước. Ngay từ năm 1943, khi đất nước chưa giành được độc lập, Đảng đã ban hành “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đánh giá đúng vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của dân tộc, nêu lên ba nguyên tắc vận động xây dựng nền văn hóa Việt Nam, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, trong diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Số phận dân ta là ở trong tay dân ta. Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” (6).

Đến Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) đã đưa ra quan điểm xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” (7).

Còn Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, với nhiệm vụ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam” (8).

Như vậy Đảng luôn quan tâm phát huy, xây dựng nền văn hóa đất nước một cách bài bản, mang lại nhiều thành tựu to lớn. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn có một số nhân vật có tư tưởng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, bị thông tin xấu đầu độc, bắt tay với các thế lực thù địch xuyên tạc văn hóa Việt Nam, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, ngày đêm xuyên tạc “Cộng sản vô thần, vô tổ quốc, vô gia đình" (tam vô), hay “đánh Pháp, Mỹ là đuổi đi những nền văn minh” (sic), ảnh hưởng đến an ninh văn hóa, tư tưởng. Do vậy, bên cạnh việc phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, chúng ta cần đẩy mạnh phê phán các biểu hiện lệch lạc về văn hóa, tuyền truyền sâu rộng làm thấm đến tư tưởng từng người dân, tiến tới làm thay đổi cả nhận thức của những người từng lầm đường, lạc lối. Việc này khó, nhưng kiên trì, bài bản chúng ta vẫn có thể làm được, kể cả đối với những người “chống Cộng số 1” như trường hợp luật sư người Mỹ gốc Việt là Tiến sĩ Hoàng Duy Hùng, ông Hùng đã có 30 năm chống Cộng quyết liệt, cực đoan, từng bị bắt biệt giam 15 tháng tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng sau này khi được cảm hóa, tiếp cận được thông tin chân thật, ông có gửi bài “Hành trình từ chống phá đến ủng hộ Ðảng Cộng sản” đăng trên Báo Nhân dân điện tử ngày 05-02-2021 khẳng định: “Giờ tôi không suy nghĩ như vậy nữa, tôi đã hiểu và nhận ra không có "tam vô" nào cả, mà Ðảng Cộng sản Việt Nam rất tôn trọng tự do tôn giáo, coi gia đình là nền tảng xã hội, coi an nguy của Tổ quốc là quan trọng hàng đầu. Nhưng để có suy nghĩ như vậy, tôi đã trải qua quá trình chống cộng hơn 30 năm, đến một ngày tôi nhận ra nếu thành tâm yêu nước, cần phải ủng hộ đất nước dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðó mới chính là lương tri của người Việt Nam lương thiện.” (9)

leftcenterrightdel
Đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp, phát triển. Ảnh: Nguyễn Dương  

Văn hóa, tư tưởng chính là “một mặt trận”, nếu chúng ta luôn kiểm soát, giành thắng lợi ở “mặt trận” này thì xã hội sẽ có một nền tảng tinh thần vững chắc, ổn định, đồng thời giúp quy tụ được toàn thể Nhân dân và kiều bào chung tay xây dựng cơ đồ Việt Nam. 80 năm qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, giúp cho văn hóa dân tộc ngày càng được bảo tồn, phát huy, tạo động lực thúc đẩy đất nước phát triển, cường thịnh./.

Tài liệu tham khảo:

 (1), (3) dẫn theo sách Ngàn năm áo mũ, Trần Quang Đức, NXB Thế giới, 2013.

(2) Châu Hải Đường trích dịch từ Minh sử, in trong sách An Nam truyện, NXB Hội Nhà văn, 2018.

(4) Biên bản đã được giải mật năm 2001 cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Tiến sĩ Kissinger - Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, diễn ra vào ngày 9-7-1971 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nguyên văn bằng Tiếng Anh, hiện được đăng trên trang web chính thức của Văn phòng Sử gia thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ https://history.state.gov/historicaldocuments/frus1969-76v17/d139. Biên bản trên được Cổng thông tin điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam trích dịch, đăng trong bài “Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã nói tốt về Việt Nam như thế nào?” trên trang VOV.VN ngày 25-9-2019, https://vov.gov.vn/thu-tuong-trung-quoc-chu-an-lai-da-noi-tot-ve-viet-nam-nhu-the-nao-dtnew-89216.

(5) Tài liệu tham khảo trên https://www.facebook.com/lichsuvn.net/photos/a.857199434297584/6189457947738346/?type=3.

(6), (7), (8) Dẫn theo bài "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi" trên Báo Quân đội Nhân dân điện tử ngày 27-11-2021, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/van-hoa-phai-soi-duong-cho-quoc-dan-di-678764.

(9) Đường dẫn (https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/hanh-trinh-tu-chong-pha-den-ung-ho-dang-cong-san-634487).

Nguyễn Dương - TT C.A TP Hải Phòng
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra