Đời đêm

Chủ nhật, 17/11/2013 08:40
Ðều đều, ngắt quãng, có lúc lại ngân nga rồi chùng xuống như câu hát nửa chừng đứt đoạn, những tiếng rao xiên chéo qua màn đêm Hà Nội, chia nhỏ không gian đặc quánh, se lạnh ngày đầu đông.

Sau thanh âm của mỗi tiếng rao không chỉ là một món hàng mà gồng gánh cả câu chuyện của một số kiếp, một phận đời nhọc nhằn mưu sinh trong đêm vắng. Giữa muôn trăm nghìn tía của cuộc đời, tiếng rao đêm như một nốt trầm, như một gam màu tối, day dứt, yếu ớt, cất lên rồi nhỏ dần, xa mãi vào hư không.

Cặm cụi bán hàng đêm. Ảnh: Khánh Duy

 

1. Thói quen thức muộn như là một cơ duyên đẩy đưa để tôi chú ý tới những tiếng rao đêm. Giữa u tịch của đêm, những tiếng rao chầm chậm, đều đều hay ngân nga, lảnh lót đều có chung mẫu số là nhỏ dần, yếu ớt rồi xa xôi, chìm khuất. Giữa chăn ấm, nệm êm, nghe những tiếng rao hàng đêm khắc khoải, chợt thấy nhoi nhói, buốt giá trong lòng. Chẳng ai muốn cặm cụi, lầm lũi giữa đêm như thế. Âu cũng là vì miếng cơm manh áo, vì cuộc sống mà phải lặn lội, mặc gió mưa, giá rét và cả những hiểm nguy, bất trắc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.  

2. Những đêm làm về muộn, gần như đêm nào tôi cũng gặp người đàn bà ấy gò lưng đạp chiếc xe ba bánh chở đầy sắn, ngô luộc và khoai nướng đi quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình. Tiếng rao “ai ngô luộc, sắn luộc, khoai nướng đây” của chị khàn đục, cất lên hào hển, ngắt quãng giữa tiếng thở gấp vì gắng sức đạp xe. Một đêm muộn như thế, chắc cũng chừng gần 12 giờ khuya, giữa cơn mưa rả rích vì rớt bão, ngay dưới chân cầu vượt Mễ Trì, chị đứng co ro bên xe hàng vẫn đầy vun, chắc chưa bán được mấy. Thấy tôi ghé xe vào, chị mừng rỡ “Cô ơi, cô mua gì?”. Ánh đèn vàng vọt từ ngọn đèn đường và ánh sáng yếu ớt từ cái bóng đèn chạy ắc quy nhỏ xíu treo lủng lẳng phía trên chõ đồ sắn cũng đủ để tôi nhìn rõ hơn gương mặt sạm đen, khắc khổ của chị. “Mưa quá nên không đi bán nữa hả chị?”, tôi hỏi thăm thay cho lời chào. Chị vừa đảo mấy miếng sắn phía trên nóc chõ cho nóng đều, vừa chậm rãi trả lời tôi: “Mưa thế này ăn thua gì cô, mưa to nữa tôi cũng bán hàng nhưng hôm nay người ươn ả quá cô ạ, tự nhiên cứ lạnh run nên đứng tạm vào đây một lúc, đỡ mệt lại đi thôi cô ạ. Dạo này bán ế ẩm quá...”. Câu chuyện của tôi và chị Ngọ - người đàn bà còng lưng đạp chiếc xe hàng nặng trĩu mỗi đêm chầm chậm trôi theo ký ức của chị. Chồng mất khi chị 32 tuổi, người đàn bà một nách 3 con nhỏ đùm theo một túi quần áo ba phần rách, một phần lành từ Yên Bái xuống Hà Nội tìm kế sinh nhai. Quăng quật làm thuê từ rửa bát, bốc vác ở chợ Long Biên rồi chăm sóc người ốm ở các bệnh viện, giờ là bán hàng ăn vặt đêm, ba đứa con chị Ngọ cũng lớn dần, tỷ lệ nghịch với những giọt mồ hôi và tấm lưng ngày càng còng gập của mẹ. Đứa con gái lớn giờ đã đi làm ở một xưởng may, đứa thứ hai giúp việc cho một quán phở, thằng con trai út đang học lớp 10. “Nhà có thằng út học cao nhất, tôi cũng cố để cháu hết được 12, may ra còn có tương lai, cô ạ, chứ đời tôi và hai chị nó...”. Tiếng thở dài sau câu nói nửa chừng của chị Ngọ nghe nặng trĩu nhưng rồi cũng tan loãng giữa đêm.

12 giờ đêm chị Ngọ vẫn ngồi chờ khách mua hàng. Ảnh: An Nhiên

3. Hai anh em Tâm và Tình, đứa anh 19 tuổi, đứa em mới 17 nhưng đã có “thâm niên” bán bánh bao và ngô luộc ở Hà Nội hơn 5 năm. Tâm kể, mới đầu, hai anh em bán quanh mấy trường đại học và cao đẳng ở khu vực Cổ Nhuế nhưng “Ban ngày, người bán đông như kiến, chen chúc, giành giật nhau từng khách một nên anh em cháu chuyển sang bán đêm. Vất vả một tý nhưng thoải mái hơn nhiều, cô ạ”. Tâm vừa chẻ mấy thanh tre nhỏ để nhóm bếp than luộc ngô, vừa chậm rãi kể cho tôi nghe lý do vì sao anh em cậu chọn bán hàng vào ban đêm. 19 tuổi nhưng Tâm gầy quắt, nhỏ như đứa trẻ 14 - 15, nói năng chậm rãi, già dặn, thỉnh thoảng cái trán lại nhíu lại, nặng trĩu những nỗi niềm. Quê ở tận Hà Tĩnh, bố là thương binh mãi đến hơn 40 tuổi mới lấy vợ và sinh liền một mạch 4 đứa con trứng gà trứng vịt. Gia cảnh vốn đã chẳng có gì ngoài mấy sào ruộng quanh năm ngập trong nắng cháy và mưa lũ, bố mẹ lại đau bệnh thường xuyên nên Tâm trở thành lao động chính trong nhà. Học chưa hết lớp 6 thì nghỉ, Tâm theo một người anh trong làng ra Hà Nội làm thuê cho một quán cơm ở bến xe Nước Ngầm. Được gần 1 năm, dành dụm được ít tiền từ công bưng bê, dọn rửa ở quán cơm, 14 tuổi, Tâm chính thức bước ra đời tự lập với “tài sản” là cái xe đạp cũ mèm, long sòng sọc của bố gửi từ quê ra, cái thúng tre được lèn chặt cứng chăn bông cũ và cái nồi nhôm đựng ngô luộc. “Cháu tự hỏi đường rồi đạp xe lên mạn Mê Linh, Phúc Yên mua ngô cho rẻ, rồi về luộc và mang đi bán”. Ngày đầu tiên đi bán, cháu luộc có 10 cái ngô, đạp xe đi mấy vòng mà chẳng biết phải rao như thế nào. Đến cổng Trường đại học Công nghiệp, mỏi chân quá, cháu đứng lại nghỉ, mấy chị sinh viên hỏi bán gì mà che kín bưng thế kia, cháu mới vội vàng mở nắp nồi bảo em bán ngô luộc. Chắc thấy cháu bé quá, các chị ấy thương, mua cho 4 bắp liền rồi còn bảo đứng yên đó chị vào lớp gọi bạn ra mua giúp. Bán hết 10 cái ngô hôm đầu tiên, cháu được lãi 10.000 đồng, cầm tiền trong tay mà cứ ngẩn hết người ra ấy cô ạ. Sau đấy cháu luộc nhiều hơn, có hôm bán hết hơn 30 cái ngô, nhưng có hôm ế đầy một nồi, mang về ăn và bán rẻ, nhờ mấy anh trong nhà trọ ăn hộ. Cháu bán ngô được hơn 6 tháng thì thằng Tình cũng nghỉ học, ra đây ở với cháu”. Hai bàn tay tỉ mẩn lột bỏ lớp áo già của bắp ngô, Tâm thủng thẳng: “2 anh em mỗi ngày mất 20.000 tiền nhà trọ, ăn thì tự đi chợ về nấu, tính trung bình mỗi ngày anh em cháu tiêu mất 50.000 đồng. Từ khi bán thêm bánh bao, anh em cháu phải thức khuya hơn, đi nhiều hơn nhưng cũng kiếm thêm được chút tiền nữa, cô ạ”. Đang nói, giọng Tâm bỗng chùng hẳn xuống: “Tối qua mẹ cháu mới điện thoại ra, bảo bố cháu dạo này lại ho ra máu. Tháng nào cháu cũng gửi tiền về phụ thêm cho mẹ nuôi hai em nhưng cũng chẳng đáng là bao đâu cô ạ, bố cháu ốm mà chẳng mấy khi dám đi khám...”. Kể đến đó, Tâm cúi mặt xuống, che đôi mắt bắt đầu ầng ậng nước. Ngồi rửa chõ hấp bánh bao ngay cạnh anh, thằng Tình kể góp: “Lẽ ra chiều nay, anh em cháu đi gửi tiền về quê cho mẹ nhưng tối hôm trước anh Tâm đi bán hàng bị bọn nó ăn quỵt lại còn xin đểu nữa. Mất hơn 500.000 cơ cô ạ, coi như cả tuần anh em cháu bán hàng không có lãi”.

Theo lời Tình thì đi bán hàng trong đêm vắng mãi cũng quen, nó chỉ sợ nhất là gặp bọn nghiện xin đểu và gặp người say rượu. “Có hôm ở cầu Mễ Trì, cháu nghe tiếng gọi bánh bao ơi, hăm hở đạp xe đến gần thấy mấy thằng dặt dẹo đứng như ma, cháu sợ quá vội vàng quay xe đạp một mạch. Gặp bọn đấy, nó ăn chẳng trả tiền còn là may, nó còn trấn lột và có khi đánh cả mình cơ cô ạ. Một anh trước ở cùng xóm trọ với cháu đi bán xôi khúc bị chúng nó đánh gãy cả răng”. Nhìn phòng trọ tí tẹo nằm trong một ngõ nhỏ sâu hút của làng Triều Khúc, chỉ kê vừa cái phản gỗ và đặt mấy cái bếp than của anh em Tâm, tôi không khỏi xót xa cho những đứa trẻ phải vào đời sớm. Tuổi thơ của các em bị cắt ngang con đường tới trường, thay vào đó là những bươn chải và nỗi lo cơm áo. Cái nhăn trán trên khuôn mặt gày gò, ánh mắt mệt mỏi vì thức đêm của Tâm cứ ám ảnh mãi tôi trên đường trở về nhà...

4. Những câu chào, những lời hỏi thăm vội vàng của đôi phút dừng chân trao – nhận bắp ngô, cái bánh bao hay miếng sắn luộc nóng hổi của anh em Tâm, của chị Ngọ chẳng hiểu sao lại khiến tôi có thói quen ngóng theo tiếng rao mỗi đêm của những người bán hàng rong. Ngóng để nghe tiếng rao quen thuộc như báo hiệu anh em chúng đã qua một đêm bình yên, ngóng với niềm mong ước có một công việc nào đó bớt vất vả, bớt nhọc nhằn và bớt bất trắc hơn cho cả anh em Tâm và cho cả những người đêm đêm nài nãi, lặn lội vì gánh nặng cơm, áo.

Cứ dõi theo mãi, để rồi thấy thân thuộc với những con người vui vẻ tạm “quên” tên cha sinh mẹ đẻ, mang cái tên “ngô ơi”, “bánh khúc ơi” hay “bánh mỳ ơi”...

Đêm vẫn mênh mang, choàng lấy những tiếng rao cả non nớt, cả lảnh lót, cả trầm khàn...          

Theo Lê Vũ

SK&ĐS

 

dotuanh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra