|
Làng đúc đồng Ngũ Xã - một trong những làng nghề nổi tiếng của Hà Nội (Nguồn Internet) |
Làng nghề tập hợp những thợ thủ công tài hoa sáng tạo ra những sản phẩm tinh hoa, độc đáo với hàm lượng văn hóa cao. Trong cuộc sống hiện đại, các sản phẩm hàng hóa do công nghệ máy móc sản xuất cũng không thể thay thế được hàng thủ công vì mỗi sản phẩm thủ công đã in đậm nét tâm hồn sáng tạo của nghệ nhân. Đến với mỗi làng nghề, du khách được chứng kiến tận mắt những công đoạn tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ qua bàn tay khéo léo của người nghệ nhân dân gian, thấy được sinh hoạt văn hóa của con người ở vùng đất khác nhau. Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi đúng đắn và phù hợp được nhiều quốc gia lựa chọn trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ đem lại lợi nhuận kinh tế giúp người dân nâng cao thu nhập, giải quyết nguồn lao động địa phương mà còn là một cách thức để giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc đồng thời cũng là một phương thức giới thiệu sinh động về mỗi vùng miền địa phương thông qua hoạt động du lịch.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch làng nghề. Nước ta có hệ thống làng nghề đa dạng và phong phú, kết hợp cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc độc đáo phù hợp cho các loại hình du lịch. Hiện nay, cả nước có gần 4000 làng nghề và làng có nghề trong đó hơn 2000 làng nghề được công nhận, hơn 400 làng nghề truyền thống với 53 nhóm nghề, ước tính có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó có nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, the La Khê, đồng Ngũ Xã, gỗ Sơn Đồng… Làng nghề truyền thống Việt Nam tồn tại và phát triển cùng với sự thăng trầm trong lịch sử của dân tộc, mang đến dấu ấn của người Việt và từng dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em hợp thành. Làng nghề truyền thống Việt Nam là nơi chứa đựng những kho tàng kinh nghiệm kỹ thuật, bí quyết nghề nghiệp từ việc sử dụng nguyên liệu, kỹ thuật chế tác, đến chủ đề sáng tạo. trong việc tạo ra một sản phẩm văn hóa phi vật thể. Nhiều làng nghề truyền thống còn là làng Khoa bảng, làng Việt cổ, làng cách mạng. Ngoài ra, làng nghề truyền thống còn có giá trị văn hóa vật thể như đình, chùa, các di tích liên quan đến làng nghề, các sản phẩm thủ công truyền thống. Tất cả những điều đó là cơ sở thuận lợi để phát triển làng nghề và du lịch làng nghề.
Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội là nơi có làng nghề, phố nghề dày đặc sau khi Hà Nội mở rộng đã ôm trọn mảnh đất trăm nghề Hà Tây cũ. Hiện nay, Hà Nội có hơn 1350 làng nghề, trong đó có 224 làng nghề truyền thống với hơn 47 nhóm nghề. Hà Nội thật sự là nơi hội tụ, giao lưu, đua tranh, kết tinh và lan tỏa những tinh hoa của làng nghề ra mọi miền đất nước. Di chỉ kinh thành Thăng Long cách đây 1000 năm đã chứng minh điều đó. Qua việc phân tích trên chúng ta thấy rõ nước ta nhất là Thủ đô Hà Nội có tiềm năng phát triển du lịch làng nghề rất lớn. Vấn đề đặt ra là đánh thức tiềm năng ấy như thế nào? Không phải có nhiều làng nghề là có du lịch làng nghề, nếu không có đầu tư khai thác tốt thì tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng mà thôi. Có thể nói, du lịch làng nghề nước ta chưa phát triển. Ước tính hiện nay cả nước có khoảng 20 chuyến du lịch từ Bắc vào Nam trong đó 35% là du lịch làng nghề hoặc du lịch gắn với làng nghề theo tuyến đã định của ngành du lịch. Các tour du lịch làng nghề Hà Nội hiện nay chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức mới chỉ dừng lại ở hình thức thăm quan và xem một số làng nghề cổ. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó.
Để phát triển du lịch làng nghề phải có chiến lược đầu tư cho nó. Không phải cứ làng nghề nào cũng trở thành điểm đến của du khách, nếu chỉ nghĩ đơn giản là đến thăm quan mặc dù làng nghề có truyền thống trăm năm, nghìn năm mà không được đầu tư, khôi phục, không có những sản phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế, không có những nghệ nhân gạo cội, tài hoa thì sẽ lập tức trở nên phản tác dụng trong con mắt du khách. Cần có những dự á nâng cấp, xây dựng các tuyến du lịch làng nghề như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Phù Lãng, Thổ Hà… Ưu tiên phát triển hạ tầng, xử lý môi trường, xúc tiến thương mại, mở rộng chính sách đối ngoại nhân dân, các làng nghề được quan tâm vay vốn ưu đãi, có chính sách khuyến khích sáng tạo mẫu mã, sản phẩm áp dụng công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại làm cho sản phẩm tinh hoa, đa dạng và phong phú, nhằm xây dựng và mở rộng dịch vụ du lịch làng nghề. Điều quan trọng nhất là gắn phát triển du lịch với việc khôi phục và bảo vệ các làng nghề truyền thống. Các điểm đến trong tuyến du lịch phải là các làng nghề tiêu biểu, có sản phẩm nổi tiếng trong nước và xuất khẩu, có đội ngũ nghệ nhân điêu luyện giàu sức sáng tạo.
Ông Lưu Duy Dần cũng có một số kiến nghị với UBND Thành phố Hà Nội khi ông đã tham khảo và trực tiếp đến một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Thái Lan, ông Lưu Duy Dần thấy cách làm của họ có chính sách trợ giá hoặc đầu tư lớn cho việc duy trì nghề truyền thống, quan tâm chăm sóc phát huy tài năng của nghệ nhân,họ phát triển khu công nghiệp nhưng cũng xây dựng các khu thủ công mỹ nghệ hoặc mỗi làng nghề có phòng truyền thống, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nên quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh đó, chương trình liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nên tiến hành định kỳ hằng năm, tạo sân chơi cho các làng nghề nghệ nhân, nhằm liên doanh, liên kết góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc như: chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Ngoài ra, đề nghị Bộ cùng với thành phố Hà Nội cho phép tạo dựng một khu du lịch làng nghề “Một thoáng Việt Nam” và cũng là xây dựng Bảo tàng thủ công mỹ nghệ làng nghề tại đây trên cơ sở góp sản phẩm tinh hoa của các làng nghề, nghệ nhân cả nước hội tụ về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến./.
Duy Thành – Nhất Anh