Ngọt ngào măng đắng, hương vị núi rừng
Thứ bảy, 15/03/2014 10:51 (GMT+7)
Người Việt ta thường có câu cửa miệng “cơm dẻo, canh ngọt” để chỉ sự ngọt ngào, đầm ấm của bữa cơm gia đình.
Tuy nhiên, cái ngọt ngào ấy lại náu trong những hương vị tưởng như đắng đót ngoài đầu lưỡi, để rồi, khi đã thấm vào lòng người mới đem lại một cảm giác thú vị.
|
Đĩa măng đắng xào thơm ngon |
Sau nhiều ngày háo hức, trưa nay chúng tôi mới có được một rổ măng đắng đúng nghĩa. Phải qua tiết xuân mưa phùn, những búp măng đắng mới nhú lên khỏi mặt đất. Chắc hẳn sợ khi cây măng nhú cao, vị đắng sẽ loãng hơn nên người hái chỉ chọn những củ măng cầm vừa trong lòng tay. Củ măng nào nhìn cũng có lớp vỏ đen tím, tua tủa những mắt lá sắc nhọn.
Chúng tôi bắt tay vào cùng bóc củ măng. Theo kinh nghiệm, những thức lạ này khi bóc lớp vỏ ngoài phải chế biến ngay mới đảm bảo vị tươi ngon. Những lát măng đã được thái, ngâm qua chút nước cho tiết bớt vị đắng chát rồi cho vào sào trong mỡ nóng.
Biết tôi từ thành phố lên, sẽ không có nhiều dịp được thưởng thức món măng này, anh bạn tôi vừa làm vừa kể: Măng đắng có nhiều cách chế biến. Người ăn được vị đắng nguyên chất thì đem măng xào luôn. Người lần đầu chưa quen thì phải luộc qua cho măng thôi bớt chất đắng rồi mới xào với mùi tàu, hành, lá chanh hoặc có nơi lại xào với rau diếp cá. Có lẽ, vì hôm nay muốn đãi tôi món măng đắng nguyên chất nên anh chỉ xào với hành.
|
Những củ măng đắng được hái từ rừng về |
Thấy việc chế biến không có gì đặc biệt nên tôi càng tỏ mò muốn thưởng thức. Chạm vào đầu lưỡi, vị đắng nhưng không khó nuốt mà lại rất thơm ngon khiến cho người ăn có cảm giác đang được thưởng thức một hương vị đích thực của núi rừng.
Trong bữa cơm với món măng đắng hôm ấy tôi được biết, ngoài việc là một món ăn hấp dẫn, măng đắng còn là vị thuốc chữa bệnh. Anh chủ nhà kể rằng ở vùng Tây Bắc có rất nhiều loại cây có vị đắng như một chất kháng sinh rất tốt cho ruột. Bởi thế đã có nhiều người ở dưới xuôi từng thất bại trong việc điều trị căn bệnh dạ dày. Vậy mà lên đây công tác, vài mùa măng đắng thành ra nghiền vì đắng mà những cơn đau bao tử biến mất lúc nào không hay.
Món ăn này bỗng gợi cho tôi suy nghĩ: có lẽ ngay trong cách ăn uống của người Việt ta cũng có những điểm gần với những triết lí sâu xa như “thuốc đắng giã tật” cũng nên.
Theo Bùi Việt Phương
Dân Việt