Thoạt nhìn, tô phở Lào cũng giống như phở Việt Nam với các nguyên liệu là sợi phở, nước phở, thịt bò, thịt gà, viên nạm, rau thơm, giá, hành lá…
Nhưng ăn thử mới biết, hương vị của phở Lào có điểm không giống với phở Việt Nam. Sợi phở Lào có vẻ không cứng cáp mà mềm hơn, lại có màu sắc hơi xám, không hoàn toàn trắng như sợi phở Việt. Nước phở hơi đục, không trong, không có mùi của những hương liệu như hoa hồi, quế, gừng,…
Một tô phở Lào dành cho người Lào lại rất to. Rau ăn kèm còn có thêm đậu đũa sống và dưa chua từ cà rốt, su su…
Được biết, để nấu nước dùng cho phở Lào, người Lào chỉ ninh xương và pha nước thật nhạt để khi khách ăn có thể cho thêm các loại gia vị gồm đường, nước mắm, dấm, xì dầu, tương ớt, ớt khô chưng,… tùy thích. Điều này có lẽ xuất phát từ phong cách ẩm thực Lào với quan niệm thức ăn có vị thật chua, cay và ngọt thì mới ngon.
Trước kia, người Lào tại thủ đô Viêng Chăn thường ăn những thức ăn truyền thống như xôi, cá nướng, thịt nướng, gỏi đu đủ… Từ khi có phở Lào thì món ăn này đã nhanh chóng trở nên phổ biến.
Một số người cho rằng, phở là thứ vừa dễ ăn vừa ngon, lại đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn có gì đó nhẹ nhàng và gần gũi không giải thích nổi. Có lẽ vì vậy mà phở Lào chính là món ăn ngoại lai được xem là hòa nhập tốt và có tác động khá lớn tới phong cách ăn uống của người dân Viêng Chăn.
Nếu đã ngán những món ăn truyền thống khô khan trong những ngày du hành tại Viêng Chăn, bạn hãy bước vào một quán ăn Lào và dùng thử một tô phở được chế biến từ những con người xứ sở "triệu voi" thân thiện và hiếu khách để cảm nhận hương vị độc đáo, quen mà lạ của món ăn này.
Theo Bình An
Ihay