Bộ Tư pháp đã xác định công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, các đơn vị chức năng thuộc Bộ thường xuyên tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý, từ đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các quy định không phù hợp, không chặt chẽ, hoặc sơ hở, chồng chéo có thể dẫn đến hành vi tham nhũng, đồng thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành những quy định mới để đáp ứng được các yêu cầu về phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Công tác thanh tra của Bộ được xây dựng tập trung vào một số lĩnh vực công tác dễ dẫn đến những sơ hở hoặc nhũng nhiễu làm nảy sinh hành vi tham nhũng như: Công tác tổ chức cán bộ, quản lý ngân sách, tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tăng cường thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng, bán đấu giá tài sản… nhằm chấn chỉnh, khắc phục nghiêm túc, kịp thời những hạn chế, tồn tại.
Bộ Tư pháp đã rất chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các đơn tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng đều được Bộ Tư pháp xác minh làm rõ. Qua thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ổn định trật tự, kỷ cương của ngành Tư pháp, hạn chế các biểu hiện tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng Chi bộ, Đảng bộ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tính tự giác của đảng viên; kiên quyết xử lý trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đơn vị để xảy ra tiêu cực, tham nhũng; tăng cường quản lý việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và quan hệ xã hội của Đảng viên, cán bộ, công chức; thường xuyên giáo dục, kiểm tra và kịp thời xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào tiêu chuẩn đánh giá chất lượng tổ chức Đảng và Đảng viên. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp đã đạt được hiệu quả khá cao, thực hiện được các nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng của Chính phủ và của ngành Tư pháp. Đảng uỷ và Lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo triển khai công tác trọng tâm, tăng cường công tác phòng ngừa tham nhũng, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Tư pháp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng của Bộ Tư pháp thời gian qua đã được đẩy mạnh, tạo ra những hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, công tác đấu tranh phòng, chống tham những vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn đơn điệu, việc tự rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định về các biện pháp phòng ngừa của một số đơn vị còn chưa kịp thời; một số đơn vị chưa tích cực trong việc tự kiểm tra nhằm phát hiện và phòng ngừa đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng; việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của một số đơn vị còn chậm, nội dung chưa đầy đủ, đặc biệt là việc tổng hợp báo cáo của các cơ quan thi hành án dân sự trên phạm vi toàn quốc còn gặp khó khăn, do số lượng các cơ quan thi hành án là rất lớn.
Trong thời gian tới, tình hình tham nhũng nói chung sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó, đối với công tác phòng, chống tham nhũng, phải đưa ra được những giải pháp đồng bộ và mang tính khả thi. Nhìn chung, các giải pháp phòng, chống tham nhũng Bộ Tư pháp đang thực hiện trong thời gian vừa qua như: Tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; công khai minh bạch trong hoạt động của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ; xây dựng các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; minh bạch tài sản, thu nhập… đã tạo ra được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Tư pháp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn tham nhũng. Các chủ trương, nội dung công tác trong từng năm đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo là chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa làm biện pháp hàng đầu đi đôi với phát hiện xử lý hành vi tham nhũng. Thông qua đó, nhiều lĩnh vực công tác, hoạt động của Bộ đã có chuyển biến rõ rệt./.
Dương Thái