<p style="text-align: justify;"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhdt/2014_6/d226c853a5707bd85fd4fc3fae8767a1_l.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Tham quan mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang.
</div>Ðến thăm gia đình ông Hoàng Văn Phin, dân tộc Dao ở thôn Phiêng
Ngàm, xã Sinh Long, là hộ gia đình có diện tích chè Shan nhiều nhất xã.
Ông Phin cho biết, từ nhỏ các cụ nhà ông đã trồng chè Shan nhưng chỉ
để uống, giờ đây những cây chè cổ thụ trong nương mỗi lần hái đều phải
bắc thang. Ba năm trước, ông là người đầu tiên xung phong thực hiện Dự
án trồng chè Shan. Sau ba năm, gia đình ông đã trồng được 20 ha chè và
được Dự án giao lại để bảo vệ và chăm sóc, thu hái. Vụ chè năm 2013,
gia đình ông hái được bảy tấn búp tươi, bán được hơn 50 triệu đồng, một
số tiền rất lớn so với thu nhập của người dân xã nghèo Sinh Long. Ông
Phin phấn khởi, hai năm nữa thôi, khi chè Dự án đến tuổi thu hoạch thì
chắc sẽ thu được nhiều hơn. Ðến nay, diện tích trồng chè của xã đang
nhân rộng, nhiều gia đình trong xã đã thoát đói nghèo từ cây chè, bà
con phấn khởi lắm.</p>
<p style="text-align: justify;">Xã Côn Lôn cách thị trấn huyện Na Hang gần 60 km, toàn xã có 450 hộ
gia đình, hơn 2.000 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào Tày, Dao, Mông. Bước
chuyển mạnh trong sản xuất nông nghiệp ở xã Côn Lôn vào khoảng hai năm
trở lại đây. Ðó là từ khi Côn Lôn đẩy mạnh thực hiện chương trình xây
dựng nông thôn mới với điểm nhấn là vận động nhân dân tập trung sản
xuất theo quy trình ba cùng: cùng trà, cùng giống ở cùng xứ đồng. Chủ
tịch UBND xã Côn Lôn Nguyễn Xuân Bạch cho biết, mấy năm trước, đồng
ruộng được quy hoạch, hệ thống thủy lợi đã được đầu tư nhưng với tập
quán canh tác tự do, ruộng nhà ai nhà đó cấy cho nên có khi cánh đồng
chừng chục mẫu ruộng thì có đến cả chục loại giống, thời vụ cũng khác
nhau nên vừa khó cho sản xuất và năng suất cũng không cao. Lúc đầu vận
động bà con bỏ tập quán canh tác cũ chuyển sang canh tác mới khó khăn
lắm, nhưng cán bộ UBND xã đã cam kết với người dân nếu thực hiện ba
cùng mà sản lượng thấp hơn canh tác cũ cán bộ sẽ chịu trách nhiệm. Từ
đó, UBND xã cử cán bộ nông nghiệp tập trung hướng dẫn bà con từ khâu
làm đất, gieo mạ và cấy theo đúng lịch thời vụ. Vụ xuân 2013 là vụ đầu
của thực hiện ba cùng đã thắng lớn. Trước đây, vụ này cấy lúa Tạp giao
1, thời gian sinh trưởng là 135 ngày, thực hiện ba cùng, UBND xã chỉ
đạo cấy giống Việt lai 20, thời gian sinh trưởng chỉ còn 115 ngày, chất
lượng gạo ngon hơn, năng suất không kém. Tiếp tục vụ mùa, thời gian
sinh trưởng của cây cũng giảm từ 125 ngày xuống còn 95 ngày, năng suất
bình quân cũng đạt 74 tạ/ha. Nhân đà thắng lợi, UBND xã vận động bà con
trồng cây ngô vụ đông xen canh. Trước đây, chỉ có hai vụ lúa nay mỗi
năm thêm một vụ ngô trên cùng một mảnh ruộng, có thu nhập bà con ai
cũng phấn khởi.</p>
<p style="text-align: justify;">Xã Sinh Long cũng thuộc vùng sâu, vùng xa như Côn Lôn, nhưng điều
kiện sống của bà con khó khăn hơn rất nhiều lần. Bởi Sinh Long ruộng
ít, đồi nhiều, ra khỏi cửa nhà là núi đồi cao ngất (độ cao của xã so
với mực nước biển gần 1.000 m). Vùng đất khó nay lại thành thế mạnh về
kinh tế, khi người dân nơi đây tập trung phát triển cây chè Shan thành
cây hàng hóa xuất khẩu. Giống chè Shan đã được trồng lâu đời trên vùng
đất này, giờ phần nhiều đã thành cây cổ thụ. Chủ tịch UBND xã Sinh Long
Hoàng Văn Linh cho biết, phong trào trồng chè Shan được bắt đầu từ khi
triển khai Dự án trồng rừng phòng hộ. Những đồi núi trọc trước kia nay
nhường chỗ cho hơn 800 ha chè, đây cũng là cây trồng chính của địa
phương. Vừa chống xói mòn vừa cho thu nhập cao, cho nên người dân rất
phấn khởi. Ðể "chắp cánh" cho cây chè Shan ở Sinh Long phát triển, Công
ty TNHH Việt Dùng ở thị trấn Na Hang đã đầu tư hơn ba tỷ đồng xây
dựng, lắp đặt dây chuyền chế biến với công suất một tấn nguyên
liệu/ngày, bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho người dân. Người
dân có thu nhập từ cây chè, nhiều gia đình còn được nhận vào lao động
tại xưởng sản xuất, xã thu được thuế, đất thì không bị xói mòn. Ðó là
cách lựa chọn của người dân Sinh Long khi được định hướng đúng trong
chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi...</p>
<p style="text-align: justify;">Với diện tích gần 8.000 ha mặt nước, nghề nuôi cá trên hồ thủy điện
đã trở thành một ưu thế trong phát triển kinh tế ở huyện Na Hang. Từ
cuối năm 2006, khi đóng đập dâng nước hồ thủy điện Tuyên Quang, một
nghề mới đã hình thành ở huyện vùng cao này. Ðó là nghề nuôi cá lồng
bè. Ðến nay, đã có hơn 300 lồng cá, bè cá dọc theo lòng hồ từ thị trấn
lên các xã Sơn Phú, Yên Hoa, Ðà Vị. Nguồn lợi thủy sản thu được từ lòng
hồ mỗi năm khoảng 500 tấn, mở ra một hướng làm ăn mới đầy triển vọng
cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.</p>
<p style="text-align: justify;">Chủ tịch UBND huyện Na Hang Phạm Ninh Thái cho biết, là huyện vùng
cao, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn
cao. Những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, huyện
tiếp tục tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng
hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, xóa nghèo bền vững cho người dân.</p><p style="text-align: right;"><i>Theo Hải Chung</i></p><p style="text-align: right;"><i>Nhân dân</i></p>