<p>Kể từ thời điểm 1-1-2009, Việt Nam mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau đó, nhiều tập đoàn bán lẻ của nước ngoài đã vào Việt Nam, như: BigC, Metro, Lotte Mart, Seven Eleven, Central Group… Đặc biệt, theo cam kết lộ trình với WTO, bắt đầu từ ngày 11-1-2015 tới đây, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam, thay vì mức tối đa 50% như hiện nay.</p><p>1. Như vậy, từ nay tới 11-1-2015 thời gian không còn bao lâu. Lộ trình đó cộng với thương vụ mua bán mới rồi của Metro Vietnam càng làm gia tăng bức bối và cũng hé lộ quá nhiều nguy cơ đối với thị phần của những nhà bán lẻ nội.</p><p>Đầu tháng 8, Chủ tịch Tập đoàn Metro (Đức) thông báo, hãng vừa chính thức ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú người Thái Lan Chearavanont: chuyển nhượng kinh doanh bán buôn 19 trung tâm Metro tại Việt Nam. Tổng giá trị của thương vụ là 879 triệu USD (khoảng 18.459 tỷ đồng). Thương vụ tỉ đô này dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu năm 2015, trùng với thời điểm nhà bán lẻ nước ngoài được phép thành lập DN 100% vốn tại Việt Nam, thay vì 50%. Ông Olaf Koch, Chủ tịch Tập đoàn Metro cho biết: "Chúng tôi cùng Tập đoàn BJC đã bàn thảo về nhượng quyền các hoạt động bán buôn của hệ thống Metro tại Việt Nam. Sau quá trình xem xét và đánh giá, chúng tôi quyết định chuyển nhượng Metro Việt Nam cho BJC. Hy vọng sự kiện sẽ mang đến giá trị lâu dài cho các bên tham gia”.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhdt/2014_9/2014_250_4_a1.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"><span style="color: rgb(0, 0, 0); font-family: 'Times New Roman'; font-size: 16px; font-style: italic; font-variant: normal; line-height: normal;">Lotte, đến từ Hàn Quốc</span><br></div>"Các bên” ở đây buộc phải hiểu theo nghĩa là 2 bên: Metro và BJC. Còn "khổ chủ” là phía Việt Nam thì không được tính đến. Từ đó, một câu hỏi được dư luận đặt ra với nhiều trăn trở: Tương lai nào cho ngành bán lẻ nội? khi mà các "đại gia” phân phối bán lẻ nước ngoài bắt tay nhau chia sẻ lợi nhuận tại Việt Nam.</p><p>Tính từ thời điểm mở cửa thị trường bán lẻ từ ngày 1-1-2009 tới thời điểm này, hệ thống bán lẻ Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Chỉ tính riêng các siêu thị hiện đại đã vọt lên con số gần 700; 130 trung tâm thương mại và hơn 1.000 cửa hàng tiện ích. Đáng chú ý, trong đó có 22 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ước tính, kênh bán lẻ hiện đại đã chiếm khoảng trên dưới 20% thị trường bán lẻ và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục tăng mạnh.</p><p>Thời gian qua, cho dù sức mua của người tiêu dùng đi xuống nhưng lợi thế tiềm năng của một thị trường với hơn 90 triệu người thì vẫn còn đó. Chính vì thế, nhiều DN nước ngoài vẫn tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Rất đáng kể khi Tập đoàn bán lẻ số 1 Hàn Quốc - Lotte đặt mục tiêu 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020 và Aeon - một "ông lớn” khác trong ngành bán lẻ Nhật Bản thông báo sẽ mở Trung tâm thương mại thứ 2 vào tháng 10 tới, cùng với 20 trung tâm thương mại từ nay cho đến năm 2020. Như vậy, các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đã không giấu ý định thống lĩnh thị trường Việt. </p><p>Nói như Tos Chirativat- Chủ tịch Hội đồng điều hành kiêm Tổng giám đốc Central Group (Thái Lan), thì "Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn về sức mua với hơn 60% dân số đang ở độ tuổi lao động và có khả năng chi trả cao. Vì thế, Việt Nam là thị trường tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.” Ông Tos nói có cơ sở vì từ 20-4, họ đã có mặt ở Việt Nam với việc khai trương trung tâm mua sắm Robins. Còn Auchan (Pháp)- một tập đoàn bán lẻ quốc tế sở hữu bởi gia đình Mulliez - kinh doanh chủ yếu trên lĩnh vực siêu thị và đại siêu thị, tuyên bố "trắng phớ” là sẽ đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam trong 10 năm tới.</p><p>2. Trước sự đổ bộ ồ ạt của những "ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ, những "ông nhỏ” bán lẻ trong nước tính sao?</p><p>Theo TS Cấn Văn Lực- một chuyên gia ngân hàng, các nhà bán lẻ nước ngoài nhiều lợi thế vì trên thực tế mức độ chuyên nghiệp của họ rất cao, thương hiệu lại được bảo đảm uy tín từ công ty mẹ. Chính vì thế, họ dễ dàng có được sự tin cậy từ phía các nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước. </p><p>Câu hỏi tiếp theo: Vậy, chủ nhà sẽ đứng ở đâu?</p><p>Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều khiếm khuyết, lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ, thiếu "nhạc trưởng” trong từng mảng kinh doanh. Đã thế, các nhà cung cấp mạnh ai nấy rao, nhà bán lẻ mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau. Tất cả những điều đó cho thấy trình độ đang dừng ở mức manh mún, thiếu bài bản. Những DN bán lẻ "thuần Việt” tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp không nhiều. Vì thế khi nhà đầu tư ngoại ồ ạt nhảy vào tranh giành thị phần thì Co-opmart, Maxi Mark, Coop Foods, Satra Foods… cũng không hứa hẹn là sẽ đương đầu được. </p><p>Trên mạng, một người giấu tên đã để lại một comment: "Các DN trong nước không những không liên kết mà còn chơi xấu nhau như: bán dưới giá thành, khuyến mãi không lành mạnh, "cướp” người của đối thủ cạnh tranh bằng mọi giá… Và cũng thật đáng sợ khi hàng giả, hàng nhái vẫn vào được siêu thị Việt. Trưng bảng hạ giá nhưng không ai biết giá thật của nó là bao nhiêu. Thượng đế chỉ còn biết cười ruồi…”.</p><p>Nhìn chung, mối lo tiềm tàng chính là việc nhà bán lẻ nước ngoài đến đâu thì hàng hóa ngoại nhập sẽ phủ đến đó. Liệu có bao nhiêu sản phẩm Việt đủ mạnh để có thể cạnh tranh ngang ngửa với hàng ngoại ở thương trường khốc liệt này? Và đặc biệt sản xuất trong nước rồi sẽ đi về đâu?</p><p>Nhà bán lẻ Việt "bị đè”, đáng tiếc thay lại như một định mệnh được báo trước. Từ đó, việc xuất hiện một "cuộc chiến bán lẻ” phải coi là điều tất nhiên, DN nội không nên và không thể né tránh.</p><p>3. Bên cạnh các kênh bán lẻ truyền thống như chợ, tiệm tạp hóa ở Việt Nam đã hình thành thị trường bán lẻ hiện đại với 3 "đường đua” chính: đại siêu thị/siêu thị/siêu thị mini - cửa hàng tiện ích. Theo giới chuyên gia, trung bình cứ 100.000 dân thì cần có 1 đại siêu thị, 1 trung tâm thương mại; cứ 10.000 dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình; còn 1.000 dân cần từ 1-3 siêu thị mini. Như vậy, nếu tính trên đầu người, mô hình bán lẻ tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được chừng 1/5, trên dưới 20%, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Với Singapore, tỷ lệ này là 90%; Trung Quốc 64%, Indonesia 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhdt/2014_9/2014_250_4_a2.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;"><span style="color: rgb(0, 0, 0); font-family: 'Times New Roman'; font-size: 16px; font-style: italic; font-variant: normal; line-height: normal;">Auchan, đến từ nước Pháp</span><br></div>Một số người lạc quan cho rằng, dù gặp nhiều khó khăn khi phải đương đầu với những "ông lớn” nước ngoài, nhưng Việt Nam vẫn có lợi thế sân nhà và sở hữu nhiều điểm bán. Nhưng, họ cũng không lạc quan quá mức khi vẫn khuyến cáo: DN bán lẻ nội phải nhanh chóng bước vào cuộc chạy đua trong cuộc chiến mặt bằng để sở hữu những điểm bán tốt nhất. Nếu không thì sẽ trắng tay.</p><p>Còn về điểm bất lợi. Có thể quy vào "chuỗi”: Tên tuổi - Kinh nghiệm - Vốn - Mạng lưới. Không ít e ngại được đưa ra rằng, Việt Nam sẽ mất chỗ đứng khi hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của ta thiếu tính chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng thiếu đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong bối cảnh đó, rõ ràng DN bán lẻ nội phải có chiến lược kinh doanh riêng, trong đó không thể không tính đến việc chủ động (hoặc là bắt buộc) phải bắt tay với nhà đầu tư ngoại, nhằm gia tăng nguồn lực cũng như tích lũy kinh nghiệm. Bước đi của SaigonCo.op liên doanh với nhà bán lẻ Singaporre Ntuc FairPrice để mở các đại siêu thị tại Việt Nam, nên được tham khảo một cách kĩ lưỡng.</p><p>Liên kết trong nước, liên kết với nước ngoài, tính đến phương án sáp nhập, kể cả bán lại DN- tất cả những điều đó đều phải được đặt ra. Bởi thương trường là chiến trường, những viên đạn ở đây là những đồng bạc; chậm chạp, ngây ngô là chết. Một cái chết tức tưởi. Vì sao Metro Vietnam (người Đức) "bán mình” cho BJC (người Thái) chấp nhận "phân dưới” mà không băn khoăn gì? Cũng có thể họ đã kiếm được lời từ việc trốn thuế (nếu có), từ việc chuyển giá…, nhưng quan trọng nhất đó là họ thấy rằng mình đã "ăn đủ”. Quy luật thương trường có lãi là làm, ít lãi thì cầm chừng, không có lãi thì chấm dứt hoạt động, lãi khủng thì "bán mình” cũng bán. Từ những thực tế ấy, các DN bán lẻ trong nước phải hết sức tỉnh táo, nhận diện thời cơ, nắm bắt thời cơ và phải hành động nhanh. Kinh doanh giống như một trận đánh, phải có chiến lược và phải biết tính toán linh hoạt, vướng đâu giải quyết đấy. Chỉ có như vậy thì nhà bán lẻ nội mới không rơi vào thế "lấm lưng trắng bụng” ngay trên sới vật do chính mình bày ra.</p><p>4. Thời gian gấp rút, bây giờ không phải là lúc kêu than mà phải hành động. Nhắc lại, từ 11-1-2015 thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn. Dù muốn hay không thì nhà bán lẻ trong nước cũng không thể xoay chuyển tình thế ấy, không thể dựa vào chính sách để dựng lên những hàng rào luật ngăn bước nhà đầu tư ngoại. Do đó, tích cực nhất là thái độ "chiến đấu”, chiến đấu để giành thị phần. Trên tinh thần đó, nói như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh thì tương lai vẫn tươi sáng. Bộ trưởng Vinh cho rằng, trong kinh tế thị trường thì thị trường là quan trọng nhất, "Có thị trường, sẽ có sản xuất”. Vì thế, với việc Walmart (Mỹ) đặt mua hàng của Thuận Phương Group (TP.HCM)- công ty chuyên cung cấp các sản phẩm thêu, dệt, Bộ trưởng Vinh cho rằng, việc Walmart đặt ra các yêu cầu khắt khe trong việc nhập khẩu hàng hóa sẽ là cú hích để các DN Việt tự cấu trúc lại mình để có năng lực cạnh tranh cao hơn.</p><p>Gút lại, nếu ta cứ ốm yếu mãi thì sẽ bị người khác khỏe hơn "đè”. Cần phải mạnh lên, khôn ngoan hơn, chứ không phải chỉ là ngôi "kêu” với tâm lí chờ được bảo hộ. Đó mới là nước cờ duy nhất đúng.</p><div><br></div><div style="text-align: right;"><i>Theo Daidoanket.vn</i></div>