<p style="text-align: justify;">Đây là nhận định chung được đưa ra tại Báo cáo động thái doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm do Viện Phát triển Doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 19/6 tại Hà Nội. Báo cáo này được triển khai điều tra trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014 tại 800 doanh nghiệp trên cả nước.</p><p style="text-align: justify;"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/tannd/2014_6/190614hoithao.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Hội thảo Động thái doanh nghiệp sáu tháng đầu năm 2014 do VCCI tổ chức tại Hà Nội, ngày 19/6</div>Theo khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp khá lạc quan bởi các điều kiện kinh doanh đã trở lại mức tốt nhất kể từ năm 2011 và có cảm nhận tốt về về mức độ tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ, nhu cầu thị trường quốc tế, khả năng tiếp cận vốn vay (lãi suất thấp, thủ tục nhanh gon, thông thoáng)...</p><p style="text-align: justify;">Chỉ số động thái thực thấy trong 6 tháng đầu năm 2014 cải thiện hơn so với năm 2013 (tăng từ mức âm 21 điểm lên âm 5 điểm), thể hiện xu thế sáng hơn ở năng suất lao động, tổng doanh số, lượng đơn đặt hàng...và lần đầu tiên kể từ 2010 yếu tố về lợi nhuận được doanh nghiệp dự cảm ở mức dương 3 điểm, điều này cho thấy tín hiệu thể hiện sự chuyển biến tốt trong hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bắt đầu có lãi hơn. Cảm nhận về doanh số thực 6 tháng đầu năm 2014 của doanh nghiệp cũng tích cực hơn so với 6 tháng cuối năm ngoái khi tăng từ mức 0,3 điểm lên 8 điểm; tổng doanh số của các doanh nghiệp có xu thế được cải thiện rõ rệt và 6 tháng cuối năm 2014, các doanh nghiệp dự cảm doanh số tiếp tục được cải thiện khá cao. Giá bán bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm so với 6 tháng cuối năm 2013 cũng đã phản ánh một thực tế là các biện pháp giảm giá và tăng chiết khấu để thúc đẩy doanh số vẫn được các doanh nghiệp áp dụng. </p><p style="text-align: justify;">Năng suất lao động bình quân được cảm nhận có xu hướng cải thiện rõ rệt nhất. Chỉ số tổng thể môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô cũng cải thiện thể hiện qua chất lượng của các quy định pháp lý, hiệu lực thực thi chính sách, thủ tục hành chính liên quan tới doanh nghiệp, sự cải thiện trong thái độ và ý thức trách nhiệm của các bộ công quyền, sự ổn định của môi trường pháp lý và điều hành kinh tế.</p><p style="text-align: justify;">Một điểm nổi bật, chuyển biến tích cực khác được nêu tại Báo cáo của VCCI là: việc tiếp cận nguồn thông tin về thị trường, công nghệ; điều kiện hạ tầng tiện ích như điện nước, xử lý rác thải; thái độ, ý thức trách nhiệm và năng lực của cán bộ công quyền trong việc thực hiện các quy định pháp lý; hiệu lực thực thi và áp dụng các quy định pháp lý, chính sách và thủ tục hành chính trên thực tế…</p><p style="text-align: justify;">Mặc dù có nhiều điểm tích cực nhưng cũng có những chuyển biến bất lợi được Báo cáo chỉ ra, đó là: lợi nhuận trên một đơn vị sản phẩm, nhu cầu thị trường trong nước, giá thành sản xuất và giá bán bình quân…</p><p style="text-align: justify;">Trong thời kỳ khảo sát có 21,6% doanh nghiệp cho biết đã hoàn thành kế hoạch doanh thu 2014 trong đó có đến 27,9% đạt trên 90% kế hoạch và 16,4% DN đạt trên 70% kế hoạch. Đối với kế hoạch lợi nhuận, có 14,5% đã hoàn thành (trong số đó có 29% đạt trên 90% và 22,4% đạt trên 70% kế hoạch). Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là đã có 4,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời rằng họ đã phải tạm ngừng hoạt động. Thời gian trung bình ngừng hoạt động là 1,5 tháng (lần khảo sát năm ngoái con số này là 2,5 tháng) và 50% cho rằng nguyên nhân chính là do không tìm được thị trường đầu ra, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cao và không vay được vốn...</p><p style="text-align: justify;">Khẳng định các chỉ số nêu tại Báo cáo là chỉ số cảm nhận của doanh nghiệp chứ không phải con số thống kê, tuy nhiên bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI vẫn cho rằng những so sánh của VCCI cho thấy cảm nhận của doanh nghiệp qua nhiều khảo sát của VCCI rất sát tình hình thực tế của doanh nghiệp như doanh thu, tình hình xuất khẩu…Đại diện VCCI cho biết, trên cơ sở kết quả khảo sát, các vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt sẽ được cơ quan này tổng hợp, kiến nghị tới các cơ quan hoạch định chính sách để có biện pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi hơn trong thời gian tới.</p><p style="text-align: justify;">Tại buổi công bố Báo cáo động thái doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hải Bình, đến từ Viện chiến lược và chính sách tài chính - Bộ Tài chính đã đưa ra một số khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục chú trọng tới tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó tập trung cho nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cáo năng suất; ứng dụng khoa học công nghệ; đa dạng hóa nguồn vốn; rà soát các chính sách quản lý chi phí để cắt giảm được các chi phí không cần thiết, tạo tiền đề hạ giá sản phẩm; nâng cao năng lực tiếp cận và mở rộng thị trường bao gồm cả thị trường đầu vào và đầu ra, trong đó đặc biệt chú ý đến các thị trường mới, giàu tiềm năng; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề…</p><p style="text-align: justify;">Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Hải Bình cũng nhấn mạnh Chính phủ cần thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế (gia hạn nộp thuế, tránh bị phạt chậm nộp để dùng tiền đó cho đầu tư sản xuất, kinh doanh), xúc tiến thương mại cũng như việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tránh những vấn đề còn tồn tại như chuyển giá. Nhà nước cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu ra, bởi hầu hết số tạm ngừng hoạt động là không tiêu thụ được sản phẩm; xem xét lại các quy định về chia tách, hợp nhất, sáp nhập vì nhiều doanh nghiệp phản ánh các yếu tố này cũng gây khó khăn…</p><p style="text-align: right;"><b>Thái Minh</b></p><div><br></div>