Giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội - cần nhiều giải pháp quyết liệt

Thứ sáu, 29/09/2023 21:29
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, mặc dù nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện công tác thu và thu nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nhưng tình trạng doanh nghiệp (DN) chưa tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (NLĐ) vẫn còn xảy ra. Tình trạng này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia, tác động cân đối nguồn quỹ BHXH, BHYT, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động.

Tính đến ngày 31/8/2023, tổng số tiền nợ BHXH trong toàn tỉnh là 118.140 triệu đồng, chiếm khoảng 1,83% số phải thu. Mặc dù cơ quan BHXH thường xuyên đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp để thu hồi công nợ; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của suy thoái kinh tế, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh khiến cho doanh nghiệp không chấp hành đúng các quy định pháp luật về BHXH. Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng nợ đọng  BHXH là do hậu quả của dịch bệnh COVID-19 diễn ra liên tiếp trong các năm 2020-2022 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, khiến các DN gặp nhiều khó khăn, cũng như tác động nghiêm trọng đến việc làm, thu nhập và thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ. Bên cạnh yếu tố khách quan thì cũng còn tình trạng một số ít DN chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH, có biểu hiện chậm nộp để chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN bổ sung vốn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Cùng với đó, vai trò và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp này chưa được phát huy, chưa mạnh dạn đứng ra để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Trong khi đó, về phía NLĐ cũng chưa dám đấu tranh hay lên tiếng, thậm chí gửi đơn phản ánh đến ngành quản lý về những vi phạm của DN, do sợ bị mất việc làm, mất thu nhập...

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Đình Tuấn, PGĐ phụ trách BHXH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban tháng

Việc các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với NLĐ; bên cạnh các chế độ như thai sản, ốm đau, hưu trí, tử tuất... NLĐ không được hưởng, thì còn nhiều chế độ khác như chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BHTN, BHYT, NLĐ cũng sẽ gặp khó khi làm thủ tục để hưởng các chế độ này. Tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH tại một số doanh nghiệp trong tỉnh đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia, gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với NLĐ. Ngoài các đơn vị đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN nhiều đơn vị đã giải thể, phá sản, dừng hoạt động, chủ bỏ trốn... Việc đôn đốc thu số tiền chưa đóng của các đơn vị này gặp rất nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Đơn cử như Công ty TNHH SY VINA nợ 11.800 triệu đồng, Công ty Cổ phần Vận tải Ô tô Vĩnh Phúc nợ 6.393 triệu đồng, Công ty Cổ phần Bê tông Bảo Quân Vĩnh Phúc nợ 2.415 triệu đồng,….

Nhận định rõ những khó khăn của tình hình kinh tế xã hội sẽ ảnh hưởng đến tình trạng nợ BHXH, BHXH tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN như: Tham mưu kiện toàn BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo hướng tinh, gon, mạnh bổ sung Phó Ban chỉ đạo là cơ quan Bảo vệ pháp luật (Công an tỉnh); sửa đổi Quy chế hoạt động BCĐ theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm và trách nhiệm phối hợp giữa các thành viên (Sở, ngành) để tăng hiệu quả hoạt động BCĐ. Chỉ đạo BHXH huyện, thành phố tham mưu kiện toàn BCĐ cấp huyện tinh, gọn và sửa đổi Quy chế hoạt động BCĐ theo hướng rõ việc, rõ trách nhiệm như thành lập tổ thu nợ BHXH liên ngành cấp huyện để tiến hành đôn đốc xử lý những đơn vị nợ BHXH trên địa bàn. Hàng quý, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình trạng nợ BHXH, tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành để đôn đốc đơn vị sử dụng lao động thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan tư pháp tiếp tục thanh tra liên ngành, xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN; đề xuất áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nghiêm khắc, chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình nợ kéo dài, trốn đóng bảo hiểm, lợi dụng chính sách, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ chuyên môn, BHXH huyện thành phố luôn bán sát nắm bắt tình hình và đôn đốc thu BHXH, BHYT, BHTN tại địa bàn. Phân công cán bộ theo dõi bám sát tình hình hoạt động của đơn vị; thường xuyên đến các đơn vị đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN, nhất là những doanh nghiệp có số thu lớn để hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn các bước cần thiết nhằm giảm tình trạng nợ thấp nhất. Hàng tháng, rà soát đối chiếu, phân loại các đơn vị nợ và thông báo nợ tới các đơn vị chậm nộp từ 2 tháng trở lên để yêu cầu nộp tiền; đối với các đơn vị thông báo 2 lần không thực hiện nộp tiền thì mời lên làm việc và cam kết lộ trình trả nợ; nếu không thực hiện thì chuyển sang thanh tra đột xuất. Tổ chức Hội nghị đối thoại và phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT,BHTN giữa Doanh nghiệp với cơ quan BHXH; đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh, huyện mời làm việc trực tiếp và ký cam kết nộp tiền. Công khai các đơn vị nợ trên Trang Web BHXH tỉnh, phối hợp với các cơ quan Báo, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh Vĩnh Phúc công khai đơn vị nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng;  kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra đột xuất đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 03 tháng trở lên.

leftcenterrightdel
BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền, đối thoại doanh nghiệp 

Trong thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp, quyết liệt giảm số tiền chậm đóng BHXH xuống mức thấp nhất, quyết tâm hoàn thành tỷ lệ nợ đọng năm 2023 được BHXH Việt Nam giao. Cụ thể, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của BHXH Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng BHXH tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời. Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, thực hiện gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị. Nếu đơn vị không đóng tiền thì lập biên bản vi phạm theo quy định. Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên, tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định. Kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh về tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn. Bên cạnh đó, chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ giúp việc Ban chỉ đạo và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động. Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đôn đốc đơn vị đóng BHXH kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Tiếp tục công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp chậm đóng  BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, thời gian kéo dài. Phối hợp đề nghị MTTQ, các tổ chức công đoàn, các hội đoàn thể... tăng cường công tác giám sát việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đối với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng BHXH kịp thời. Đồng thời, tiếp tục tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH; thành lập các đoàn công tác của BHXH tỉnh làm việc tại các huyện, thành phố để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia BHXH…Ngoài ra, đối với những đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, BHXH tỉnh hoàn thiện các thủ tục theo quy trình để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, khởi tố theo quy định. Bên cạnh đó, để hạn chế nợ đọng BHXH, BHXH tỉnh khuyến cáo NLĐ nên theo dõi tình hình đóng BHXH của mình thông qua phần mềm “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, nếu thấy đơn vị không đóng BHXH thì cần kiến nghị ngay với cơ quan chức năng để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho mình./.

 
PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra