Không thể chủ quan dù kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế với COVID-19

Thứ ba, 27/06/2023 09:45
(ThanhtraVietNam) - Dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao…

Sẵn sàng kế hoạch, phương án với tình huống dịch bệnh bùng phát trở lại

Vừa qua, trước một số ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa hay một bệnh truyền nhiễm nhóm B, cũng như tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay có tương đương như cúm hay một số bệnh truyền nhiễm phổ biến ở Việt Nam như sốt xuất huyết hay không?

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm đi rất thấp so với trước đây vào giai đoạn bùng phát mạnh năm 2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ tử vong do COVID-19 hiện nay ở mức 0,37%, vẫn cao hơn nhiều so với những bệnh truyền nhiễm khác, như: sốt xuất huyết tỉ lệ tử vong ở Việt Nam khoảng 0,09%. Chính vì vậy, chúng ta không thể chủ quan và vẫn luôn phải sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng để nâng cao năng lực chuyên môn cũng như có các kế hoạch, phương án để linh hoạt, chuyển đổi đáp ứng điều trị khi cần thiết.

Bộ Y tế nhấn mạnh, việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp về y tế gây quan ngại toàn cầu với COVID-19 không có nghĩa rằng đã chấm dứt đại dịch hoặc COVID-19 không còn là mối đe dọa trên toàn cầu hay ở Việt Nam. Việc công bố này cũng không có nghĩa là vi rút đã biến mất hay là COVID-19 đã trở nên ít nguy hiểm hơn, và chắc chắn là chúng ta không được mất cảnh giác.

Và WHO cũng quan ngại điều tồi tệ nhất mà bất kỳ quốc gia nào có thể làm lúc này là sử dụng tin tức WHO công bố kết thúc tình trạng khẩn cấp làm lý do để mất cảnh giác, dỡ bỏ các hệ thống mà họ đã xây dựng hoặc gửi đi thông điệp tới người dân rằng COVID-19 không có gì phải lo lắng.

Trong trường hợp các ca bệnh nhập viện tăng lên, gây quá tải bệnh viện hoặc xuất hiện các biến chủng nguy hiểm gây bệnh nặng thì phải chuẩn bị để quay trở lại giải pháp thành lập các cơ sở điều trị COVID-19 như trước đây trong giai đoạn bùng phát dịch. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải chuẩn bị kế hoạch, phương án sẵn sàng quay trở lại với tình huống  dịch bệnh bùng phát.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 

Về vấn đề tiêm vắc xin COVID-19 sẽ triển khai như thế nào trong thời gian tới ở nước ta? Theo Bộ Y tế, từ năm 2021 đến nay, để nhanh chóng phòng chống dịch COVID-19, Việt Nam đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo hình thức chiến dịch qui mô lớn cho các nhóm đối tượng bao gồm: người lớn từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi và trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Tổng số số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 266 triệu mũi tiêm.

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Việt Nam là quốc gia đạt độ bao phủ vắc xin COVID-19 cao cho các lứa tuổi bao gồm các liều cơ bản và các liều tiêm nhắc lại. Để thực hiện thành công công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn như trên, chúng ta đã phải huy động tối đa nguồn nhân lực của ngành Y tế, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự tham gia của các ban ngành đoàn thể xã hội, các lực lượng hỗ trợ khác. Nỗ lực triển khai tiêm vắc xin phòng COVID -19 đã đóng góp quan trọng vào thành công chống đại dịch COVID 19 ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới,  hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, tuy nhiên đại dịch chưa kết thúc. Vì vậy, Việt Nam vẫn cần duy trì các biện pháp phòng, chống dịch trong đó có việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, tiêm nhắc cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng và lịch tiêm tiêm nhắc, các địa phương sẽ tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đợt hoặc định kỳ, tiến tới đưa vào tiêm chủng thường xuyên để đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng, đồng thời tiết kiệm nguồn lực mà vẫn đạt được độ bao phủ vắc xin cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhóm cần ưu tiên tiêm nhắc vắc xin phòng COVId-19 gồm: người lớn tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần được tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc lại, các mũi tiêm nhắc sau liều cuối cùng từ 6 đến 12 tháng.

Hiện nay trên thế giới đã có vắc xin COVID-19 nhị giá cập nhật “update COVID-19 vaccine” phòng chủng vi rut gốc và chủng Omicron. Theo khuyến cáo của US CDC Hoa Kỳ thì tất cả các đối tượng từ 6 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản cần được tiêm bổ sung 1 liều vắc xin cập nhật. Ngoài ra, người từ 65 tuổi trở lên cần được tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau 4 tháng trở ra, người suy giảm miễn dịch cũng cần tiêm thêm 1 liều vắc xin cập nhật thứ 2 sau ít nhất là 2 tháng sau liều tiêm thứ nhất.

Việt Nam sẽ cập nhật theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, và thông qua Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, tiếp theo Bộ Y tế sẽ đưa ra hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phù hợp cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trong thời gian tới.

Trong tình hình dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng số mắc những ngày gần đây,  người dân hãy thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại theo hướng dẫn hiện tại của Bộ Y tế: Người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm đủ liều cơ bản và nhắc lại, trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm đủ liều cơ bản và tiêm nhắc, trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cần tiêm đủ liều cơ bản. Đặc biệt những người nguy cơ cao mắc COVID 19 như người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý nền, bệnh lý mạn tính cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ mũi 3, mũi 4 theo lịch và hướng dẫn của Bộ Y tế./. 
Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra