Nên khuyến khích bán điện mặt trời mái nhà nhưng có điều kiện

Thứ năm, 09/05/2024 18:07
(ThanhtraVietNam) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình điện này.

Trà Vinh: Khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh trong công tác

Chuyển cơ quan điều tra dấu hiệu trốn thuế của Công ty Nhựt Phát - Chi nhánh Tây Ninh

Phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân

Yêu cầu cung cấp hồ sơ dự án trồng cây xanh Công ty Cây xanh Công Minh

Kon Tum: Công dân khiếu nại đúng, nhiều tập thể, cá nhân bị kiểm điểm

Cần quy định giá bán và nguyên tắc bán điện tự sản, tự tiêu

Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.

Trong đó nhấn mạnh, việc xây dựng các Nghị định nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững. Đồng thời, huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đặc biệt, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các Nghị định nêu trên, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, các bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu của Thường trực Chính phủ.

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa, nguồn: baochinhphu.vn) 

Riêng đối với Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Thường trực Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm “tự sản, tự tiêu”; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ (Xây dựng, Công an, Công Thương…) trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật… để có thể thực hiện ngay khi Nghị định được ban hành, không phải chờ Thông tư hướng dẫn.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.

“Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? giá bán trên nguyên tắc nào? nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…”, thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ trong tháng 5/2024.

Nên khuyến khích bán nhưng phải có điều kiện

Theo dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được Bộ Công Thương xây dựng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nếu dư thì cơ quan, tổ chức, cá quyền được quyền phát hoặc không phát vào hệ thống điện quốc gia. Nếu chọn phát lên lưới sẽ chỉ được ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đây là nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm.

Tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được xây dựng với nhiều cơ chế ưu đãi, nếu cho mua bán sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn.

Tuy nhiên, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng đề xuất này của Bộ Công Thương đang đi ngược xu hướng thị trường và sẽ khó thu hút người dân tham gia, gây lãng phí nguồn điện.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được miễn giảm thực hiện một số quy định, tiêu chí khắt khe của pháp luật và có nhiều ưu đãi về chính sách… Do đó, sẽ không có hoạt động mua bán điện mặt trời mái nhà, bởi nếu có hoạt động mua bán điện, doanh nghiệp, chủ đầu tư sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành.

Liên quan đến điện mái nhà, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra về nội dung này trong Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Đáng chú ý, cùng với việc chỉ ra những sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật về phát triển điện mặt trời mái nhà, Thanh tra Chính phủ kiến nghị nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan nghiên cứu để sửa đổi, điều chỉnh rút ngắn thời hạn áp dụng giá FIT đối với các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà, đảm bảo phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Song cần tiếp thu nội dung kết luận của Thường trực Chính phủ, nhất là về nội dung: Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? giá bán trên nguyên tắc nào? nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…/.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra