Cần có cơ chế khuyến khích, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản, tự tiêu, để hoàn thiện trình Chính phủ.
Đáng chú ý, điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định quy định: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia. Trường hợp tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán”.
Đề xuất nêu trên nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là những cá nhân, tổ chức đang có nhu cầu phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu. Vì nếu quy định không được bán điện dư thừa từ ĐMTMN tự sản, tự tiêu thì không khuyến khích được nhà đầu tư bỏ vốn phát triển loại hình điện này, dẫn đến không hiệu quả khi đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời.
Theo ý kiến chuyên gia, để phát triển, sử dụng hiệu quả ĐMTMN cần có giải pháp, quy định đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước cũng như các nhà đầu tư (cơ quan, tổ chức, cá nhân).
Chẳng hạn, cơ quan, tổ chức, cá nhân phát điện dư lên lưới điện, thay vì việc ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng, không được thanh toán thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể tính toán, mua hỗ trợ cho nhà đầu tư với mức giá phù hợp. Như vậy, vừa tận dụng được lượng ĐMTMN, vừa khuyến khích và đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Còn sơ hở, bất cập trong chính sách, pháp luật về phát triển ĐMTMN
Ngày 25/12/2023, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 3116/TB-TTCP kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Thông báo KLTT số 3116/TB-TTCP).
Theo Thông báo KLTT số 3116/TB-TTCP, nguồn ĐMTMN đã đầu tư nhanh chóng trong thời gian từ tháng 4/2020 đến 31/12/2020 sau khi Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 được ban hành và Bộ Công Thương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đến cuối năm 2020, tổng công suất nguồn ĐMTMN đưa vào vận hành lên tới 7.864 MW.
Tuy nhiên, trong công tác quản lý nguồn ĐMTMN, Bộ Công Thương đã ban hành và tham mưu ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thực hiện còn có một số sở hở, bất cập. Cụ thể:
Ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong đó khoản 2 Điều 11 không đúng với quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
|
|
Một khu vực điện mặt trời được đầu tư xây dựng. (Ảnh: Kame) |
Tham mưu ban hành khoản 5 Điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Theo đó, không xác định, quy định cụ thể về “mái nhà” sử dụng để lắp đặt các tấm quang điện của hệ thống ĐMTMN. Vì vậy, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc xác định đối tượng Hệ thống ĐMTMN được áp dụng giá FIT 8,38 UScent/kWh.
Ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL hướng dẫn thực hiện phát triển ĐMTMN, trong đó nội dung điểm b Mục 2 hướng dẫn thực hiện chuyển nhượng dự án nhưng không được gộp các hợp đồng mua bán hệ thống ĐMTMN thành một hợp đồng là không có tác dụng trong quản lý mà còn nguy cơ lợi dụng chính sách để đầu tư nhanh nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN công suất lớn trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... nhưng được hưởng cơ chế khuyến khích đầu tư như hệ thống ĐMTMN.
Từ những sơ hở, bất cập, khuyết điểm, vi phạm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN như trên, nguy cơ dẫn đến lợi dụng chính sách để đầu tư nhanh nhiều hệ thống, cụm hệ thống ĐMTMN với công suất lớn, không được quản lý chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện, thiếu sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, UBND các địa phương và EVN.
Thanh tra Chính phủ kết luận, các hệ thống/cụm hệ thống ĐMTMN đầu tư xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình đầu tư xây dựng mới trang trại nuôi trồng, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng đã được áp dụng cơ chế ưu đãi của hệ thống ĐMTMN cần phải được rà soát, xem xét lại việc áp dụng giá FIT 8,38 UScent/kWh trong 20 năm, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị nhiều nội dung quan trọng
Trên cơ sở KLTT, Tổng Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý điện lực, trong đó có ĐMTMN.
Trước mắt, rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực (Điều 13, Điều 15, Điều 18) cho phù hợp với Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, Luật Điện lực, Luật Quy hoạch và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng thời, rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định quản lý điện mặt trời, điện gió. Trong đó, nghiên cứu để sửa đổi, điều chỉnh rút ngắn thời hạn áp dụng giá FIT đối với các dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống ĐMTMN, đảm bảo phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.
Như vậy, từ thực tế quản lý, sử dụng, phát triển hệ thống ĐMTMN trong thời gian vừa qua; từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách. Đặc biệt, đã nêu rõ việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phải “phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện”.
Chính vì vậy, dự thảo Nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu với quy định “tổ chức, cá nhân lựa chọn phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện thì đơn vị điện lực ghi nhận sản lượng điện với giá không đồng và không được thanh toán” cần được nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi trình Chính phủ ban hành chính thức. Làm sao vừa phù hợp với thực tế, hài hòa với lợi ích của Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và người sử dụng điện như kiến nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ./.