Bản báo cáo điều tra lần này của Trung tâm Y tế toàn cầu thuộc Đại học Trung văn Hong Kong được bắt đầu thực hiện từ giữa năm 2016, lần lượt phỏng vấn các chuyên gia đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á - Thái Bình Dương, kiểm tra công tác lập kế hoạch và chính sách đối phó với bệnh viêm gan của từng quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây cũng là bản báo cáo đầu tiên kể từ sau năm 2012 liên quan đến chính sách phòng bệnh viêm gan của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mục tiêu của báo cáo là nhằm tạo ra nền tảng các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc hoạch định và thực thi biện pháp chính sách phòng chống bệnh viêm gan, đồng thời đánh giá khoảng cách của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc hướng đến thực hiện mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bệnh viêm gan siêu vi trước năm 2030 của WHO. Các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được điều tra gồm Australia, Bangladesh, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Việt Nam.
Tổ chức Y tế thế giới WHO
Theo báo cáo, trên toàn cầu hiện có 250 triệu người bị nhiễm viêm gan B và 70 triệu người mắc bệnh viêm gan C, trong đó đại đa số người mắc bệnh tập trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Do dấu hiệu ở giai đoạn đầu của bệnh viêm gan siêu vi là không rõ ràng, người dân thiếu quan tâm đến bệnh viêm gan, kế hoạch sàng lọc thấp, nên khi phát hiện rất nhiều người đã ở vào giai đoạn cuối, thậm chí khi bệnh đã phát triển đến mức suy gan, xơ gan hoặc ung thư gan mới được chẩn đoán chính xác là bị viêm gan mãn tính. Khi bệnh viêm gan không được khống chế và điều trị kịp thời nên nhu cầu ghép gan gia tăng đột biến và những bệnh nhân tử vong do viêm gan ngày càng tăng.
Kết quả điều tra lần này cho thấy đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ liên quan đều thừa nhận bệnh viêm gan siêu vi là một nguy cơ y tế cộng đồng chủ yếu hiện nay. Trong số 13 nước và vùng lãnh thổ được điều tra, có 12 nước và vùng lãnh thổ đã có chính sách toàn quốc hoặc khu vực để ứng phó với bệnh viêm gan siêu vi. Trong báo cáo “Điều tra chính sách phòng chống bệnh viêm gan trên toàn cầu” do WHO công bố vào năm 2012, chỉ có 6 quốc gia và vùng lãnh thổ có chính sách toàn quốc hoặc khu vực để giải quyết vấn đề bệnh viêm gan siêu vi. Báo cáo nêu rõ, mặc dù việc hoạch định chính sách được cải thiện, nhưng tiến độ dự định phân bổ thực hiện chiến lược phòng chống bệnh viêm gan vẫn rất chậm chạp. Đa số chính phủ các nước và vùng lãnh thổ vẫn chưa tích cực phân bổ nguồn lực hoặc cung cấp dịch vụ kiểm tra và điều trị miễn phí cho các nhóm có nguy cơ cao, cũng như huấn luyện kiến thức chung cho các nhân viên điều dưỡng trong việc xử lý bệnh viêm gan mạn tính. Ngoài ra, ở rất nhiều nước và vùng lãnh thổ, chính phủ vẫn chưa có luật bảo vệ những người mắc bệnh viêm gan mạn tính không bị kỳ thị ở môi trường công tác hoặc trường học.
Theo Giáo sư Tammy Meyers (Tam-mi Mây-ơ), chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế toàn cầu thuộc Đại học Trung văn Hong Kong, nếu muốn loại bỏ bệnh viêm gan trước năm 2030, việc cấp bách hiện nay là phải chẩn đoán chính xác càng sớm càng tốt cho những người mắc bệnh viêm gan siêu vi mạn tính. Tại các nước châu Á, hiện nay, việc quản lý lâm sàng liên quan bệnh viêm gan dường như đều dựa vào các bác sỹ chuyên khoa. Đây chính là trở ngại cho những người mắc bệnh viêm gan trong việc điều trị và chăm sóc y tế, đặc biệt là những người không sống ở các thành phố hoặc những người không có bảo hiểm y tế.
Trong phần đề cập đến Việt Nam, báo cáo điều ra cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 10 triệu người mắc bệnh viêm gan siêu vi, trong đó phần lớn là bệnh viêm gan B, chiếm tới 8,7 triệu người và bệnh viêm gan C có khoảng 1 triệu người. Việt Nam đã đưa ra và thực thi Kế hoạch quốc gia đối phó với bệnh viêm gan siêu vi. Kế hoạch này đã đưa ra một số mục tiêu được thừa nhận và thống nhất với nội dung kế hoạch khu vực của WHO. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam còn thành lập một tiểu ban công tác trực thuộc đối phó với bênh viêm gan siêu vi cũng như đưa ra "hướng dẫn" quản lý lâm sàng quốc gia đối với bệnh viêm gan B và viêm gan C, đồng thời thực hiện tiêm phòng miễn phí vaccine (vắc -xin) phòng ngừa viên gan B cho trẻ sơ sinh./.
Dương Thái