<div style="text-align: justify;">Thông tin trên được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) với doanh nghiệp về thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường mới được tổ chức tại Hà Nội.</div><div style="text-align: justify;"><br></div><p style="text-align: justify;">Theo đánh giá của Bộ TNMT, những nỗ lực cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã đạt được những kết quả trên các lĩnh vực quản lý quan trọng, đặc biệt là 4 lĩnh vực tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp là: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và môi trường. Bộ TNMT đã chỉ đạo và thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp về chức năng quản lý nhà nước về TNMT cho địa phương, đặc biệt về quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường; đã rà soát, thống kê và công bố Bộ TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia 212 thủ tục; đề xuất đơn giản hóa trên 90% số TTHC của ngành, 70% thủ tục được thực hiện tại các cấp chính quyền địa phương. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung 204 TTHC; cắt giảm trên 50% chi phí tuân thủ TTHC.</p><p style="text-align: justify;">Trong lĩnh vực đất đai, đã bổ sung quy định về công khai các TTHC; bổ sung hình thức thực hiện TTHC (đăng ký điện tử, tổ chức tiếp nhận và trả kết quả teho cơ chế một cửa); bãi bỏ một số trình tự thực hiện TTHC không cần thiết (UBND xã xem xét xác nhận tranh chấp sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất); gộp chung các loại TTHC cấp giấy chứng nhận…</p><p style="text-align: justify;">Đối với lĩnh vực môi trường, đến nay đã giới hạn đối tượng phải lập đánh giá tác động môi trường (ĐTM); tăng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc phê duyệt ĐTM; chỉ tổ chức hậu thẩm định những ĐTM có công trình xử lý môi trường ở quy mô lớn tránh phiền hà cho doanh nghiệp; những doanh nghiệp không phải lập ĐTM nhưng có tác động đến môi trường phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường…Các lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước cũng có nhiều cải cách.</p><p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ năm 2012 do VCCI thực hiện thì Bộ TNMT chỉ đạt 50,14 điểm, đứng ở vị trí trung bình thấp so với 14 bộ ngành có mối liên hệ nhiều với doanh nghiệp. Các điểm số về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật; về cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến pháp luật; về tổ chức thi hành pháp luật; về kiểm tra, rà soát quá trình thi hành pháp luật chỉ đạt hơn 5 điểm trên thang điểm 10; đáng chú ý điểm số về soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạt 4,38. Kết quả khảo sát về mức độ kịp thời trong xử lý những bất cập lớn, vấn đề nóng phát sinh trong thi hành pháp luật cho thấy có tới 10,84% người được hỏi trả lời là rất chậm, 25,3% cho là chậm, chỉ có 7,23% cho biết là rất kịp thời…</p><p style="text-align: justify;">Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, tài nguyên, môi trường là cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thường xuyên thứ tư, sau thuế, quản lý thị trường, an toàn phòng chống cháy nổ. Trung bình cứ 14 doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp bị thanh, tra, kiểm tra về tài nguyên môi trường. Nhưng tài nguyên môi trường lại là lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất về thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường. Thủ tục hành chính vẫn là trở ngại chính đối với các doanh nghiệp khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh sau đó mới tới vấn đề quy hoạch đất đai của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, giải phóng mặt bằng chậm, giá thuê mặt bằng kinh doanh cao, thiếu quỹ đất sạch…</p><p style="text-align: justify;">Phản ánh của các doanh nghiệp về những khó khăn gặp phải có thể kể ra như: thủ tục tiến hành ĐTM nhiều khi mang tính hình thức mà chưa thực chất; thủ tục đăng ký nguồn chất thải nguy hại chưa thuận lợi; thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan xây dựng, môi trường, khoa học công nghệ về thẩm định công nghệ và cấp phép xử lý chất thải nguy hại; nhiều mâu thuẫn về việc thẩm định phế liệu xem có phù hợp quy chuẩn; khó khăn khi phải chuyển chất thải, phế liệu trong khu chế xuất ra ngoài vì hải quan cho đây là hành động nhập khẩu trong khi cơ quan môi trường bảo là không; thủ tục cấp phép thăm dò nước ngầm, khai thác nước ngầm, khai thác nước mặt và cấp phép xả thải vào nguồn nước bị kéo dài…</p><p style="text-align: justify;"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://thanhtravietnam.vn/Portals/0/NEWS_IMAGES/tannd/2014_6/250614doithoai2.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Đối thoại giữa bộ TNMT và doanh nghiệp sẽ được tổ chức thường niên</div>Lãnh đạo Bộ TNMT cũng đã đánh giá, thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cho dù đã được cải cách, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp, là mảnh đất nảy sinh tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí…</p><p style="text-align: justify;">Tại buổi đối thoại, Bộ TNMT đã lắng nghe nhiều ý kiến thẳng thắn, khách quan từ phía các chuyên gia, các cơ quan quản lý liên quan và cộng đồng doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính và cam kết sẽ cùng các đơn vị liên quan đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian cũng như giảm phiền hà cho doanh nghiệp.</p><p style="text-align: right;"><b>T.Minh – K.Dung</b></p><div><br></div>