<p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tại
phiên chất vấn Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trước QH vừa qua, nhiều đại biểu đã
đặt câu hỏi rằng: về vấn đề chất lượng đào tạo thấp, sinh viên ra trường không
có việc làm, gây lãng phí trong đào tạo, vậy Bộ GD-ĐT nhận trách nhiệm vể việc
này và hướng xử lý như thế nào?<o:p></o:p></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Trên
Báo Tuổi Trẻ đã dẫn lại nội dung trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận như sau:
“Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận có việc này. Ông cho biết
mỗi năm chúng ta có khoảng 400.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ, trong 5 năm
chúng ta có 2.000.000 người tốt nghiệp. Trong số thống kê có hơn 72.000 có bằng
tốt nghiệp CĐ-ĐH không có việc làm, thì lệ có việc làm chỉ là 3,6%, có thực
trạng như vậy.<o:p></o:p></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Vấn
đề việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề của thị trường lao động.
Chúng ta chỉ khớp được giữa đào tạo và việc làm trong thời kỳ bao cấp, khi anh
học ngành nghề gì là do Nhà nước phân công, sau tốt nghiệp anh làm việc ở đâu
là do Nhà nước chỉ định.<o:p></o:p></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Khi
sang cơ chế thị trường, việc đào tạo là cho nhiều thành phần kinh tế. Và khi
hình thành thị trường lao động và ngày càng phát triển thì độ chênh và sự không
khớp giữa cung và cầu là một thực tế khách quan”...</span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Với
nội dung trả lời trên, Bộ trưởng GD-ĐT đã tỏ ra thẳng thắn trong nhìn nhận vấn
đề, đó là ông dám thừa nhận thực trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường
hiện nay đang là câu chuyện nhức nhối. Ông cũng đã chỉ ra được một trong những
nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do “buổi giao thời”, chuyển đổi giữa cơ
chế bao cấp sang cơ chế thị trường, theo đó, nguồn lực lao động cũng chịu ảnh
hưởng bởi sự chi phối của cơ chế vận hành mới. Tất nhiên, đó là “thực tế khách
quan”.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Song
dường như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa nhìn thấy và chưa nói
hết những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Hay nói đúng hơn, sở dĩ có thực
trạng trên, không phải chỉ hoàn toàn do lỗi “thực tế khách quan” mà còn có cả
trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng – với tư cách người
đứng đầu ngành trong đó.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Hãy
thử nhìn lại hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học của Việt Nam
hiện nay, chưa nói đến trình độ chuyên môn, chỉ riêng góc độ quản lý – lĩnh vực
“sát sườn” nhất của Bộ GD-ĐT thôi, hẳn một người bình thường cũng nhìn thấy còn
quá nhiều những lỗ hổng, hạn chế và bất cập trong quản lý.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Xin
được viện dẫn một câu chuyện cũng khá “lùm xùm” vừa xảy ra hồi đầu năm nay liên
quan đến vấn đề quản lý chất lượng đào tạo đại học và sau đại học nói trên, mà
ở đó, những yếu kém trong quản lý vấn đề này của Bộ GD-ĐT có “cơ hội” để bộc lộ
ra rõ ràng nhất, đầy đủ nhất.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Tháng
1/2014, với việc “căn cứ quy định tại điểm C khoản 1 Điều 8 của Thông tư 08”,
Bộ GD-ĐT đã ký công văn gửi các đại học, học viện, thông báo kết quả rà soát
ngành đào tạo trình độ đại học. Theo đó, Bộ đã khảo sát, thống kê các cơ sở đào
tạo trình độ đại học và quyết định dừng tuyển sinh với 207 ngành trình độ đại
học của 71 cơ sở đào tạo từ năm 2014 do “không đảm bảo đủ giáo viên cơ hữu theo
quy định”.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify">
</p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Đây
được xem là “tiếng sét ngang tai” đối với 71 trường có tên trong danh sách khi
nghĩ đến chuyện không có sinh viên thì trường sẽ không có nguồn thu, rồi lấy
đâu tiền lương trả cho giảng viên, rồi hàng loạt giảng viên đang trong biên chế
sẽ đi đâu, làm gì?… Sau cơn bàng hoàng, các trường đồng thanh phản hồi rằng
nhiều ngành không “bói” đâu ra tiến sĩ, thạc sĩ, như khối nghệ thuật chẳng hạn;
nhiều ngành thì đã và đang cho giảng viên trẻ đi đào tạo, sắp ra trường; nhiều
ngành khi báo cáo thống kê sai, nay xin khai lại… Các trường còn “lôi” cả Bộ
chủ quản của trường vào cuộc, gọi điện, ra công văn…<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Trước
sự phản ứng gay gắt của các trường đại học, học viện,, Bộ GD-ĐT đã buộc phải
xuống thang ra tuyên bố: “Tính đến chiều ngày 4/3, Bộ Giáo dục đã nhận được báo
cáo giải trình của gần 30 trường và đề nghị được tuyển sinh trở lại khoảng 100
ngành đào tạo. Nhận báo cáo đến đâu chúng tôi xử lý đến đó. Hiện 62 ngành đã bổ
sung được điều kiện theo quy định đã được cho phép tuyển sinh trở lại trong năm
2014. Ngày công bố cho tuyển lại 62 ngành là 5/3”...<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Chưa
hết, dư luận lại được phen bất ngờ khi chỉ một ngày sau đó, ngày 6/3, Bộ GD-ĐT
lại quyết định dừng tuyển sinh thêm 6 ngành đào tạo của 2 trường ĐH vừa có
ngành đào tạo được phép tuyển sinh trở lại. 6 ngành bị dừng tuyển sinh cụ thể
là ngành Kinh tế nông nghiệp, Sư phạm ngữ văn của ĐH Hà Tĩnh; 4 ngành khác là
của ĐH Phú Yên. Trả lời báo chí, đại diện hai trường đại học bị dừng tuyển sinh
kia chỉ còn biết ngậm ngùi trách Bộ GD-ĐT sao nỡ… không giữ lời.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Như
để “minh họa” cho quyết định của mình, Bộ GD-ĐT cho biết: “Từ 2010, Bộ
GD&ĐT đã tổ chức rà soát đào tạo tiến sĩ, năm 2012 rà soát với thạc sĩ,
2013 với đại học và 2014 sẽ là các trường cao đẳng. Sau quá trình thực hiện, Bộ
đã xử lý một loạt chuyên ngành đào tạo tiến sĩ bị thu hồi giấy phép. Trong đó,
58 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ đã bị thu hồi quyết định đào tạo, 161 chuyên
ngành đào tạo thạc sĩ bị dừng tuyển sinh do không đủ điều kiện về đội ngũ giảng
dạy. Năm 2014, Bộ đã quyết định dừng đào tạo 207 ngành đại học”.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Chưa
dừng lại, Bộ GD-ĐT còn “chua” thêm rằng: “Dừng tuyển sinh 207 ngành không phải
là mục tiêu mà đó chỉ là liều thuốc đắng để chữa bệnh, đảm bảo chất lượng giáo
dục” (!)<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Có
lẽ khi phát biểu những câu trên trước báo giới, Bộ GD-ĐT đã quên mất rằng,
những hạn chế trong công tác tuyển sinh và đào tạo tại một số trường đều có
phần trách nhiệm của chính Bộ GD-ĐT trong đấy. Từ trước đến nay ai là cơ quan
đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp quản lý việc mở trường đại học, cao
đẳng? Ai là cơ quan ra quyết định cho mở ngành đào tạo? Ai là người ban cho các
trường chỉ tiêu tuyển sinh các bậc học vậy?<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://thanhtravietnam.vn/Portals/0/NEWS_IMAGES/anhtl/2014_6/a1.jpg" width="500px"></div></p><p style="text-align:justify"><i><span style="font-size:10.0pt;font-family:
Arial;color:blue">Nhiều đại diện doanh nghiệp nước ngoài cho biết, phần lớn
sinh viên trong nước khi ra trường đã không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển
dụng.<o:p></o:p></span></i></p><p style="text-align:justify">Còn
ai vào đây nữa ngoài Bộ GD-ĐT? Vậy mà bây giờ Bộ lại nói “trường không đủ giáo
viên cơ hữu vẫn mở trường, ngành không đủ giáo viên có trình độ theo quy định
của Thông tư 08 mà vẫn chiêu sinh đào tạo” là sao?… Không đủ điều kiện thì Bộ
bắt ngừng tuyển sinh. Nhưng chỉ sau 2 tháng, sau khi đã để cho các trường “kêu
đủ” thì Bộ lại nói “đủ điều kiện” và… lại cho tuyển sinh!</p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Lâu
nay, câu chuyện cho lập trường, đào tạo sau đại học “vô tội vạ”, cho chỉ tiêu
tuyển sinh bất chấp căn cứ, “cơ chế xin-cho” đã trở thành căn bệnh “thâm căn cố
đế” của Bộ GD-ĐT rồi. Bộ còn trách ai được nữa?<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Một
mô hình đào tạo đại học, cao đẳng và sau đại học như thế; một chất lượng đào
tạo “à uôm” như thế và với một cơ chế quản lý lỏng lẻo như thế thì chất lượng
đầu ra của sinh viên – sản phẩm của quá trình đào tạo trên sẽ như thế nào?
Khoan hãy nói đến chuyện thiếu hay thừa chỉ tiêu việc làm trong các cơ quan nhà
nước, chỉ nói đến nhận xét của đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài và doanh
nghiệp nằm trong nhóm FDI (vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài), rằng: “hơn 70%
sinh viên Việt Nam khi ra trường không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng”
thôi cũng đã đủ nói lên nhiều điều.<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify"><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Trách
nhiệm của Bộ GD-ĐT trước thực trạng trên ở đâu?<o:p></o:p></span></p><p style="text-align:justify">
</p><p style="text-align:right" align="right"><b><span style="font-size:10.0pt;font-family:Arial">Lưu Thủy<o:p></o:p></span></b></p>