Vĩnh Long:

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính

Thứ tư, 12/10/2022 14:21
(ThanhtraVietnam) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Vĩnh Long, quý III năm 2022, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đảm bảo việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp đúng quy định.

Cắt giảm thời gian so với quy định hiện hành từ 7% - 40%

Theo đó, để đảm bảo công bố, công khai kịp thời, thống nhất trong thực hiện TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu thông tin, thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 12 Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng số 86 TTHC. Cụ thể, công bố mới 19 TTHC; sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 62 TTHC; bãi bỏ 05 TTHC. Đến nay, bộ TTHC đang được áp dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã là 1.714 TTHC.

Tất cả các Quyết định và TTHC sau khi được công bố đều được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, đồng bộ thống nhất với Cổng thông tin điện tử của tỉnh (địa chỉ: https://vinhlong.gov.vn/), Cổng Dịch vụ công của tỉnh (địa chỉ: https://dichvucong.vinhlong.gov.vn/) để phục vụ cho việc tra cứu, sử dụng của tổ chức, cá nhân. Danh mục các TTHC sau khi được công bố, các cơ quan, đơn vị, địa phương cập nhật, công khai, niêm yết đúng quy định, công khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; niêm yết tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, sử dụng của cá nhân, tổ chức.

Thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo kế hoạch tại Quyết định số 3605/QĐ-UBND ngày 27/12/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, tập trung thực hiện rà soát trên cơ sở các TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều và liên quan trực tiếp đến đời sống, hoạt động sản xuất đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp nhằm tái cấu trúc quy trình, cắt giảm thời gian giải quyết và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi những quy định về thủ tục không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

 Kết quả rà soát, đánh giá TTHC như sau: Tổng số thủ tục hành chính kiến nghị đơn giản hóa là 23/760 thủ tục, đạt 3,03% tổng số TTHC cần rà soát, đơn giản hóa theo kế hoạch. Tổng chi phí tiết kiệm sau khi rà soát (dự kiến) là: 33.873.950 đồng/năm. Có 22/23 phương án rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tỷ lệ thời gian cắt giảm so với quy định hiện hành từ 7% - 40%.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh yêu cầu thực hiện số hóa các thủ tục hành chính trong thời gian tới (Ảnh: CTTĐT.VL) 

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đề xuất bổ sung một số phương án phân cấp trong giải quyết TTHC đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương và TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân cấp huyện giúp giảm thời gian, chi phí giải quyết TTHC, tạo điều kiện thuân lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện TTHC; đồng thời, cấp thực hiện có đủ nguồn lực, thông tin để thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp trên địa bàn. Ủy ban nhân dân tỉnh đã kiến nghị Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ về các quy định liên quan đến TTHC.

Thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh từ ngày 01/6/2022 và số hóa hồ sơ giải quyết TTHC đối với 25 dịch vụ công thiết yếu từ ngày 01/7/2022 theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP và Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện số hóa (scan) hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đến nay đạt tỷ lệ 95% và các sở, ngành tỉnh thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết TTHC đối với 14/25 dịch vụ công thiết yếu.

Đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành tỉnh sớm hoàn thiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết để nâng cấp, hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu số hóa, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế thông tin phải cung cấp đối với những thông tin, dữ liệu đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Phối hợp tốt trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông

Song song đó, UBND tỉnh cũng thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện và cấp xã. Đồng thời, ban hành đầy đủ, kịp thời các Quyết định phê duyệt quy trình nội bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã. Cập nhật đầy đủ các quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh. Trong quý III năm 2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 10/8/2022 về việc tăng cường các giải pháp nhằm tạo bước đột phá trong thực hiện Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Vĩnh Long; Quyết định số 1784/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, căn cứ kết quả Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI năm 2021 của tỉnh đã được công bố, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương và triển khai các giải pháp khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong năm 2021 và các giải pháp nâng cao chất lượng, cải thiện điểm số của các Chỉ số trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Chủ động, tích cực giải quyết công việc theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông, theo dõi, đôn đốc kịp thời để không ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc.

Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót (nếu có), nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, công tác kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh nâng lên rõ rệt, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra