Tiếp tục triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về cải cách BHXH, cải cách tiền lương, quan hệ lao động

Thứ sáu, 01/09/2023 09:23
(ThanhtraVietNam) - Ngày 31/8, tại Trụ sở Bộ LĐTB&XH, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28-NQ/TW); Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW); Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới (Chỉ thị số 37-CT/TW).

Nhiều kết quả nổi bật

Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Phạm Trường Giang cho biết, sau 5 năm triển khai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW được tiến hành bài bản, khoa học, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật là một điểm sáng trong quá triển triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong thời gian chưa đến 5 năm, các cơ quan đã thể chế hóa kịp thời, các cơ quan đã triển khai hầu hết các chủ trương của Đảng thành hệ thống văn bản bao gồm: Luật, Bộ luật, Nghị định, Nghị quyết, Quyết định....

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Các mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết đều đạt và vượt, đặc biệt là mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; Năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN đã từng bước được nâng cao.

Thời gian tới, để cải cách chính sách BHXH theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Vụ trưởng Phạm Trường Giang kiến nghị 5 nội dung: (1) Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTBXH trong quá trình xây dựng Dự án Luật BHXH (sửa đổi); (2) UBND cấp tỉnh bám sát hướng dẫn tại Nghị quyết số 102/NQ-CP, Nghị quyết số 69/NQ-CP xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương; (3) Các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện đúng công tác báo cáo định kỳ theo Nghị quyết số 125/NQ-CP, Nghị quyết số 102/NQ-CP và Nghị quyết số 69/NQ-CP; (4) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật; (5) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về những nội dung cải cách về BHXH của Nghị quyết số 28/NQ-TW.

Báo cáo về tình hình triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng cho biết, về cơ bản các nội dung về cải cách chính sách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện theo đúng mục tiêu, tiến độ thời gian và nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng báo cáo, việc hoàn thiện chính sách và điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế nhất là việc điều chỉnh lương tối thiểu đã bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động nhất là trong bối cảnh 02 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cơ chế tiền lương theo Bộ luật Lao động đã hướng theo cơ chế thị trường, cơ bản đáp ứng được mục tiêu về xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước.

Về thí điểm cơ chế tiền lương theo nghị quyết số 27-NQ/TW đối với doanh nghiệp nhà nước (theo Nghị định số 20/2020/NĐ-CP) về cơ bản đã tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong xác định tiền lương, trả lương.

Việc triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW được các cấp, các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm, từ khâu xây dựng thành các chương trình, kế hoạch hành động 05 năm, hằng năm đến tổ chức triển khai thực hiện; bảo đảm sự tham gia của cả hệ thống chính trị; việc triển khai có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình thích hợp, gắn với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương; nhiều nội dung được thể chế hóa thành quy định pháp luật để triển khai.

Thực tiễn quan hệ lao động có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể: nhận thức của các cấp, các ngành được nâng lên; vai trò cơ quan quản lý nhà nước được củng cố, tăng cường thông qua đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, củng cố tổ chức bộ máy, đổi mới công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy hỗ trợ phát triển quan hệ lao động; hoạt động của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động được cải thiện thông qua tăng tường vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng đối với các thành viên; các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng trở nên phổ biến và từng bước đi vào thực chất; đời sống của người lao động dần được cải thiện, duy trì được ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cục trưởng Nguyễn Huy Hưng đề nghị Chính phủ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội sớm xem xét, cho ý kiến về nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW; cho chủ trương về Nghị định về tổ chức đại diện người lao động. Đồng thời, đề nghị Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 37-CT/TW, Quyết định số 416/QĐ-TTg, nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của thành viên. Tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 37-CT/TW, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thị trường lao động, bảo đảm việc làm, đời sống người lao động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế phù hợp cho công tác quản lý quan hệ lao động để triển khai nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ quản lý tổ chức của người lao động; bố trí cơ sở vật chất, nâng cao năng lực người làm công tác lao động, quan hệ lao động, thanh tra lao động và các thiết chế quan hệ lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương và đại diện các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH đã thảo luận về kết quả thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị; đồng thời, nêu ý kiến đề xuất để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu điều hành buổi làm việc

Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai hiệu quả Nghị quyết

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao Bộ LĐTBXH trong triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW.

Đồng chí Đỗ Ngọc An nhấn mạnh một số kết quả nổi bật như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW; thể hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong chính sách lao động, việc làm, tiền lương; phối hợp chặt chẽ với Ban Kinh tế Trung ương trong việc khảo sát về tình hình triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW trên toàn quốc; chủ động, tích cực trong việc tham mưu Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Đồng tình với báo cáo của Ban cán sự Đảng Bộ LĐTBXH, đồng chí Đỗ Ngọc An đề nghị trong thời gian tới Bộ LĐTBXH tiếp tục nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, xã hội, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu sâu hơn để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh, việc triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ LĐTBXH thời gian qua có nhiều kết quả thực chất, nhất là việc thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết, Chỉ thị thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Luật Lao động năm 2019, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, Dự án luật BHXH (sửa đổi), Dự án luật Việc làm (sửa đổi),…

Thứ trưởng Lê Văn Thanh tiếp thu các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc để hoàn thiện báo cáo tốt hơn, đầy đủ hơn gửi Ban Kinh tế trung ương.

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra