Tố cáo hành vi bạo hành trẻ em để bảo vệ “mầm non tương lai”

Thứ sáu, 21/01/2022 17:57
(ThanhtraVietNam) - Hành vi bạo hành diễn ra trong thời gian dài nhưng những người xung quanh các em vẫn thờ ơ, bàng quan. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần phải thay đổi nhận thức của mỗi người về cách thức bảo vệ trẻ em - đó là lên tiếng tố cáo những hành vi bạo hành với các cơ quan có thẩm quyền.

Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra những vụ việc trẻ em bị bạo hành dã man gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận. Những đối tượng bạo hành không phải ai xa lạ mà chính là người thân của các em, song điều đáng nói là hành vi bạo hành đã diễn ra trong thời gian dài nhưng những người xung quanh các em vẫn thờ ơ, bàng quan. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc cần phải thay đổi nhận thức của mọi người về cách thức bảo vệ trẻ em - đó là lên tiếng tố cáo những hành vi bạo hành trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền.

Bạo hành trẻ em là tội ác…

Những ngày qua, rất nhiều người bày tỏ sự căm phẫn tột cùng đối với tội ác của người mẹ kế và ông bố trong sự việc cô bé 8 tuổi bị bạo hành đến chết. Theo cơ quan điều tra, quá trình sống chung, mẹ kế đã nhiều lần bạo hành cháu. Đáng nói là bố cháu nhiều lần chứng kiến bạn gái đánh đập, hành hạ con mình, song không hề can ngăn, thậm chí có lần còn cùng bạn gái chửi mắng và đánh cháu. Trong 4h đồng hồ ngày 22/12/2021, người mẹ kế liên tục bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm của cháu bé. Bố cháu khi biết sự việc lại vội vàng xóa bỏ dữ liệu camera an ninh để nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã có quyết định khởi tố bị can Nguyễn Võ Quỳnh Trang (mẹ kế của cháu bé) về tội “hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự và mới đây đã bổ sung quyết định khởi tố vụ án “giết người”, khởi tố vụ án “che giấu tội phạm”, đồng thời chỉ đạo tập trung điều tra, truy tố để xử lý nghiêm nhằm cảnh tỉnh răn đe chung cho toàn xã hội.

Trong khi câu chuyện về cô bé nói trên vẫn còn đang khiến cả xã hội bàng hoàng, thì dư luận một lần nữa rúng động trước thông tin một bé gái 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, có dấu hiệu bị bạo hành, trong sọ có nhiều vật kim loại nghi là đinh. Bé gái này 3 tháng trước đã từng vào Bệnh viện Nhi TW vì ngộ độc thuốc trừ sâu, 1 tháng trước nhập viện ở Thạch Thất vì có dị vật ở đường tiêu hóa. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ còn phát hiện ra tay phải của bé từng bị bó bột khoảng 2 tuần trước. Đến nay, bé vẫn đang được các bác sỹ bệnh viện Xanh Pôn nỗ lực cứu chữa, dù tiên lượng rất xấu. Cơ quan cảnh sát điều tra đã triệu tập mẹ bé gái và người tình của mẹ cháu bé, nghi phạm chính của vụ việc để điều tra, làm rõ.

… im lặng là “đồng lõa”?

Sau khi sự việc xảy ra, một số người dân chung cư Sài Gòn Pearl nơi cô bé 8 tuổi sinh sống cho biết, người mẹ kế đã bạo hành cô bé trong một thời gian dài, bất kể là ngày hay đêm, một kiểu đánh chửi quen thuộc tới nỗi chỉ cần nghe là họ biết liền. Họ thường xuyên nghe tiếng la hét, khóc lóc của bé, sau đó đã báo với bảo vệ chung cư. Tuy nhiên, mãi đến khi hành vi bạo hành tước đoạt mạng sống của đứa trẻ, người ta mới thể hiện rõ sự bức xúc, đau xót. Khi đó mọi thứ đều đã muộn.

Còn cô bé 3 tuổi ở Thạch Thất, liên tiếp nhiều ngày bé phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe bị đe dọa, song cả chủ nhà trọ và hàng xóm xung quanh đó đều thể hiện sự “bất ngờ” trước thông tin cô bé bị bạo hành. Họ cũng chỉ biết cô bé rất sợ mẹ và người đàn ông ở cùng, nhiều lần có nghe tiếng cãi vã to tiếng, nhưng cũng không mấy để tâm.

Cả 2 sự việc nói trên đều khiến dư luận bất bình, người ta lên án hành vi của những đối tượng trực tiếp bạo hành trẻ em và cả những ông bố, bà mẹ có thể nhẫn tâm nhìn con mình chịu đựng sự hành hạ, đánh đập, thậm chí còn đồng lõa để trút lên người đứa trẻ những trận đòn roi thừa sống, thiếu chết. Thế nhưng, người ta cũng đặt câu hỏi nếu những người xung quanh nơi 2 cô bé nói trên có thể quyết liệt lên tiếng tố cáo hành vi bạo hành với cơ quan có thẩm quyền, chứ không phải chỉ phản ảnh lấy lệ, hay quá thờ ơ, bàng quan với những sự việc diễn ra ở nơi mình sinh sống, làm việc thì có thể đã kịp thời ngăn chặn những tình huống xấu đến với các em? Những người không trực tiếp ra tay hành hạ, ngược đãi trẻ không phải là đồng phạm, theo khái niệm luật pháp, nhưng thật sự là đồng lõa vì đã im lặng trước tội ác.

Tố cáo hành vi bạo hành để kịp thời bảo vệ trẻ

Đã đến lúc mỗi người lớn cần phải thay đổi nhận thức về trách nhiệm của mình đối với việc tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ những đứa trẻ yếu thế và không có năng lực tự vệ trước những hành vi bạo hành. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực gia đình đặc biệt là các hành vi bạo hành trẻ nhỏ. Ở Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đều đã có các hành lang pháp lý để bảo vệ các nạn nhân bị bạo hành gây tổn thương về tinh thần, tính mạng sức khỏe. Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người phát hiện hành vi bạo hành có thể báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Cơ quan công an, ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo hành có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; đồng thời giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin. Nếu các cơ quan này nhận được tin báo nhưng không hành động, không can thiệp thì sẽ chịu xự xử lý theo pháp luật.

Bên cạnh đó, người dân cũng có thể gọi theo số điện thoại đường dây nóng hay Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Tổng đài hoạt động 24/7 và hỗ trợ tất cả những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em. Để góp phần hạn chế những hành vi tương tự gây hậu quả thương tâm cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ em, Cục trẻ em cũng đã kêu gọi người dân tố cáo bạo hành, xâm hại trẻ em qua đường dây nóng 111.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh “Việc chăm lo, lên tiếng bảo vệ trẻ em không phải trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm của mỗi người dân trong xã hội khi nhìn thấy những vụ việc xâm hại quyền trẻ em, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, kể cả môi trường mạng. Đã có tổng đài trẻ em 111, có thiết chế, cơ chế bảo vệ trẻ em. Bản thân mỗi người phải chủ động lên tiếng để phản ánh sự việc đến các cơ quan chức năng”./.

Bảo Anh

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra