Bộ Tư pháp:

Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì, kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật

Thứ sáu, 15/10/2021 12:04
(ThanhtraVietNam) - Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong 9 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tiến hành 25 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất và thanh tra xác minh để giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó đã ban hành 21 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kiến nghị xử lý theo quy định.

Cụ thể, về thanh tra hành chính, Bộ Tư pháp đã triển khai 03 đoàn thanh tra hành chính trong đó 01 đoàn thanh tra theo kế hoạch, 02 đoàn thanh tra đột xuất, hiện đang trong thời gian tiến hành thanh tra và hoàn thiện các kết luận thanh tra. Qua công tác thanh tra, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số tồn tại, vi phạm của cơ quan, đơn vị được thanh tra và kiến nghị xử lý theo quy định.

Về thanh tra chuyên ngành, Bộ Tư pháp đã triển khai 03 đoàn thanh tra chuyên ngành, đã ban hành 03 kết luận thanh tra. Kết quả thanh tra cho thấy, một số đơn vị được thanh tra đã thực hiện tương đối tốt các quy định pháp luật chuyên ngành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, các đối tượng được thanh tra còn một số vi phạm và sẽ được kiến nghị xử lý theo quy định. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tư pháp đã ban hành 16 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là gần 170 triệu đồng.

Về thanh tra đột xuất, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tư pháp đã triển khai 21 đoàn thanh tra đột xuất, đoàn thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có 08 đoàn thanh tra đột xuất, 13 đoàn thanh tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đến nay, Thanh tra Bộ đang lấy ý kiến giải trình của các cơ quan, đơn vị, hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, báo cáo xác minh. Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tư pháp đã phát hiện vi phạm và ban hành 05 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với tổ chức, tập thể, cá nhân có vi phạm.  

leftcenterrightdel
 Thanh tra Bộ Tư pháp công bố quyết định thanh tra (ảnh Thanh tra Bộ Tự pháp) 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Thanh tra Bộ đã tạm dừng hoạt động thanh tra, do đó, tiến độ triển khai các đoàn thanh tra theo kế hoạch còn chậm. “Tuy nhiên, từ những kết quả đã đạt được như trên, có thể khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch của Bộ Tư pháp vẫn được duy trì, kịp thời xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật; chú trọng việc triển khai các cuộc thanh tra theo kế hoạch, công tác thanh tra đột xuất tiếp tục được đẩy mạnh.”- Bộ Tư pháp nhận định.

Trong những tháng cuối năm, Bộ Tư pháp hướng đến tiếp tục điều chỉnh Kế hoạch công tác thanh tra bảo đảm phù hợp với nguồn kinh phí sau khi đã cắt giảm theo Nghị quyết số 58/ND-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ; tiếp tục triển khai các Đoàn thanh tra theo kế hoạch, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2021 đã được điều chỉnh; hoàn thiện kết luận của các cuộc thanh tra đã tiến hành trong 9 tháng đầu năm 2021.

Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý, sử dụng ngân sách; công tác đầu tư xây dựng cơ bản; bán đấu giá tài sản; hộ tịch có yếu tố nước ngoài; tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các vấn đề bức xúc trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý mà xã hội quan tâm. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường chỉ đạo công tác tự kiểm tra của các cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về từng lĩnh vực.

Thanh tra trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp nhằm đánh giá, kết luận trách nhiệm của đơn vị và người đứng đầu đơn vị được thanh tra trong việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế và những vấn đề còn bất cập, vướng mắc (nếu có); làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, kiến nghị biện pháp khắc phục, xử lý nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra sau thanh tra. Tích cực đôn đốc các đơn vị đã từng là đối tượng thanh tra thực hiện và có báo cáo về việc thực hiện các Kết luận thanh tra, Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thành lập các Đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương.

H.T

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra