Bất cập, sai phạm trong hoạt động quỹ tín dụng nhân dân qua góc nhìn thanh tra

Thứ ba, 28/03/2023 18:46
(ThanhtraVietNam) - Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) thực hiện vai trò kinh tế với tư cách là một doanh nghiệp. Là một loại hình tổ chức trung gian tài chính, QTDND góp phần khơi thông nguồn vốn tại chỗ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn nơi mà sự hiện diện của các ngân hàng thương mại rất hạn chế. Thực tế cho thấy QTDND đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, loại hình tín dụng này cũng tồn tại những yếu kém ảnh hưởng đến an toàn hoạt động không chỉ của từng QTDND mà còn là mối rủi ro đối với cả hệ thống tín dụng. Qua các vụ việc điển hình gây hậu quả nghiêm trọng như tại Quỹ tín dụng Hải Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hậu Giang… đặt ra nhiều vấn đề trong cơ chế phát hiện và xử lý trách nhiệm pháp lý của quỹ tín dụng, đặc biệt là nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tại QTDND nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm.

Hạn chế trong xử lý vi phạm QTDND

Thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg ngày 28/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND”. Tính đến nay toàn hệ thống có gần 1.200 QTDND tại 56/63 tỉnh, thành phố với 2.831 xã, phường, thị trấn (chiếm 25,4% số xã, phường, thị trấn trên cả nước) và gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp - nông thôn.

Trong thời gian qua, các hoạt động của QTDND đã có xu hướng xa rời mục tiêu hoạt động về tính liên kết hệ thống, tương trợ, hỗ trợ thành viên, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 quy định về QTDND; Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND; Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX), QTDND và Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định QTDND gửi tiền nhàn rỗi tại NHHTX và quy định về đảm bảo an toàn hệ thống để thực hiện vai trò liên kết hệ thống, kịp thời hỗ trợ thành viên và chỉ được mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng khác không phải là NHHTX để phục vụ hoạt động thanh toán. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn còn khoảng trên 5% số QTDND (60 QTDND) có số dư tiền gửi có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng khác mà không phải là NHHTX.

leftcenterrightdel

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang kiểm tra QTDND xã Bình Minh, huyện Kiến Xương

 

Bên cạnh đó, còn một số lãnh đạo quỹ thiếu trách nhiệm hoặc năng lực quản lý điều hành yếu kém dẫn đến bị lợi dụng làm thất thoát tài sản. Một trường hợp điển hình là sai phạm trong công tác huy động vốn do việc quản lý lỏng lẻo, sai phạm trong việc quản lý sổ tiết kiệm trắng tại một số QTDND ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hậu Giang… Điều này cho thấy hệ thống kiểm soát rủi ro tại các QTDND vốn đã yếu lại dễ dàng bị chi phối bởi các nhân viên và lãnh đạo Quỹ. Đáng chú ý hơn là đã có một số QTDND có tốc độ tăng trưởng nóng và có nguy cơ vượt ngoài tầm quản lý, kiểm soát: Chỉ tính trong số 50 QTDND lớn nhất (chiếm 4,2% tổng số QTDND) nhưng đã chiếm gần 40% tổng nguồn vốn của 1.200 QTDND trong toàn hệ thống (có QTDND hiện nay có tổng nguồn vốn hoạt động lên tới gần 500 tỷ đồng). Mặt khác, tuy mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động nhưng bộ máy quản lý điều hành của các QTDND này lại không theo kịp với yêu cầu phát triển và số QTDND được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt ngày càng tăng, hiện tại đã có trên 20 QTDND. Trong đó hầu hết các quỹ này đều có các sai phạm xuất phát từ “rủi ro đạo đức”. Nguyên nhân một số bộ phận lãnh đạo và cán bộ quỹ vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động QTDND. Đồng thời, còn có một số lãnh đạo quỹ thiếu trách nhiệm hoặc năng lực quản lý điều hành yếu kém dẫn đến bị lợi dụng làm thất thoát tài sản. Trong khi đó, hoạt động của ban kiểm soát khá mờ nhạt chưa phát huy hết vai trò kiểm tra, giám sát, cảnh báo tại chỗ nên không kịp thời phát hiện được sai phạm, yếu kém của QTDND. Tình trạng nói trên cho thấy khả năng tự giám sát và việc giám sát từ bên ngoài đối với hoạt động của các QTDND còn thiếu hiệu quả, hệ thống kiểm soát rủi ro tại các QTDND vốn đã yếu lại càng dễ dàng bị chi phối bởi các cá nhân lãnh đạo quỹ dẫn đến nguy cơ rủi ro trong hoạt động của hệ thống QTDND.

Hạn chế trong kiểm tra, giám sát hoạt động QTDND

Thứ nhất, về môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý cho hoạt động của các QTDND hiện nay chưa đầy đủ là nguyên nhân quan trọng góp phần gây ra nợ xấu, nợ quá hạn. Sự bất cập và chồng chéo của Luật (hiện tại QTDND bị chi phối chính bởi 02 Luật Tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã) khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong việc xử lý tranh chấp về tài sản đảm bảo, các quy định về kế toán, kiểm toán chưa đủ sức mạnh thực hiện sẽ khiến số liệu không đủ cơ sở vững chắc để thẩm định cho vay. Khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND còn chồng chéo, thiếu tính đồng bộ và chưa phù hợp với đặc thù của hệ thống QTDND. Mặc dù là một loại hình tổ chức tín dụng nhưng hoạt động của các QTDND có những đặc thù khác hẳn với các ngân hàng thương mại và hiện nay hầu hết quy mô QTDND rất nhỏ, trình độ năng lực cán bộ còn yếu kém.

Thứ hai, về công tác tổ chức kiểm tra, kiểm soát: Công tác tổ chức kiểm tra, kiểm soát của các QTDND không thường xuyên, yếu kém và lỏng lẻo sẽ dẫn đến việc phát hiện và xử lý không kịp thời những trường hợp vi phạm, lợi dụng trong hoạt động cho vay và rủi ro trong hoạt động tín dụng là tất yếu. Hoạt động của QTDND chưa thực sự an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro: Rủi ro về khả năng thanh toán, về lãi suất, tài sản… Điều này sẽ dẫn đến sự đổ vỡ của một số quỹ tín dụng và sẽ có nguy cơ phản ứng dây chuyền đến cả hệ thống quỹ tín dụng và hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, chất lượng cán bộ QTDND: Trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ của quỹ tín dụng đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong hoạt động của QTDND, đặc biệt cán bộ tín dụng phải có kiến thức cơ bản về tài chính, tiền tệ, tín dụng, quản trị, kinh nghiệm làm việc, khả năng phân tích, dự báo cũng như các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của QTDND… Ngoài năng lực trình độ chuyên môn, hoạt động của tổ chức quỹ tín dụng có tốt hay không phần lớn phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm và đạo đức của cán bộ, đây là tiêu chí quan trọng nhất góp phần đánh giá hoạt động của quỹ tín dụng có hiệu quả hay không. Thực tế hiện nay có những trường hợp cán bộ lãnh đạo QTDND có quan hệ mật thiết lợi ích với khách hàng đã lập vẽ khống hồ sơ dự án để chiếm đoạt, sử dụng vốn sai mục đích kiếm lời và vay không có ý định trả nợ, điều này đã gây hậu quả là mất khả năng thanh toán nghiêm trọng trong hệ thống hoạt động tín dụng của quỹ và ảnh hưởng đến hình ảnh của cơ quan quản lý giám sát cũng như lòng tin của người dân đối với hoạt động QTDND.

Thứ tư, các quy định pháp lý về loại hình pháp lý của Quỹ tín dụng Trung ương còn thiếu nhất quán, dẫn đến những bất cập trong quản lý và điều hành: Hiện nay tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng Trung ương cũng theo nguyên tắc hợp tác xã, do đó thiếu tính nhất quán, cơ chế giám sát chưa chặt chẽ dẫn đến việc quản lý điều hành và kiểm soát còn nhiều bất cập, thậm chí còn lúng túng trong công tác điều hành hoạt động QTDND cơ sở.

Thứ năm, việc giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với quỹ tín dụng: Đối với một tổ chức tín dụng hoạt động giám sát là rất cần thiết và quan trọng, việc tăng cường tính giám sát để ngăn chặn phòng ngừa những rủi ro. Hiện nay, hoạt động của Quỹ tín dụng Trung ương đều chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên tính giám sát của cơ quan quản lý và Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn các tỉnh nói chung còn lỏng lẻo, chưa sát sao trong việc tham gia xử lý các QTDND yếu kém; có trường hợp quỹ hoạt động kém, rủi ro, mất thanh khoản, dẫn đến vỡ nợ nhưng sự giám sát của cơ quan quản lý vẫn còn hạn chế, chưa có hướng xử lý kịp thời dứt điểm và cũng chưa có những biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời, có trường hợp quỹ vỡ nợ, lãnh đạo quỹ tín dụng chiếm đoạt tài sản bỏ trốn, cơ quan điều tra vào cuộc cơ quan giám sát mới phát hiện ra quỹ đã dừng hoạt động trong một thời gian tương đối dài.

Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của QTDND

 Để đảm bảo hệ thống QTDND hoạt động được lành mạnh hóa, cần có một số giải pháp như sau:

Một là, xây dựng hệ thống QTDND phù hợp với thực tiễn của Việt Nam: Để hoạt động có hiệu quả và tồn tại lâu dài, trước hết hệ thống QTDND cần được xây dựng trên cơ sở xem xét các điều kiện về chính trị, kinh tế và xã hội, đảm bảo khả năng tạo điều kiện cho các QTDND cơ sở khắc phục được các khó khăn trong hoạt động, thiết lập các cơ chế đảm bảo cho các QTDND hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, một trong những nguyên nhân tồn tại, yếu kém của các QTDND là do mô hình hệ thống QTDND chưa hoàn chỉnh. Cho đến nay, hệ thống QTDND hầu như mới chỉ tự thực hiện được một nội dung liên kết về nghiệp vụ đó là hoạt động điều hoà vốn. Trong khi đó, hoạt động của các QTDND luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND là phải thiết lập được các cơ chế đảm bảo cho các QTDND hoạt động an toàn, có hiệu quả và phát triển bền vững. Thực tế trong thời gian qua cho thấy chưa có các cơ chế an toàn nên một số QTDND cơ sở rơi vào tình trạng khó khăn không thể khắc phục được đã phải giải thể.

Hai là, cần phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để phát huy được vai trò, trách nhiệm của các QTDND: Một trong những yếu tố quyết định thành công của hệ thống QTDND là cần phải có các cơ chế, chính sách quản lý đầy đủ và đồng bộ, phù hợp với thực tiễn để đưa hoạt động của QTDND theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện tốt mục tiêu, định hướng phát triển, phát huy vai trò và trách nhiệm của các QTDND. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách quản lý của hệ thống QTDND cần được xây dựng trên cơ sở các tính chất đặc thù của loại hình tổ chức tín dụng và tăng cường tính giám sát củng cố phát triển hệ thống; kịp thời xử lý, chấn chỉnh để giúp các QTDND yếu kém khắc phục khó khăn, tồn tại. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát, hỗ trợ các QTDND trong quá trình hoạt động, đảm bảo an toàn hiệu quả.

 Ba là, nâng cao vai trò của Công ty kiểm toán QTDND: Công ty kiểm toán QTDND cần thường xuyên đánh giá toàn diện các mặt hoạt động của QTDND về tài chính, tính hợp lý trong cơ cấu tổ chức, công tác quản trị, điều hành, kiểm soát, việc chấp hành pháp luật của QTDND; đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc, mục tiêu hoạt động của QTDND; qua đó đưa ra hướng dẫn để các QTDND kịp thời chấn chỉnh các sai sót, khắc phục các yếu kém nhằm góp phần phòng ngừa và hạn chế các rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra đối với từng QTDND và cả hệ thống QTDND.

Bốn là, nâng cao trách nhiệm, ý thức pháp luật của ban kiểm soát: Theo quy định, ban kiểm soát phải kiểm tra và kiểm soát được hoạt động của hội đồng quản trị và ban điều hành, thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra toàn bộ hoạt động của hội đồng quản trị, ban điều hành nhằm đảm bảo cho QTDND hoạt động đúng mục đích, tuân thủ các quy định của pháp luật, điều lệ, nghị quyết của hội đồng thành viên và của hội đồng quản trị. Mặc dù, đã quy định về chức năng của ban kiểm soát, tuy nhiên thực tế cho thấy hầu hết ban kiểm soát đều hoạt động rất hình thức, phụ thuộc vào hội đồng quản trị và hội đồng thành viên. Với các đặc điểm nêu trên, ban kiểm soát khó có thể hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ như luật định và trở nên hình thức. Vì vậy, thực trạng về ban kiểm soát vẫn còn tồn tại dưới hình thức “người giám sát bị kiểm duyệt”, chưa phải là một thể chế giám sát nội bộ độc lập, chuyên môn và chuyên nghiệp để cân bằng hoạt động của quỹ tín dụng.

Năm là, thiết lập quỹ dự phòng khả năng chi trả nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản: Với quy mô hoạt động của hầu hết các QTDND cơ sở còn rất nhỏ bé, khả năng huy động vốn còn hạn chế. Trong khi đó, hệ thống QTDND chưa thiết lập được hệ thống thanh toán, các hoạt động giao dịch hầu như sử dụng hoàn toàn bằng tiền mặt. Do đó, việc bảo đảm khả năng thanh khoản là một trong những vấn đề hết sức quan trọng. Thực tế trong thời gian qua cho thấy một số QTDND cơ sở cho vay ra với tỷ lệ quá cao nên thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ không đảm bảo khả năng chi trả. Nếu không kịp thời có giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này, một số QTDND cơ sở rơi vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn và khả năng thanh toán, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín và sự an toàn của hệ thống QTDND là khó tránh khỏi. 

Sáu là, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra QTDND: Thanh tra và kiểm tra là những chức năng thiết yếu của hoạt động quản lý. Hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra các vụ việc vi phạm pháp luật và ngăn ngừa hành vi vi phạm của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh việc thanh tra đảm bảo an toàn của hệ thống tín dụng, hoạt động thanh tra cũng cần phải đổi mới về tổ chức, phương thức kiểm tra. Đặc biệt đối với tổ chức quỹ tín dụng cần phải tổ chức và tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra giám sát nội bộ để cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật.

Bảy là, xây dựng quy chế  phối hợp giữa các cơ quan tư pháp để xử lý kịp thời các hành vi phạm pháp của quỹ tín dụng: Cần luật hóa và xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hoạt động của quỹ tín dụng, trong đó quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan điều tra, kiểm sát, thanh tra, kiểm tra trong việc xử lý hành chính, hình sự và xử lý kỷ luật đối với quỹ tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật, phát hiện và xử lý nhanh chóng kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động của các QTDND và có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Đồng thời cần quy định hướng dẫn nhất quán các trình tự, cách thức áp dụng và chế tài đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong trường hợp không thực hiện tốt quy định này./.

 Tài liệu tham khảo:

1. Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017;

2. Thông tư số 04/2015/TT-NHNN ngày 31/3/2015 của Ngân hàng Nhà nước quy định về QTDND; Thông tư số 03/2014/TT-NHNN ngày 23/01/2014 quy định về Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND;

3. Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về NHHTX Việt Nam, QTDND và Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTDND của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

4. Tạp chí Tài chính (2021), Rủi ro tại các QTDND giai đoạn 2015-2020: Thực trạng và giải pháp;

5. Doãn Hữu Tuệ (2009), Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của hệ thống QTDND Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

TS. Phạm Thị Hương
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra