1. Về khái niệm tố cáo
Khoản 1, Điều 2, Luật Tố cáo năm 2018 định nghĩa khái niệm tố cáo: “Là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
(i) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
(ii) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Xoay quanh khái niệm này có một số vấn đề cụ thể như sau:
Vi phạm pháp luật là hành vi trái pháp luật, có lỗi của chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lí xâm hại tới quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Theo đó, vi phạm pháp luật phải chứa đựng yếu tố “hành vi trái pháp luật”. Ngược lại, tồn tại hành vi “trái pháp luật” không đồng nhất là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, khi xác định một hành vi trái pháp luật hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan chức năng. Cá nhân tố cáo vẫn chưa đủ nhân lực và vật lực để xác định đích xác hành vi mà mình tố cáo là vi phạm pháp luật hay không. Thực tế cho thấy để xác định một hành vi vi phạm pháp luật cần trải qua quá trình điều tra, chứng minh, xét xử…., từ đó cho ra kết luận cuối cùng. Nhìn nhận vấn đề ở góc độ khách quan, thì đây chính là nhiệm vụ được trao cho cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, khái niệm tố cáo được luật hóa tại Luật Tố cáo năm 2018 chưa thực sự đồng nhất với tinh thần mà Hiến pháp 2013 đã đề ra. Bởi Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Bên cạnh đó, tại điểm c khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 quy định người tố cáo phải “chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình”. Với khái niệm tố cáo như đã phân tích ở trên, có thể nhận định Luật Tố cáo năm 2018 vẫn còn tồn tại những “điểm mờ” nhất định, điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền tố cáo của cá nhân. Bởi lẽ, trường hợp cá nhân chưa nắm chắc chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật mà tiến hành tố cáo thì hệ quả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình là vấn đề hiển nhiên. Nhìn nhận một cách khách quan, với khả năng của mình thì cá nhân không thể thay mặt Nhà nước trong công tác minh chứng có hay không một hành vi vi phạm pháp luật(1).
Có thể nhận định “tố cáo” là khái niệm quan trọng trong Luật Tố cáo năm 2018. Từ đó, thiết nghĩ khái niệm này cần được chuẩn hóa theo hướng như sau: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi trái pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:
(i) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
(ii) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”
2. Chủ thể có quyền tố cáo
Trên cơ sở khoản 4 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018 thì “người tố cáo là cá nhân thực hiện việc tố cáo”. Qua đó, có thể nhận thấy chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ là cá nhân. Đối lập với khiếu nại khi chủ thể có quyền khiếu nại bao hàm cả công dân, cơ quan, tổ chức. Quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, bởi nếu người tố cáo có hành vi xuyên tạc, tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật Tố cáo tồn tại nhiều quan điểm cho rằng ngoài cá nhân được thực hiện quyền, thiết nghĩ nên mở rộng chủ thể tố cáo bao hàm cả cơ quan, tổ chức. Bởi lẽ, với những cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, hoàn toàn có thể tham gia một cách độc lập vào các quan hệ kinh tế - xã hội và có khả năng chịu sự tác động của các hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là cần ghi nhận quyền tố cáo cho những chủ thể này nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm xã hội trong việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, mặt khác cũng là một biện pháp tích cực, chủ động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức.
Thực tiễn áp dụng cho thấy, chủ thể thực hiện tố cáo là cơ quan, tổ chức không nhiều. Nội dung tố cáo của nhóm chủ thể này thường thiên về phản ánh, kiến nghị. Việc thực hiện quyền tố cáo của một chủ thể sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân. Việc quy định chỉ cá nhân có quyền tố cáo là hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp và chính sách hình sự của nước ta - cá thể hóa trách nhiệm hình sự. Theo đó, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, hành vi tố cáo sai sự thật đồng nghĩa phải bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ hành vi. Do đó, nếu luật hóa vấn đề cho phép cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo, có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp trong việc quy định cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo như việc xác minh thông tin về người tố cáo, việc bảo vệ bí mật, xác định trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp tố cáo sai sự thật. Do đó, chỉ cá nhân mới có quyền tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.(2)
Tuy nhiên, khi bàn luận xoay quanh chủ thể có quyền tố cáo theo luật định, vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều. Khi căn cứ vào Điều 65 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì ngoài thuật ngữ “tố cáo hành vi tham nhũng” còn tồn tại song song “phản ánh hành vi tham nhũng”. Nếu chỉ có cá nhân được quyền tố cáo hành vi tham nhũng thực hiện dựa trên quy định của Luật Tố cáo năm 2018, thì cá nhân và cả tổ chức sẽ có quyền “phản ánh về hành vi tham nhũng” trên cơ sở Luật định về tiếp công dân. Đối chiếu vấn đề cùng Luật Tiếp công dân năm 2013 không tồn tại thuật ngữ “phản ánh hành vi tham nhũng” mà chỉ có điều khoản giải thích thuật ngữ “phản ánh” nói chung. Theo đó, “phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó”. Từ vấn đề trên có thể nhận thấy về chủ thể tố cáo hành vi tham nhũng và phản ánh hành vi tham nhũng chưa có sự tách biệt rạch ròi, khi mà người tố cáo và chủ thể phản ánh hành vi tham nhũng đều phải nêu rõ họ tên, địa chỉ hoặc xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (nếu có); trình bày sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo, phản ánh; ký hoặc điểm chỉ xác nhận những nội dung trình bày đã được người tiếp công dân ghi chép lại…(3) Để tránh nhầm lẫn giữa chủ thể có quyền tố cáo và chủ thể có quyền phản ánh thì nhà làm luật cần ban hành văn bản hướng dẫn những thông tin mà người tố cáo cần cung cấp phân biệt rạch ròi cùng hành vi phản ánh. Vì lẽ, tại khoản 2 Điều 65, khoản 2 Điều 67 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo”. Điều này cho thấy, chủ thể phản ánh hành vi tham nhũng và tố cáo đều có thể gặp những nguy hiểm nhất định khi thực hiện quyền của mình và đồng thời đều được bảo vệ như nhau. Vấn đề đặt ra là chủ thể phản ánh hành vi tham nhũng sẽ được bảo vệ ra sao khi mà các biện pháp bảo vệ quy định trong Luật Tố cáo năm 2018 chỉ dành cho người tố cáo, phạm vi điều chỉnh không dành cho đối tượng phản ánh tố cáo như Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 vừa nêu. Từ vấn đề trên pháp luật cần có những điều khoản quy định nhằm phân biệt tố cáo tham nhũng và phản ánh tham nhũng, cũng như có những biện pháp bảo vệ người phản ánh hành vi tham nhũng cho phù hợp.
3. Về hình thức tố cáo
Tại Điều 22 Luật Tố cáo năm 2018 tồn tại hai hình thức tố cáo là tố cáo trực tiếp và bằng đơn. Xoay quanh vấn đề này cần làm rõ một số “điểm mờ” như sau:
Thứ nhất, với trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo(4). Quy định này vẫn nhập nhằng giữa hình thức tố cáo và cách thức thực hiện tố cáo. Bởi lẽ, nhìn nhận một cách khách quan thì đơn tố cáo được xem là một loại hình văn bản do người tố cáo thực hiện, việc hoàn thành quá trình viết đơn tố cáo ở địa điểm nào đi chăng nữa hoặc giả nhờ chủ thể khác viết thay thì suy cho cùng đều được thể hiện thông qua hình thức văn bản hay nói cách khác là bằng đơn. Trường hợp người tiến hành tố cáo không thể viết đơn vì lý do khách quan như không biết viết chữ hoặc do khiếm khuyết cơ thể có thể đến trực tiếp cơ quan trình bày bằng miệng, lời nói với người tiếp nhận tố cáo. Theo quan điểm của nhiều tác giả cho rằng trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền nộp đơn, viết đơn thông qua hướng dẫn của cán bộ tiếp nhận tố cáo hoặc giả gián tiếp nộp đơn thư tố cáo qua bưu chính, thư điện tử, fax, điện thoại, hộp thư tố cáo, đây được xem là phương thức, cách thức tiến hành tố cáo. Nhà làm luật không thể mặc nhiên xem đây là hình thức tố cáo. Từ đó suy ra, không thể xem hành vi người tố cáo đến trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền giải quyết viết đơn hoặc trình bày nội dung tố cáo với người tiếp nhận tố cáo là một hình thức tố cáo trực tiếp.
Đối chiếu vấn đề cùng Bộ luật Dân sự có thể nhận thấy, về mặt hình thức, tố cáo có những điểm tương thích khi đối chiếu cùng hợp đồng dân sự, hay hình thức di chúc. Trong đó, thể chế rõ có 2 loại hình thức tồn tại là văn bản hoặc bằng lời nói. Từ đó, nhằm đồng nhất với Bộ luật Dân sự thiết nghĩ tại Điều 22 Luật Tố cáo 2018 cần có sự hiệu chỉnh, bổ sung theo hướng: “Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản (đơn tố cáo) hoặc tố cáo bằng miệng (bằng lời nói) trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.
Thứ hai, về hình thức tố cáo và phương thức tiếp nhận đơn thư tố cáo được quy định tại Điều 22 và 23 Luật Tố cáo năm 2018 chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người tố cáo thực hiện quyền của mình. Dẫn giải cho trường hợp này có thể nhận thấy Luật Tố cáo vẫn chưa tường minh trong vấn đề quy định cách thức, phương thức thực hiện tố cáo nhằm giúp người tố cáo có sự chọn lựa phù hợp với điều kiện bản thân. Nhìn chung để tạo điều kiện tốt nhất cho người tố cáo pháp luật nên có những đặt định khác nhau về phương thức, phương tiện khác nhau nhằm chuyển tải đơn thư đến chủ thể có thẩm quyền giải quyết như: Trực tiếp đến nộp đơn tố cáo, trình bày miệng với cơ quan chức năng, gửi đơn thư qua đường bưu điện, qua hòm thư điện tử của cơ quan, fax, qua điện thoại, qua băng ghi âm…, việc pháp luật mở rộng phạm vi về hình thức và phương thức tiếp nhận đơn thư sẽ tạo tiền đề thúc đẩy người có quyền tố cáo thực hiện quyền của mình.
4. Về bảo vệ người tố cáo
4.1. Chủ thể được bảo vệ
Trên cơ sở Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 thì người được bảo vệ bao hàm: Người tố cáo, vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khi phân tích vấn đề, có thể nhận thấy đối tượng được bảo vệ trong Luật Tố cáo chính yếu tập trung vào những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người thực hiện tố cáo nếu chiếu theo Bộ luật Dân sự. So sánh vấn đề cùng Luật Tố cáo năm 2011 có thể nhận thấy chủ thể được bảo vệ khi thực hiện việc tố cáo trong Luật Tố cáo năm 2018 hẹp hơn so với Luật Tố cáo năm 2011. Cụ thể Luật Tố cáo năm 2011 bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo(5). Như vậy, Luật Tố cáo năm 2018 đã giản lược nội dung này khi chỉ liệt kê một số chủ thể được bảo vệ thay vì theo nội hàm “người thân thích với người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo” so với trước đây.
Với quan điểm của tác giả, chủ thể được bảo vệ theo Luật Tố cáo năm 2011 mang tính khả thi, hiệu quả so với Luật Tố cáo năm 2018, điều này khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo của mình, góp phần to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật. Vì lẽ, thực tế cho thấy những chủ thể tuy không nằm trong hàng thừa kế thứ nhất vẫn có thể gặp nguy hiểm, trù dập nếu hành vi tiến hành tố cáo diễn ra. Khi mà, thực tế cho thấy theo tập quán sinh hoạt hiện nay ở nước ta vẫn tồn tại rất nhiều gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, “gia đình đa thế hệ” sống cùng nhau. Giả định người tiến hành tố cáo thuộc hàng con, cháu trong một gia đình, nhưng pháp luật chỉ có những biện pháp bảo vệ cho cha, mẹ, vợ hoặc chồng mà không có biện pháp bảo vệ cho cô, chú, ông, bà còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi, chưa đảm bảo sự an tâm cho người tiến hành thực hiện tố cáo. Bên cạnh đó, có thể nhận thấy Luật Tố cáo năm 2018 chỉ tựu trung bảo vệ người tiến hành tố cáo và một số đối tượng thân thích của người tố cáo, mà chưa có những biện pháp, cơ chế bảo vệ người làm chứng trong tố cáo hoặc giả những đối tượng trực tiếp, gián tiếp cung cấp thông tin liên quan đến tố cáo. Từ vấn đề trên, pháp luật cũng nên suy tính bổ sung đối tượng được bảo vệ khi tiến hành thực hiện tố cáo như tinh thần Luật Tố cáo năm 2011 đã quy định trước đây.
4.2. Về phạm vi bảo vệ người tố cáo
Nhìn chung có thể nhận thấy liên quan đến bảo vệ người tố cáo đã được điều chỉnh bởi nhiều đạo luật, văn bản khác nhau như: Hiến pháp năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Tố cáo năm 2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017... Trong đó, nội hàm liên quan đến bảo vệ người tố cáo bao gồm bảo vệ thông tin của người tố cáo, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm. Bàn luận xoay quanh cơ chế bảo vệ người tố cáo vẫn còn tồn tại những điểm khiếm khuyết như sau:
Thứ nhất, các biện pháp bảo vệ người tố cáo giữa các luật chưa có sự thống nhất và đầy đủ. Khi tìm hiểu các biện pháp liên quan đến bảo vệ người tố cáo, trong số hành vi bị cấm tại Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 bao gồm: (i) Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo. (ii) Tiết lộ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo. (iii) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. (iv) Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập xúc phạm người tố cáo. Khi đó, đối sánh vấn đề cùng Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 chỉ cấm duy nhất một hành vi là đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Do đó, việc đồng nhất các hành vi bị cấm trong Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 cần được bổ sung trong Điều 8 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, trong quá trình xác minh nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo có thể tự xác minh hoặc giao cho cơ quan thanh tra cùng cấp, cơ quan tổ chức khác xác minh nội dung tố cáo. Trong đó, quy trình xác minh nội dung tố cáo được thực hiện bằng văn bản hàm chứa những nội dung như: Ngày tháng năm giao xác minh; người được giao xác minh nội dung tố cáo; họ tên địa chỉ người bị tố cáo; nội dung cần xác minh..., nội dung này không bao hàm họ tên và địa chỉ người tố cáo nhằm đảm bảo bí mật thông tin cho người tiến hành tố cáo. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần được xem xét lại. Bởi lẽ, căn cứ vào khoản 5 Điều 31 Luật Tố cáo năm 2018 thì người xác minh nội dung tố cáo hoặc được ủy quyền thực hiện xác minh sẽ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo như yêu cầu người tố cáo đến làm việc. Giả định người giải quyết tố cáo không thực hiện xác minh nội dung tố cáo, nhưng được giao cho thanh tra hoặc cơ quan khác thực hiện xác minh. Điều này sẽ gây khó khăn cho cơ quan, cá nhân xác minh. Bởi lẽ, trong văn bản giao xác minh không bao hàm thông tin, địa chỉ người tố cáo, điều này ngăn trở người xác minh khi cần trao đổi hoặc cung cấp thêm thông tin.
Ngoài ra, người xác minh nội dung tố cáo cũng sẽ có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền nhằm bảo vệ người tố cáo. Vấn đề đặt ra là khi thanh tra hoặc một cơ quan, tổ chức khác được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo sẽ được áp dụng biện pháp cần thiết nào để bảo vệ người tố cáo, khi mà tại Điều 49 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trách nhiệm áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc về người giải quyết tố cáo, cơ quan công an, ủy ban nhân dân các cấp…, không bao hàm cơ quan thanh tra. Qua đây, có thể nhận thấy pháp luật không trao thẩm quyền xác minh nội dung tố cáo riêng biệt một chủ thể nào, mà còn bao hàm cả những cơ quan, tổ chức khác. Tuy nhiên vấn đề là cơ quan, tổ chức khác được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo bao gồm những cơ quan, tổ chức nào và được giao nhiệm vụ trong trường hợp nào? Điều này chưa được Luật Tố cáo và những văn bản hướng dẫn thi hành quy định cụ thể. Từ đó, pháp luật tố cáo cần có những điều khoản giải thích vấn đề này, nhằm giúp cơ quan thừa hành có cách nhìn nhận đúng đắn về cơ quan được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo.
Thứ ba, Luật Tố cáo năm 2018 đã có những biện pháp bảo vệ vị trí, việc làm của người thực hiện tố cáo hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế. Đơn cử trên cơ sở điểm c khoản 1 Điều 57 Luật Tố cáo năm 2018 thì “công tác khác” được bố trí cho người được bảo vệ ở đây cần thỏa mãn những tiêu chí nào, pháp luật vẫn chưa làm rõ. Bởi lẽ, công việc mới có đáp ứng tiêu chí bằng hoặc tốt hơn nghề nghiệp cũ không, phải đáp ứng đúng chuyên môn của người được bảo vệ; mức lương phải bằng hoặc tốt hơn vị trí công tác cũ, phải phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người được bảo vệ. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan có thể nhận thấy pháp luật vẫn chưa có những điều khoản cụ thể quy định vấn đề này, dẫn đến vấn đề người được bảo vệ có thể phải chấp nhận một công việc không phù hợp về mặt chuyên môn hoặc vị trí công tác được bố trí thấp hơn nơi công tác cũ. Trường hợp này nếu người được bảo vệ không chấp thuận thì đồng nghĩa biện pháp bảo vệ sẽ không được tiến hành triển khai. Từ những vấn đề như đã phân tích, đòi hỏi nhà làm luật cần cân nhắc nhằm điều chỉnh Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng theo một trật tự thích hợp, nhằm tránh chồng chéo giữa hai đạo luật này, góp phần tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy người tiến hành tố cáo mạnh dạn thực hiện quyền của mình./.
Chú thích:
(1) Cao Vũ Minh, “Một số bất cập trong các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước Pháp luật số 4/2016, Hà Nội, 2016, tr.15;
(2) Tài liệu hỏi đáp pháp luật về tố cáo (tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân ở xã, phường, thị trấn) năm 2017;
(3) Điều 25 Luật Tiếp công dân năm 2013;
(4) Khoản 2 Điều 23 Luật Tố cáo năm 2018;
(5) Điểm b khoản 2 Điều 11 Luật Tố cáo năm 2011.
Tài liệu tham khảo
1. Cao Vũ Minh (2016), “Một số bất cập trong các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 và hướng hoàn thiện”, Tạp chí Nhà nước Pháp luật số 4/2016, tr.15;
2. Trần Huy Liệu (2017), “Góp ý về trình tự, thủ tục tố cáo và giải quyết tố cáo trong dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi)”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11 (339), tr.27;
3. Tài liệu hỏi đáp pháp luật về tố cáo (tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân ở xã, phường, thị trấn) năm 2017;
4. Luật Tiếp công dân năm 2013;
5. Luật Tố cáo năm 2018;
6. Luật Tố cáo năm 2011.